Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Sáng 20-6 ghi nhận thêm 78 ca mắc Covid-19, trong đó 46 ca tại TPHCM

(SGTT) - Bộ Y tế cho biết, các bệnh nhân mới được phát hiện bao gồm 2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại An Giang, TPHCM (46), Bắc Giang (20), Bắc Ninh (7), Nghệ An (3). Trong đó, 71 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc phong tỏa.

Việt Nam hiện có tổng cộng 11.289 ca ghi nhận trong nước và 1.689 bệnh nhân nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 9.719, trong đó 2.280 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

Ảnh: Bộ Y tế

Bộ Y tế tổng lực hỗ trợ TPHCM trong cuộc chiến chống dịch

Bộ trưởng Y tế đề nghị TPHCM cần nhanh chóng nâng cao năng lực xét nghiệm với công suất 500.000 mẫu gộp mỗi ngày, kịch bản này đã được đề ra từ trước nhưng cần thực hiện ngay để nhanh chóng chặn đứng nguồn lây. Đây là một trong những giải pháp chiến lược để TPHCM có thể nhanh chóng khống chế, ngăn chặn dịch bệnh.

TPHCM đang triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lớn nhất lịch sử. Hôm nay, thành phố bắt đầu ngày thứ 2 của chiến dịch. Dự kiến, ngoài lực lượng tham gia chống dịch Covid-19, các nhóm ưu tiên trong ngày vẫn là lực lượng cán bộ, nhân viên, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo đó, Bộ Y tế đã cùng TPHCM xây dựng và hoàn thiện kế hoạch tiêm vắc-xin, đào tạo tập huấn cho tất cả các lực lượng tham gia tiêm chủng của TPHCM. Đây là hỗ trợ từ Bộ Y tế cho TPHCM nhằm đảm bảo công tác tiêm chủng tại 1.000 điểm tiêm chủng cộng đồng được diễn ra đúng quy định, an toàn, hiệu quả. Đã có hơn 3.000 người tham gia tập huấn.

Đồng thời các bộ phận trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn cũng đã tham gia hỗ trợ tối đa cho chiến dịch tiêm chủng của TPHCM, luôn sẵn sàng túc trực hỗ trợ khi có các tình huống không may xảy ra trong quá trình triển khai tiêm chủng.

Quy trình chuyển người bệnh Covid-19 ở TPHCM đến bệnh viện và ngược lại

Ngày 18-6 Sở Y tế TPHCM đã ban hành công văn khẩn số 3779/SYT-NVY về quy trình chuyển người bệnh Covid-19 đến các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị.

Trong nội dung văn bản hướng dẫn nêu rõ, đối với bệnh viện, khu cách ly tập trung: với trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19, khi có kết quả xét nghiệm dương tính bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên, cần chuyển người bệnh vào buồng cách ly/khu cách ly riêng biệt; đồng thời khẩn trương tiến hành lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR để xét nghiệm khẩn định.

Khi kết quả xét nghiệm RT-PCR là dương tính, bệnh viện liên hệ trước với nơi tiếp nhận, nhập đầy đủ thông tin người bệnh vào phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly” và bấm chuyển nơi sẽ tiếp nhận trên phần mềm.

Đối với các phòng khám đa khoa, khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19, nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên, thì chuyển người bệnh vào buồng cách ly; khẩn trương liên hệ trung tâm cấp cứu 115 điều phối xe cấp cứu vận chuyển người bệnh đến bệnh viện quận, huyện để cách ly và chỉ định thực hiện xét nghiệm RT-PCR theo quy định.

Đối với quy trình chuyển ngược lại, trường hợp từ các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19, sau khi xác định không mắc Covid-19 (ở nhóm chuyển vì xét nghiệm nhanh dương tính nhưng sau đó xét nghiệm RT-PCR khẳng định âm tính), văn bản quy định, tại bệnh viện được phân công điều trị người bệnh mắc Covid-19, khi có kết quả RT-PCR lần 1 âm tính, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn lần 2 (sau 2 ngày kể từ lần lấy mẫu đầu tiên) để chẩn đoán xác định.

Trường hợp nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR lần 2 âm tính và không có triệu chứng, bác sĩ kiểm tra, đánh giá lại tình trạng bệnh, bệnh viện chủ động liên hệ để chuyển người được cách ly quay trở lại khu cách ly nếu là trường hợp F1; cho xuất viện và cách ly tại nhà nếu không phải F1, đồng thời báo trung tâm y tế nơi cư trú để giám sát việc cách ly tại nhà của trường hợp này.

Với trường hợp đã 2 lần thực hiện xét nghiệm RT-PCR đều cho kết quả âm tính, nhưng vẫn còn các bệnh lý nền hoặc bệnh lý kèm theo, thì liên hệ với các bệnh viện quận, huyện gần nơi cư trú hoặc bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố để chuyển tuyến tiếp tục điều trị.

Sở Y tế TPHCM lưu ý, việc chuyển người bệnh đến các bệnh viện tiếp nhận điều trị được thực hiện bằng xe cấp cứu của các bệnh viện, khu cách ly tập trung. Nếu trường hợp không có xe cấp cứu thì liên hệ trung tâm cấp cứu 115 để hỗ trợ.

Khi vận chuyển người bệnh, tài xế và nhân viên y tế đi cùng phải mặc phương tiện phòng hộ đúng quy định; vệ sinh khử khuẩn toàn bộ xe và các trang thiết bị trên xe sau mỗi lần vận chuyển người bệnh.

Chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn” với chủ đề “Đồng hành chống dịch” được phát động vào ngày 2-6-2021. Với vai trò là cầu nối, Kinh tế Sài Gòn tiếp tục kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm để cùng chia sẻ khó khăn với cộng đồng. Chương trình sẽ nhận hiện kim, vật phẩm từ các tổ chức, cá nhân đóng góp và sau đó sẽ trao tặng lại cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn trong các vùng dịch tại TPHCM cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước.

Phùng My tổng hợp


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối