Quỳnh Nga -
Sân khấu TPHCM đã khép lại một năm khá sôi động với nhiều dịch chuyển tích cực và nhanh chóng bắt nhịp với không khí nhộn nhịp ngay trong những ngày đầu năm 2018.
Kịch tâm lý trở lại
“Khi khán giả đã quá ngán ngẩm với những màn hù dọa ở các vở kịch ma và bội thực với những tiếng cười dễ dãi cả trên sân khấu lẫn truyền hình thì sự trở lại của những vở diễn có thông điệp nhân văn, sâu sắc là điều tất yếu”, đạo diễn – NSƯT Trần Minh Ngọc, thành viên Hội đồng nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa-Thể thao TPHCM, mới đây cho biết.
Thay đổi rõ nét nhất trong năm 2017 của sân khấu kịch TPHCM là sự trở lại của dòng kịch tâm lý xã hội. Mặc dù hài kịch vẫn là “món ăn” không thể thiếu của các sân khấu nhưng hầu hết những vở diễn được dàn dựng trong năm 2017 không còn là những vở hài kịch mang tính giải trí đơn thuần mà đã hướng đến những câu chuyện xoay quanh mối quan hệ gia đình, bạn bè… với thông điệp về tình yêu thương và sự gắn kết.
Các yếu tố bi, hài được xây dựng khá liền lạc từ khâu kịch bản để khán giả có thể bật cười với những tình huống bất ngờ hay sự phối hợp tung hứng dí dỏm của diễn viên… Mỗi vở diễn sẽ có những điểm nhấn nhá với mong muốn có thể chạm vào cảm xúc của người xem. Có thể đó là tình thương của một đứa con phải đi xa dành cho cha và em trai (vở kịch Hồn anh xác em tại sân khấu Thế giới trẻ), hay là những cảm xúc lãng mạn, nhẹ nhàng (vở Đời bỗng dưng yêu tại sân khấu kịch Idecaf), là những giọt nước mắt xúc động trước tình nghĩa mà con người dành cho nhau (vở Mơ trăng bóng nước, Hồi xưa biển ngọt tại sân khấu Hoàng Thái Thanh),…
Trong đó, Thế giới trẻ – sân khấu từng thành công với những vở diễn đề tài kinh dị giờ cũng đã tập trung nhiều hơn cho những vở diễn tâm lý xã hội. Đây là một trong những bước chuyển tích cực được ghi nhận. Đạo diễn Ngọc Hùng, người quản lý sân khấu này, cho biết: “Sau chặng đường 8 năm xây dựng thương hiệu và tìm kiếm khán giả riêng, sân khấu Thế giới trẻ đã xác định cho mình một hướng đi mới: xây dựng những vở kịch tâm lý, đi vào cảm xúc của người xem”.
Một bất ngờ khác, khi nhạc kịch tưởng chừng đã đi vào “ngõ cụt” với quá nhiều khó khăn thì thành công của vở nhạc kịch Bé chịu chơi và Tiên Nga như một cú hích, tiếp thêm niềm tin cho những người theo đuổi nhạc kịch. Được dự báo sẽ là đời sống chính của sân khấu kịch nói từ cách đây khoảng 7 năm nhưng cho đến nay nhạc kịch mới thực sự chứng minh được sức sống của mình.
Cải lương nhộn nhịp nhưng lo ngại về chất lượng
Đã khá lâu rồi cải lương mới trở lại sáng đèn hàng tuần như hiện nay. Ngoài các suất diễn cố định hàng tuần của nhà hát Trần Hữu Trang, sân khấu cải lương đang khá sôi động với những chương trình của các nhóm nghệ sĩ, các đơn vị xã hội hóa khác như chương trình Về lại cội nguồn của NSƯT Kim Tử Long, chương trình của sân khấu cải lương Lê Hoàng (Trung tâm văn hóa quận Bình Thạnh),… Đặc biệt, vở cải lương Xử án Phi Giao với kinh phí đầu tư khoảng 700 triệu đồng, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi NSƯT Kim Tử Long, Ngọc Huyền, NSƯT Linh Tâm, Thanh Hằng, Kim Tiểu Long… được xem như điểm nhấn quan trọng của sân khấu cải lương TPHCM trong một năm trở lại đây.
Ngay trong ngày đầu năm 2018, cải lương lại tiếp tục được chú ý với sự trở lại của vở cải lương kinh điển Đời cô Lựu với sự “chung vai” của các thế hệ nghệ sĩ như NSND Bạch Tuyết, NSND Ngọc Giàu, Chí Tâm, Phượng Liên, Chí Linh, Vân Hà... Để đáp ứng nhu cầu của đông đảo khán giả, dự kiến, Xử án Phi Giao cũng sẽ có thêm một suất diễn vào ngày 25-1.
Trong khi không ít người cho rằng cải lương không còn được khán giả yêu thích thì giá vé hiện nay của các vở cải lương lại khá cao so với mặt bằng chung của các chương trình biểu diễn nghệ thuật sân khấu khác. Hiện giá vé xem kịch phổ biến ở mức 160-200 ngàn đồng (vở Tiên Nga và Bé chịu chơi là trường hợp đặc biệt, có giá vé khoảng 400 ngàn đồng), nhưng giá vé phổ biến ở sân khấu cải lương dao động từ 200-500 ngàn đồng, riêng vở cải lương Xử án Phi Giao có giá vé lên đến 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhìn chung, trong sự sôi động của cải lương vẫn còn không ít những nỗi lo. “Cải lương dường như đang quá chú trọng đến số lượng các vở diễn mà không còn nhiều thời gian chăm chút cho chất lượng của từng tác phẩm. Sân khấu sáng đèn hàng tuần nhưng không nhiều vở diễn trong số đó đủ sức chinh phục khán giả”, NSƯT Kim Tử Long nói.
Trong một cuộc họp gần đây với Hội đồng nhân dân TPHCM, Giám đốc nhà hát Trần Hữu Trang - NSND Trần Ngọc Giàu cho biết có những suất diễn cải lương chỉ bán được vài chục vé. Một suất diễn có trên dưới 200 khán giả đã được xem là khá thành công về mặt tổ chức biểu diễn.
Ngoài ra, các vở (cải lương) mới liên tục được công diễn, nhưng tuổi thọ không cao. Ngoài lý do kịch bản chưa đủ sức hút, khả năng ca diễn của diễn viên trẻ hiện nay cũng chưa đủ chinh phục khán giả. Thực tế chứng minh, có một khoảng cách khá xa giữa nghệ sĩ trẻ hiện nay so với thế hệ trước. Theo đánh giá của một số người am hiểu lĩnh vực này, chỉ là những tuồng cải lương xã hội, những vai diễn không quá phức tạp, nhưng không ít diễn viên ca diễn thiếu cảm xúc; tình trạng diễn viên không thuộc tuồng khá phổ biến. Có những suất diễn mà tiếng nhắc tuồng nghe rõ mồn một trong khán phòng… làm người xem thất vọng.
“Nếu chỉ chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng thì e rằng đến một lúc nào đó, khán giả cũng sẽ ‘làm ngơ’ với cải lương”, một nghệ sĩ gạo cội của sân khấu cải lương phát biểu.
Dù chưa thật trọn vẹn, nhưng với những dịch chuyển trong một năm qua, sân khấu TPHCM vẫn đang được nhìn nhận đã “đặt chân” sang một cột mốc mới: sân khấu đang đi tìm lại chính mình với những giá trị đích thực.