Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Sản xuất gạo sạch vẫn khó đủ đường

Sản xuất và sử dụng gạo sạch/hữu cơ là xu hướng phát triển của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, con đường mở rộng sản xuất loại gạo này vẫn còn nhiều gập ghềnh phía trước.

Từ thiếu “thuốc sạch”

Song hành với người nông dân, hay nói rộng hơn là ngành lúa gạo, là những doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Thế nhưng, hầu hết các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật hiện nay đều có nguồn gốc hóa học, thiếu vắng những sản phẩm sinh học, an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường.

PGS.TS. Đào Văn Hoằng, Vụ khoa học và Công nghệ, cho biết công tác nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm sinh học hiện gặp nhiều khó khăn do thiếu điều kiện về trang thiết bị và cả con người. Số lượng thuốc phòng trừ dịch hại có nguồn gốc sinh học, đặc biệt là nhóm thuốc vi khuẩn, vi sinh vật còn rất ít, chỉ chiếm khoảng 5% lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng hàng năm của cả nước.

Ghi nhận nhanh của Sài Gòn Tiếp Thị với 10 hộ nông dân sản xuất lúa ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang và huyện Tân Thạnh, Long An, cho thấy toàn bộ hộ nông dân này đều sử dụng thuốc hóa học phun cho ruộng lúa của mình.

Thuận tiện trong việc tiếp cận sản phẩm và hiệu quả nhanh trong việc phòng trừ sâu bệnh là những lý do khiến người nông dân chọn thuốc hóa học. Hơn nữa, người nông dân có muốn sử dụng sản phẩm sinh học trên đồng ruộng của mình cũng khó vì không dễ tìm ra sản phẩm để mua, mặc dù họ rất muốn sử dụng.

Theo kết quả khảo sát tại một số tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ vừa được Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) công bố, có đến 78% nông dân trong cuộc điều tra cho biết có nhu cầu sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Điều này có nghĩa, tiềm năng mở rộng sản xuất các sản phẩm sinh học để đáp ứng nhu cầu của người nông dân vẫn còn rất lớn. Hơn nữa, đây cũng là xu hướng tất yếu trong phát triển sản xuất lúa gạo sạch đang được một số doanh nghiệp thực hiện.

Khách hàng đang tham quan một gian hàng kinh doanh gạo sạch của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang. Ảnh: Trung Chánh
Khách hàng đang tham quan một gian hàng kinh doanh gạo sạch của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang. Ảnh: Trung Chánh

... đến thiếu thị trường

Thời gian qua, nhiều đơn vị tại ĐBSCL đã chuyển hướng sang đầu tư sản xuất gạo sạch/hữu cơ. Chẳng hạn, mô hình sản xuất gạo hữu cơ hoa sữa của Công ty cổ phần Thương mại Viễn Phú, gạo Vibigaba của AGPPS, gạo tứ quý GlobalGap của Công ty TNHH ADC hay gạo hữu cơ của Công ty TNHH Bát Tiên...

Tuy nhiên, những người trong cuộc cho biết việc phát triển thị trường, mở rộng sản xuất ở phân khúc này đang gặp không ít khó khăn, thậm chí có đơn vị đã tạm dừng mô hình sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Mười, Giám đốc Công ty TNHH Bát Tiên, cho biết hiện đơn vị của ông sản xuất gạo hữu cơ với quy mô 200 ha/vụ. Tuy nhiên, việc phân phối ra thị trường đang gặp không ít khó khăn bởi người tiêu dùng chưa quan tâm lắm đến vấn đề gạo an toàn và gạo không an toàn. Theo vị giám đốc này, trong lúc tiêu thụ trong nước chưa bao nhiêu, doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu thì còn nhiều việc phải làm.
Công ty TNHH ADC cũng cùng cảnh ngộ như Bát Tiên trong vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm. Giám đốc ngành lương thực của công ty này, ông Phan Quốc Hùng, cho biết do thị trường tiêu thụ gặp khó nên đơn vị này quyết định ngưng triển khai chương trình sản xuất gạo GlobalGap với nông dân hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) sau hơn ba năm triển khai.

Tương tự, Công ty cổ phần Thương mại Viễn Phú, sau năm năm triển khai sản xuất gạo hữu cơ hoa sữa đạt tiêu chuẩn của Hoa Kỳ tại huyện U Minh, Cà Mau, cũng chưa thể gia tăng diện tích sản xuất của đơn vị này vượt khỏi mức 320 ha ban đầu, con số còn khá nhỏ so với quy mô canh tác hiện nay của ĐBSCL.

Trung Chánh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối