Hồng Ngọc -
Bộ Công Thương đầu tuần qua đã công bố hạn ngạch thuế quan năm 2017 với hai mặt hàng là muối, trứng gia cầm. Theo đó, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm nay cho trứng là 50.051 tá (khoảng 600.000 quả) cùng 102.000 tấn muối.
Ngay khi có thông tin, không ít người đã thể hiện quan điểm cho rằng Việt Nam có đủ khả năng sản xuất trứng và muối cho nhu cầu trong nước nếu không nói là có thừa thì tại sao lại phải nhập khẩu? Thậm chí có nhiều ý kiến trên báo lẫn trên cộng đồng mạng suy diễn kiểu như Việt Nam đang thừa trứng, dư muối, giá muối, trứng giảm thấp mấy năm nay mà Chính phủ vẫn phải bỏ tiền ra nhập và như vậy là làm khó nhà chăn nuôi, diêm dân. Những ý kiến này hình thành luồng dư luận tạo áp lực giảm giá các mặt hàng này trên thị trường như đã từng xảy ra với đường và muối trong các năm qua.
Hạn ngạch thuế quan cho một số mặt hàng là cam kết của Việt Nam khi đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tổ chức này không hề bắt buộc Việt Nam phải nhập trứng gà hay muối. WTO hoàn toàn không bắt các quốc gia thành viên nhập cái này hay nhập cái kia. Thực chất hạn ngạch thuế quan là hàng năm Chính phủ công bố khối lượng nhập khẩu có ưu đãi thuế cho một số mặt hàng nhất định đã cam kết WTO ngay từ đầu và căn cứ trên cung - cầu trong nước. Cụ thể với Việt Nam là trứng gia cầm, muối, đường, bông vải, lá thuốc lá.
Còn chuyện nhập hay không nhập là việc kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí họ nhập nhiều hơn chẳng sao, miễn chấp nhận trả thuế cao hơn. Do vậy các mặt hàng nói trên không phải là do Chính phủ nhập, mà là doanh nghiệp nhập. Phải nói rõ ràng là doanh nghiệp nhập, có nghĩa doanh nghiệp thấy có lời họ mới dám nhập. Không ai dại gì đường trên thị trường thừa, giá thấp hơn giá thế giới mà doanh nghiệp lại nhập khẩu. Và khi doanh nghiệp nhập hơn hạn ngạch thuế quan cũng đâu có sao, miễn sao doanh nghiệp thấy có lời và chấp nhận mức thuế cao ngoài hạn ngạch.
Do vậy có thể nói, dù là có hạn ngạch thuế quan với trứng, muối nhưng chắc gì doanh nghiệp đã nhập nếu trứng, muối trong nước dư thừa hoặc giá các mặt hàng này trên thế giới cao hơn thị trường Việt Nam.
Đó là chưa kể, hạn ngạch thuế quan nhắm vào sản phẩm mà Việt Nam không có thế mạnh, như muối mà là muối công nghiệp hoặc giới hạn thời gian nhập để né mùa vụ tại Việt Nam hay ràng buộc nhà nhập khẩu. Chẳng hạn năm nay, với muối, hạn ngạch thuế quan được phân giao cho thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế. Do vậy, tác động lên muối ăn trên thị trường của diêm dân là điều rất khó.
Từ chỗ hạn ngạch thuế quan như là một công cụ bảo hộ ít nhiều cho sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng nhạy cảm, có thể tác động nhiều đến đời sống số đông người dân, vậy mà trên thị trường lâu nay, lắm thương nhân lập lờ và dùng nó như một cái cớ để ép giá, giảm giá mua muối, trứng. Còn phần đông người dân dần dà cứ nghe tới cho nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan thì gắn cho nó cái tội làm giảm giá thị trường vì trong nước thừa mà Chính phủ vẫn cứ nhập.