Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Sản phẩm xanh sẽ lợi thế cạnh tranh hơn

Chương trình sản xuất sạch hơn đã được triển khai hơn 10 năm qua, với mục tiêu là giảm ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất. Thế nhưng, tác động của chương trình này vẫn chưa nhiều. Tại buổi hội thảo “Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn” được tổ chức ở TPHCM mới đây, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội, về vấn đề này.

Sài Gòn Tiếp Thị: Việc phổ biến thông tin về sản xuất sạch hơn tại Việt Nam đã triển khai hơn 10 năm. Ông đánh giá như thế nào về nhận thức của doanh nghiệp về chương trình này?

-PGS.TS. Trần Văn Nhân: Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các cơ quan ban ngành liên quan, nhìn chung các doanh nghiệp đã biết đến giải pháp sản xuất sạch hơn, nhưng chưa áp dụng rộng rãi. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng theo tôi chủ yếu tập trung ở hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, nền kinh tế hiện nay với sức tăng trưởng ì ạch, sức mua yếu khiến cho nhiều doanh nghiệp đưa ưu tiên ứng dụng sản xuất sạch hơn xuống hàng thứ yếu. Thứ hai là lỗ hổng nguồn lực được đào tạo về sản xuất sạch hơn. Có nơi nhiều cán bộ được đào tạo trước đây luân chuyển công tác hoặc về hưu, ảnh hưởng lớn tới nguồn lực phục vụ cho áp dụng sản xuất sạch hơn vào thực tiễn.

PGS.TS. Trần Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam.
PGS.TS. Trần Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam.

[box type="download"] Theo Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào quá trình sản xuất sản phẩm và dịch vụ nhằm giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

Đối với quá trình sản xuất, sản xuất sạch hơn bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại, giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải. Còn đối với sản phẩm thì sản xuất sạch hơn bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ. Còn trong dịch vụ, sản xuất sạch hơn đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ.[/box]

Việc tiếp cận, học tập hay áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn hoàn toàn dựa vào tinh thần tự nguyện của các doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp khi tham gia các khóa học về sản xuất sạch hơn do các trung tâm, viện, trường trong nước tổ chức chỉ được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học (do trung tâm, viện đào tạo cấp) chứ không có giá trị pháp lý.

Phương pháp sản xuất sạch hơn phù hợp như thế nào với doanh nghiệp trong nước, thưa ông?

- Phương pháp sản xuất sạch hơn thật ra rất phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi cách tiếp cận của phương pháp này chủ yếu nhấn mạnh vào các giải pháp quản lý mà không cần đầu tư chi phí ngay lập tức. Tùy theo từng thời điểm, tình hình tài chính mà doanh nghiệp có thể áp dụng riêng lẻ các nhóm giải pháp hoặc kết hợp đồng loạt.

Về cơ bản, ý tưởng của sản xuất sạch hơn là tìm hiểu tận gốc của ô nhiễm. Các nhóm giải pháp của sản xuất sạch hơn gồm giảm tại nguồn (quản lý tốt nội vi, thay đổi quy trình sản xuất), tuần hoàn (thu hồi tái sử dụng tại chỗ, tạo ra sản phẩm có ích), cải tiến sản phẩm. Trong đó, quản lý nội vi là một loại giải pháp đơn giản nhất của sản xuất sạch hơn, không đòi hỏi chi phí đầu tư và có thể được thực hiện ngay sau khi xác định được các giải pháp.

Các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn có thể giảm thiểu các tổn thất nguyên vật liệu và sản phẩm, giảm chi phí xử lý và thải chất thải, do đó có thể đạt sản lượng cao hơn, chất lượng ổn định.

Xu hướng chung của thị trường hiện nay là sản phẩm xanh, sạch cho nên tính cạnh tranh của doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn cũng cao hơn.

Thưa ông, vậy đâu là rào cản đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tiếp cận sản xuất sạch hơn?

- Hiện nay, rào cản lớn nhất chính là năng lực tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thực hiện các giải pháp liên quan đến cải tiến công nghệ. Theo thống kê của Bộ Khoa học Công nghệ, khoảng 70% các doanh nghiệp tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng công nghệ, máy móc cũ.

[box type="download"] “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” của Chính phủ ban hành năm 2009 đặt mục tiêu đến năm 2015, cả nước sẽ có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; 25% doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, các doanh nghiệp này tiết kiệm được 5-8% nguyên liệu, tài nguyên, năng lượng, nhiên liệu trên một sản phẩm.[/box]

Ngoài ra, nguồn nhân lực được đào tạo về sản xuất sạch hơn ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được chú trọng. Với quy mô sản xuất nhỏ và để tiết kiệm chi phí, chủ doanh nghiệp thường để nhân viên kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, dẫn đến thiếu nhân lực chuyên trách công việc này.

Việc áp dụng sản xuất sạch hơn phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm thay đổi của các doanh nghiệp. Thông qua các chuỗi hội thảo và đào tạo, chúng tôi đang hướng doanh nghiệp đến ứng dụng sản xuất sạch hơn vào hoạt động sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không đủ khả năng ký quỹ để vay vốn đầu tư, lắp đặt công nghệ sạch hơn và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường có thể tìm đến Quỹ ủy thác tín dụng xanh do Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO) thành lập và Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam.

Quỳnh Vân thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối