Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Sáng 15-9, gần 400.000 ca Covid-19 đã khỏi; Sẽ có kit xét nghiệm kháng nguyên giá rẻ

(SGTT) - Đến sáng ngày 15-9, cả nước ghi nhận gần 400.000 ca Covid-19 đã khỏi bệnh. Dự kiến đến cuối năm nay, sẽ ít nhất có một loại vắc-xin ngừa Covid-19 trong nước được cấp phép lưu hành. Một số doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị sản xuất kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên giá rẻ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4) đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 630.661 ca; năm tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TPHCM (309.787), Bình Dương (162.847), Đồng Nai (36.361), Long An (28.865), Tiền Giang (12.468).

Trong đó, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 14-9 là 12.683 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 398.461.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.933 ca, trong tuần qua, trung bình mỗi ngày số ca tử vong ghi nhận là 273 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15.936 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

TPHCM: không được từ chối tiêm mũi 2 vắc-xin Covid-19 cho người đã tiêm mũi 1 ở địa phương khác

Sức khỏe và đời sống (cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế) đưa tin, qua giám sát thực tế các địa điểm tiêm và phản ánh của người dân, Sở Y tế ghi nhận một số hạn chế như điểm tiêm có số lượng người dân ra tiêm rất ít dẫn đến năng suất đạt mũi tiêm thấp; một số nơi từ chối tiêm mũi 2 cho người dân đã tiêm mũi 1 tại địa phương khác.

Qua đó, Sở Y tế đề nghị các đơn vị tiêm vắc-xin khắc phục các hạn chế. Cụ thể, các cơ sở y tế nhắc nhở các đội tiêm được phân công, hỗ trợ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 không được từ chối tiêm mũi 2 cho người dân nếu mũi 1 đã tiêm ở địa phương khác.

Tiếp tục duy trì các đội tiêm đã thành lập, sẵn sàng lực lượng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu điều động thêm, nhằm đạt độ bao phủ toàn dân được tiêm mũi 1 và tiếp tục tiêm mũi 2 cho những người đủ thời gian theo quy định của từng loại vắc-xin.

Sở Y tế cũng yêu cầu UBND thành phố Thủ Đức và quận, huyện duy trì và vận hành tốt các điểm tiêm trong và ngoài cơ sở y tế sẵn có; tiếp tục huy động lực lượng thực hiện đảm bảo công suất khoảng 200 - 250 mũi tiêm/ngày/đội tiêm để hoàn tất việc bao phủ vắc-xin đúng tiến độ kế hoạch.

Chỉ đạo các bộ phận địa phương mời đầy đủ người đến tiêm theo kế hoạch hàng ngày để đảm bảo tiến độ, tận dụng hiệu quả nguồn lực đội tiêm. Sở Y tế sẽ điều các đội tiêm có số lượng người dân ra điểm tiêm ít để tăng cường cho các điểm tiêm có số lượng người dân đến tiêm nhiều nhằm đạt mũi tiêm theo tiến độ của thành phố.

Cuối năm sẽ có vắc-xin Covid-19 trong nước, sắp sản xuất kit xét nghiệm giá rẻ

Trang Kinh tế Sài GÒn Online vừa đưa tin, dự kiến, đến cuối năm nay 2021 sẽ ít nhất có một loại vắc-xin ngừa Covid-19 trong nước được cấp phép lưu hành. Một số doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị sản xuất kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên giá rẻ.

Thông tin trên có trong cuộc họp về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất thuốc, vắc-xin ngừa Covid-19 diễn ra vào ngày 14-9 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì.

Với loại vắc-xin có nhiều triển vọng đến đích sớm là Nano Covax, dự kiến ngày 15-9, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia sẽ họp thẩm định. Sau đó, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ xem xét hồ sơ.

Với vắc-xin Covivac, nhóm nghiên cứu cũng sẽ tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 tại tỉnh Thái Bình vào ngày 15-9.

Bộ Y tế đã cho phép thực hiện “cuốn chiếu” giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của vắc-xin ARCT-154, loại vắc-xin được chuyển giao công nghệ từ Mỹ để đảm bảo tiến độ, trước ngày 20-12 tới phải có đủ dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2, 3.

