(SGTT) - Tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp ở Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long vô cùng lớn. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch nông nghiệp sẽ dựa vào 3 yếu tố: điểm tham quan, khu lưu trú – nghỉ dưỡng và bữa ăn ngon, sạch. Ngoài ra, người dân muốn chuyển qua làm du lịch nông nghiệp cần phải chú ý đến nguồn nhân lực.
- Tạo sự khác biệt trong mỗi sản phẩm để hút khách sau dịch Covid-19
- Du lịch nông nghiệp tại TPHCM: Đa dạng tài nguyên nhưng sản phẩm nghèo nàn
- Thổi hồn vào sản phẩm du lịch nông nghiệp để thu hút du khách
Trong chương trình livestream trực tuyến trên fanpage Sài Gòn Tiếp Thị diễn ra hôm 12-8 với chủ đề: Xu hướng du lịch nông nghiệp hậu đại dịch Covid-19 do Sài Gòn Tiếp Thị và Sáng kiến Điểm đến an toàn thực hiện, các chuyên gia cho rằng, tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp ở Việt Nam nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vô cùng lớn.
Tạo sự tinh tế trong sản phẩm
Theo chia sẻ của ông Phan Đình Huê, chuyên gia du lịch, Giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt, tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp ở Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long vô cùng lớn.
Tuy nhiên, nhu cầu và xu hướng của du khách sau dịch Covid-19 đã có nhiều thay đổi. “Ngày xưa (lúc trước dịch – PV), nói du lịch nông nghiệp, du lịch nhà vườn chủ yếu là vườn cây ăn trái. Bây giờ, ta phải nghĩ đến những sản phẩm có nhiều trải nghiệm cho khách; món ăn ngon, đặc trưng; chỗ ngủ sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, dịch vụ chứ không đơn thuần là ngủ nhà dân”, ông Huê nói.
Cũng theo ông Huê, cần phải xây dựng sản phẩm du lịch tinh tế, phải hiểu được sản phẩm và các yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch nông nghiệp. “Thường thì sản phẩm du lịch có phần chính và phần lõi. Phần lõi thì giống nhau nhưng phần cộng thêm khác nhau”, ông Huê nói thêm.
Phần cộng thêm chính là sự cảm nhận bằng giác quan mắt, tay, lưỡi... đó là cảm nhận thực tế. Đồng thời, cũng là phần bán cho họ trải nghiệm, tức là khi đi về còn nhớ.
Sản phẩm du lịch nông nghiệp dựa vào 3 yếu tố dịch vụ: tham quan, chỗ nghỉ và ẩm thực. Trong đó, chỗ nghỉ phải sạch sẽ với đầy đủ tiện nghi, dịch vụ và ẩm thực cần sạch (xanh), ngon, an toàn.
Tại khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ricefield Lodge ở Phong Điền, Cần Thơ cũng có những kế hoạch thay đổi trong chiến lược phát triển và phục vụ du khách trước mắt.
Theo chia sẻ của ông Stiermann Martin, Giám đốc khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ricefield Lodge, trong lúc chờ đợi mở cửa thị trường du lịch quốc tế trở lại, ông kết hợp với doanh nghiệp lữ hành đưa những bạn nhỏ từ 12-16 tuổi tham quan, trải nghiệm tình yêu thiên nhiên như cách trở về nhà.
Theo chia sẻ của ông Martin, tại đây, các bạn nhỏ sẽ được thưởng thức những món ăn mang hương vị châu Âu do chính ông chủ khu nghỉ dưỡng, cũng là chuyên gia ẩm thực với hơn 40 trong nghề đầu bếp, tự tay chế biến.
Ngoài ra, các bạn cũng sẽ được trải nghiệm các hoạt động vui chơi tại khu du lịch Ricefield Lodge và tham quan xung quanh khu vực này bằng tàu cao tốc.
Đầu tư nhân lực làm du lịch
Cũng theo ông Martin, nhu cầu khách du lịch châu Âu về du lịch nông nghiệp cũng có thay đổi khi mà tỷ lệ người mất việc làm, thu nhập thấp sẽ tăng cao sau dịch.
“Sau đại dịch Covid-19, khách du lịch từ châu Âu đến Việt Nam sẽ là những khách có tiền. Đương nhiên, họ sẽ chọn những nơi nghỉ dưỡng và hình thức du lịch nông nghiệp có dịch vụ cao cấp”, ông Martin nói.
Đây là nhóm có tiền nên họ rất kỳ vọng vào chất lượng dịch vụ và cung cách phục vụ tại điểm đến. Vì thế, theo ông chủ của Ricefield Lodge, các điểm đến trong loại hình du lịch nông nghiệp cần nâng cao chất lượng phục vụ để khách cảm thấy vui vẻ, gần gũi và từ đó sẽ níu giữ chân du khách lâu hơn.
“Mức độ hài lòng của khách về dịch vụ sẽ quyết định thời gian lưu trú của khách. Khi về nước, nhóm khách này có thể chia sẻ trải nghiệm này cho mạng lưới bạn bè của họ”, ông Martin nói thêm.
Trong khi đó, ông Huê cho biết sản phẩm du lịch nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long cần phải có sự chú trọng về nguồn nhân lực.
Theo ông Huê, chất lượng sản phẩm du lịch nông nghiệp sẽ phải thay đổi so với trước dịch. “Những người có tiền, có thu nhập cao mới đi du lịch trong những năm tới nên đòi hỏi về chất lượng dịch vụ cao hơn”, ông Huê phân tích. Vì thế, sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng phải chuyên nghiệp hơn.
Ngoài ra, sản phẩm cũng sẽ chú trọng hơn về “tính chiều sâu”, nghĩa là chú trọng đến trải nghiệm của khách với những giá trị văn hóa bản địa người dân địa phương hơn là chỉ tham quan những vườn trái cây hay tát mương bắt cá đơn thuần.
Còn về nông dân, theo ông Huê, người dân muốn chuyển qua làm du lịch thì phải học. “Thế hệ người lớn tuổi khó để có thể tiếp cận kiến thức hơn các bạn trẻ. Vì thế, các bạn sinh viên trường Đại học muốn khởi nghiệp về du lịch thì học về sản phẩm du lịch nông nghiệp rồi trở về khởi nghiệp ở quê hương cũng là phương án tối ưu”, ông Huê nói.
Nguyễn Nam