Nguyễn Huy-
Vài năm trước, cứ từ tháng 5, sân khấu phía Nam rạo rực chuẩn bị mùa kịch thiếu nhi. Thế nhưng năm nay, mùa kịch thiếu nhi vắng vẻ khi đa phần đều bỏ cuộc, chỉ còn gần như mỗi chương trình Ngày xửa ngày xưa cố gắng sáng đèn.
Khó trăm bề
Kể từ khi ký hợp đồng thuê mặt bằng sân khấu tại Nhà thiếu nhi TPHCM, mùa hè nào sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng dựng kịch thiếu nhi. Dù chưa có bề dày kinh nghiệm, lẫn thiếu nguồn vốn nhưng sân khấu này cũng tạo ra những vở diễn có ý nghĩa về nội dung, lẫn sự sinh động trong cách thể hiện, theo đánh giá của giới sân khấu. Mùa hè lại qua đi, những người tổ chức ở sân khấu Hoàng Thái Thanh lại không thể hoàn vốn vì đầu tư nhiều hơn tiền vé thu về. Thế nhưng đến hẹn lại lên ông bầu là nghệ sĩ ưu tú Thành Hội và Ái Như vẫn gồng mình để không hổ danh là sân khấu thuộc Nhà Văn hóa thiếu nhi.
Thậm chí ngay cả khi dời địa điểm về Nhà thiếu nhi quận 10, Hoàng Thái Thanh vẫn tiếp tục dựng kịch thiếu nhi và vẫn tiếp tục chấp nhận lỗ. Thế nhưng năm nay, sân khấu Hoàng Thái Thanh phải tạm dừng cuộc chơi. Lý do được ông bầu sân khấu này đưa ra là hồi đầu năm, sân khấu chuẩn bị trở lại mái nhà xưa tại Nhà thiếu nhi thành phố, nhưng cuối cùng nhận quyết định không được về. Sự xáo trộn này ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch của sân khấu, vì vậy mà sân khấu đành gác lại mảng kịch dành cho các bạn nhỏ.
Sân khấu Thế Giới Trẻ dù hiểu rõ kịch thiếu nhi không phải là thế mạnh, nhưng ông bầu Trần Đại và Trancey Thúy Nguyễn vẫn bắt tay làm kịch thiếu nhi, bởi xem đó là khách hàng tiềm năng. Nhưng chỉ sau hai mùa, đơn vị này đành bỏ cuộc vì lý do diễn viên không ổn định và làm kịch cho thiếu nhi xem còn công phu hơn cả kịch cho người lớn xem.
Những năm trước, sân khấu kịch 5B cũng có một câu lạc bộ kịch thiếu nhi. Nhóm kịch này không nổi tiếng nhưng hoạt động vẫn đều đặn, đặc biệt là vào hè. Được biết năm nay nhóm không có kịch mục nào mới và tình hình hoạt động yếu ớt. Sân khấu kịch Sen Hồng có hẳn một chương trình dành cho thiếu nhi nhưng đây lại là chương trình tổng hợp và miễn phí, nên theo quan sát của người viết cũng như đánh giá của giới sân khấu, vẫn chưa thu hút khán giả nhỏ tuổi.
Ngày xửa ngày xưa số 30 có câu chuyện sinh động, phục trang và cảnh trí bắt mắt.
Đam mê chưa đủ
Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát cùng nhóm học trò của mình những năm qua chuyên trị mảng sân khấu dành cho trẻ em. Ngoài những vai diễn trên sân khấu lớn, anh còn thường diễn tại trường học, hoặc các sự kiện phục vụ đối tượng bà mẹ trẻ em. “Tình hình sân khấu thiếu nhi phía Nam trước đây vốn đã không mạnh, giờ còn bi đát hơn. Sân khấu tên tuổi lớn chỉ còn mỗi Idecaf duy trì chương trình, các sân khấu khác đều im hơi lặng tiếng”, đạo diễn Huỳnh Tấn Phát chia sẻ.
Vị đạo diễn này cũng cho rằng, làm kịch thiếu nhi cần phải có niềm đam mê và nguồn vốn đầu tư mạnh, bên cạnh lực lượng nhân sự đông đảo và chuyên nghiệp. “Thiếu một trong ba yếu tố này không thể làm được một chương trình thiếu nhi hấp dẫn”, đạo diễn Huỳnh Tấn Phát nói từ kinh nghiệm của mình.
Ngay cả Idecaf, được xem là “anh cả” của kịch thiếu nhi qua thương hiệu chương trình nổi tiếng là Ngày xửa ngày xưa, cũng đang chật vật đối mặt khó khăn. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nói: “Gameshow phát triển quá mạnh và nhiều nguyên nhân khác, đã làm chúng tôi khốn đốn. Thông thường khán giả nhí muốn đến rạp phải được cha mẹ dẫn đi. Bây giờ cha mẹ mê gameshow muốn ở nhà xem vừa đỡ mất công đi, vừa khỏi tốn tiền nên lượng vé bán ra giảm hẳn”.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết, hè này, để kích thích bậc phụ huynh rời bỏ màn hình ti vi và bước chân đến rạp, sân khấu Idecaf phải thực hiện chương trình khuyến mãi là tặng một đĩa Ngày xửa ngày xưa số 26 đối với hai vé xem chương trình Ngày xửa ngày xưa số 30. Theo dự kiến trong mùa kịch thiếu nhi này Idecaf tặng khoảng 20.000 đĩa cho các bạn nhỏ.
Vở Hoàng tử, công chúa và 9 vị thần bị bắt (tác giả Minh Phương, đạo diễn Vũ Minh, diễn tại rạp Bến Thành, quận 1) có một cốt truyện hay. Câu chuyện kể về vị thần bóng tối (nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc thủ vai) vì ghen tỵ với các vị thần khác mà tạo nên một cuộc chiếm đoạt rất hung bạo. Nhưng sau cùng, nhờ trí thông minh và lòng can đảm của các hoàng tử và công chúa, sự giúp sức của các vị thần mà cái ác bị trừng trị.
Nhưng chỉ với chương trình Ngày xửa ngày xưa số 30 với vở Hoàng tử, công chúa và 9 vị thần bị bắt được giới sân khấu cho là “trống giong cờ mở” thì rõ ràng, sân khấu kịch cho thiếu nhi mùa hè năm nay tiếp tục gặp khó.