Cũng tại cuộc họp trên, một số doanh nghiệp cho biết đã chuyển giao công nghệ sản xuất kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Dự kiến, không bao lâu nữa sẽ sản xuất được kit xét nghiệm với giá rẻ hơn nhiều so với giá nhập khẩu.

Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Y tế làm việc với các nhà sản xuất kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên để thuận tiện cho xét nghiệm mẫu đơn, mẫu gộp ở nhiều quy mô và khu vực khác nhau nhằm giảm chi phí xét nghiệm.

Theo đó, nếu trong nước sản xuất được kit xét nghiệm nhanh giá rẻ mà lại áp dụng xét nghiệm nhanh mẫu gộp thì chi phí xét nghiệm sẽ có thể giảm tới hàng chục lần.

Hiện nay, doanh nghiệp trong nước cũng đã sản xuất được các loại sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên có độ nhạy cao trong phát hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Pháp và Ý hỗ trợ Việt Nam gần 1,5 triệu liều vắc-xin AstraZeneca

Kinh tế Sài Gòn Online cũng đưa tin, ngày 14-9, Việt Nam đã tiếp nhận gần 1,5 triệu liều vắc-xin AstraZeneca phòng Covid-19 do Chính phủ Pháp và Chính phủ Ý hỗ trợ thông qua Cơ chế COVAX. Trong đó có 672.000 liều do Chính phủ Pháp hỗ trợ và 812.060 liều do Chính phủ Ý hỗ trợ.

Được biết, những đóng góp của hai nước Pháp và Ý đã góp phần cho chương trình TeamEurope (một chương trình của Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên) hỗ trợ Việt Nam chống lại đại dịch. EU và các quốc gia thành viên là nhà tài trợ lớn thứ hai cho Cơ chế COVAX với 2,8 tỉ đô la Mỹ. Năm 2020, khoản hỗ trợ ngân sách của Liên minh châu Âu trị giá 19 triệu euro đã được chuyển đến Kho bạc Nhà nước Việt Nam để tạo thêm không gian tài khóa nhằm thực hiện các chính sách cứu trợ.

Với việc tiếp nhận số vắc-xin do Pháp và Ý tài trợ trên đây, Việt Nam đã nhận được 11.725.630 liều vắc-xin ngừa Covid-19 thông qua Cơ chế COVAX. Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và Liên minh vắc-xin và Gavi đồng khởi xướng, UNICEF là đối tác thực hiện chính.

Ngân hàng công bố khoản tài trợ máy tính cho học sinh, sinh viên nghèo

Theo Thông tấn xã Việt Nam đề cập, để trang bị công cụ học tập trực tuyến cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, ngành ngân hàng đã trao tặng 100.000 máy tính cho Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, tương đương số tiền 250 tỉ đồng, trong đó có nhiều ngân hàng ủng hộ hàng chục tỉ đồng.

Không chỉ chi 230 tỉ đồng từ đầu năm đến nay để ủng hộ Quỹ vắc-xin, BIDV vừa thông báo ủng hộ 25 tỉ đồng cho chương trình trên. Theo BIDV, “Sóng và máy tính cho em” không chỉ hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng dịch thiết bị học trực tuyến mà còn góp phần tiến tới phủ sóng Internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng.

Theo VietinBank, ngân hàng đã chung tay ủng hộ 25 tỷ đồng, tương đương 10.000 máy tính cho “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động. Trước đó, VietinBank đã ủng hộ 500 triệu đồng cho Chương trình “Cùng em học trực tuyến” do Hội đồng Đội Trung ương, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phát động.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, VietinBank đã ủng hộ hơn 200 tỉ đồng cho công tác phòng, chống dịch, góp thêm nguồn lực cùng Chính phủ và các địa phương đảm bảo an toàn cho sức khỏe của nhân dân trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Lễ phát động được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Văn phòng Chính phủ với đầu cầu 63 tỉnh/thành phố.

Phùng My tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối