(SGTT) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 18:00 ngày 9-7 đến 6:00 ngày 10-7, TPHCM có 520 ca nhiễm Covid-19. Tính chung cả nước có 593 ca mắc mới Covid-19 trong nước.
- Triển khai ứng dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19
- TPHCM có hơn 1.200 ca mắc Covid-19 mới trong ngày 9-7
Trong tổng số 593 ca ghi nhận trong nước được Bộ Y tế công bố sáng nay, tại TPHCM có 520 ca, Đồng Nai 18 ca, Khánh Hòa 15 ca, Bà Rịa – Vũng Tàu 11 ca, An Giang 10 ca, Phú Yên 8 ca, Bình Phước 4 ca, các tỉnh Bến Tre, Hà Nội, Thanh Hóa mỗi địa phương có 2 ca, Tây Ninh 1 ca. Trong đó, có 409 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Theo báo Tin tức, tính đến 6:00 ngày 10-7, Việt Nam có tổng cộng 24.696 ca ghi nhận trong nước. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27-4 đến nay là 23.126 ca, trong đó có 6.210 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 13 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới gồm Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Nam, Lào Cai, Thái Bình.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 110 ca ca tử vong liên quan đến Covid-19. Số ca điều trị khỏi là 8.984 ca.
Tính đến 16:00 ngày 9-7, cả nước đã thực hiện tiêm 4.010.786 liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 là 258.274 người.
Một phụ nữ ở Phú Yên tự test nhanh, phát hiện nhiễm Covid-19
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, chiều ngày 9-7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Phú Yên ghi nhận 16 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Trong đó, đáng chú ý là chị Đ.T.B.P 38 tuổi, buôn bán thịt bò, có địa chỉ tại phường 1, thành phố Tuy Hòa.
Hàng ngày, khoảng 3:00 đến 6:00, chị P. đến lò mổ ở đường Trương Định (phường 8, TP Tuy Hòa) lấy thịt mang về chợ Tuy Hòa bán, đến 12:00 về nhà. Từ ngày 29-6 chị P. chỉ ở nhà.
Ngày 1-7, biết bệnh nhân 18144, là người tiếp xúc gần với chồng chị, có kết quả dương tính Covid-19 nên chị P. đến khai báo ở Trạm y tế phường 1 và được hướng dẫn tự cách ly tại nhà.
Ngày 4-7, chị P. tự mua test nhanh trên mạng và thử có kết quả dương tính Covid-19 nên gọi báo Trạm y tế phường 1. Sau đó, chị được đưa đi cách ly điều trị tại bệnh viện dã chiến thành phố Tuy Hòa, được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định mắc Covid-19.
TPHCM tổ chức đội lấy mẫu lưu động tận nhà theo hộ gia đình
Tại hội nghị trực tuyến triển khai phát động thi đua cao điểm trong thời gian thực hiện Công văn số 2279 của UBND TPHCM về thực hiện Chỉ thị 16 và Kế hoạch thực hiện điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho hay, TPHCM trong 15 ngày này làm sao cơ bản tầm soát hết F0 để tách F0 ra khỏi cộng đồng, xây dựng vùng an toàn, thu hẹp dần đến xóa vùng nguy cơ cao.
Để đạt được mục tiêu đó, theo ông Mãi, công tác xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, đồng thời xét nghiệm ngẫu nhiên để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Ông cũng lưu ý việc lấy mẫu phải gắn với năng lực xét nghiệm. “Nếu năng lực xét nghiệm chỉ được 5.000 mẫu/ngày thì chúng ta lấy tầm đó hoặc hơn chút”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nói và đề nghị các địa phương chỉ đạo vấn đề này thật sát.
Báo Người lao động thông tin, do thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, người dân được yêu cầu ở nhà chỉ ra ngoài khi cần thiết.
Báo Vnexpress thông tin thêm, đội lưu động cũng lấy mẫu tận nhà trên diện rộng. Do đó, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tổ chức đến từng hộ gia đình lấy mẫu tầm soát diện rộng. Tùy theo tình hình ở từng khu vực, lãnh đạo địa phương có quyết định phù hợp.
Trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 16 mà tổ chức lấy mẫu tập trung là vi phạm phòng, chống dịch. Khi người dân có biểu hiện ho, sốt thì gọi điện lên cơ sở y tế địa phương sẽ có đội lấy mẫu lưu động đến lấy mẫu, tránh đi đến các cơ sở y tế.
Người dân TPHCM cẩn thận, tránh bị lừa đảo trong mùa dịch
Theo thông tin trên báo Người lao động, Công an TPHCM khuyến cáo người dân cần cẩn thận, tránh bị kẻ gian lợi dụng tình hình dịch bệnh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, Công an TPHCM tuyên truyền đến người dân một số phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng để lừa đảo như giả dạng nhân viên y tế, mặc trang phục kín đến tận nhà, mời gọi người dân phun thuốc phòng dịch, phát “thuốc diệt khuẩn” để lừa đảo thu tiền của người dân.
Kẻ gian có thể giả mạo nhân viên y tế, đại diện thương mại cho các nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 thông báo sở hữu, cung cấp dịch vụ hoặc được quyền tiếp cận vắc-xin Covid-19 và đề nghị người dân đưa tiền đặt cọc để tiêm chủng nhưng sau đó chiếm đoạt hoặc cung cấp vắc-xin Covid-19 giả.
Đối tượng còn giả mạo nhân viên y tế lợi dụng sơ hở của người dân để trộm cắp tài sản hoặc gây mê cướp tài sản.
Đăng thông tin giả mạo trên mạng xã hội về hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân Covid-19 để vận động quyên góp, chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, đối tượng gọi điện thoại thông báo cho người dân nằm trong danh sách bị cách ly và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, truy cập vào đường dẫn website có chứa mã độc nhằm đánh cắp thông tin cá nhân.
Bên cạnh đó, kẻ lừa đảo còn gửi các tin nhắn văn bản hoặc tin nhắn đa phương tiện có chứa đường link liên kết đến trang website giả mạo có tên, địa chỉ truy cập và hình thức gần giống với website chính thức của các ngân hàng, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán yêu cầu người nhận cung cấp thông tin trên website giả mạo để đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản.
Để đảm bảo an toàn về tài sản, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, khi gặp các trường hợp trên cần báo ngay cho Công an để được hỗ trợ.
Nguyễn Nam tổng hợp