Thứ năm, Tháng tư 24, 2025

Sau Uber taxi, đến “Uber” ba gác

ĐOÀN HOA -

Gần 30 năm chạy xe ba gác chở hàng thuê, ông Lê Hoàng Vân, 62 tuổi, kiếm sống tạm ổn mặc dù cũng có hôm không được cuốc xe nào. Nhưng từ ba tuần trở lại đây, tình hình khả quan hơn, bởi ngày nào ông cũng có khách gọi chở hàng. “Thu nhập của tôi giờ đều đều 600.000 đồng một ngày”, ông Vân cười nói, một tay vỗ vỗ vào chiếc điện thoại thông minh HTC mới sắm trong túi quần.

Trong chiếc HTC ấy, ông Vân đã cài thêm một ứng dụng gọi xe tương tự như Uber. Nhưng với “Uber” này, người dùng gọi xe ba gác hoặc xe tải để chở hàng.

Gọi ba gác nhanh, khỏi trả giá!

Ứng dụng gọi xe chở hàng nói trên có tên là Ahamove, do Công ty Giao Hàng Nhanh phát triển và bắt đầu áp dụng trên địa bàn 12 quận ở TPHCM kể từ ngày 10-8 vừa qua. Sau gần một tháng hoạt động, Ahamove thu hút được gần 200 tài xế đăng ký sử dụng và thực hiện được hơn 3.000 chuyến hàng. Theo đại diện của Công ty Giao Hành Nhanh, xe ba gác trong danh sách đăng ký sử dụng Ahamove chỉ chiếm khoảng 29%, nhưng đã thực hiện tới gần 60% tổng đơn hàng.

Nhân viên Ahamove phụ xếp hàng lên xe ba gác.
Nhân viên Ahamove phụ xếp hàng lên xe ba gác.

Với tính chất cơ động, nhanh gọn, xe ba gác đáp ứng được tức thì đối với các đơn hàng vận chuyển nhỏ, và thời gian qua đã được người dùng Ahamove lựa chọn. “Chỉ 15 phút là có xe ba gác đến liền”, ông Thịnh, chủ một tiệm vải trên đường Hồng Lạc, quận Bình Tân, cho biết. Theo ông Thịnh, người dùng chỉ tốn một phút nhập địa điểm giao và nhận hàng, chọn loại xe và dịch vụ kèm theo rồi nhấn xác nhận giá. Trong vòng 25 giây, tài xế có xe trống trong bán kính 1-7 km sẽ nhận được đơn hàng và gọi lại xác nhận trong năm phút. Sau đó, chỉ khoảng 15 phút, hàng sẽ nằm gọn trên xe ba gác để đi đến điểm giao trong vòng hai giờ.

Cũng theo anh Thịnh, thời gian gọi xe trên Ahamove ngắn còn vì khách không phải “cò kè” giá với tài xế. Thông thường, người cần xe vẫn phải liên hệ qua doanh nghiệp vận tải hoặc tự tìm xe qua những người chạy ba gác thuê. Nếu qua công ty vận tải, giá thường bị đội lên cao. Còn nếu tự kiếm xe thì kiểu tính giá “án chừng” của người chạy xe ba gác khiến khách hàng cũng mơ hồ, không rõ đắt rẻ ra sao.

Đối với ứng dụng Ahamove thì cách tính cước phí đã có quy định sẵn: trung bình 16.500 đồng/km đối xe ba gác, đi kèm các dịch vụ bốc dỡ tùy chọn có giá 25.000-50.000 đồng. Ngoài ra, trong quá trình di chuyển, lộ trình xe đi được cập nhật liên tục trên ứng dụng để khách hàng tiện theo dõi và can thiệp bất cứ lúc nào.

Xe bớt “nằm không”

Từ ngày dùng Ahamove, chiếc xe ba gác của ông Vân bớt cảnh “nằm không” ở nhà. Vì cứ trống xe là Ahamove sẽ gửi ngay về đơn hàng khác. Sau ba tuần tham gia, ông Vân nhận được thêm 41 chuyến, tăng thu nhập thêm vài triệu đồng. Theo khảo sát của Ahamove với hơn 100 tài xế sau ba tháng chạy thử nghiệm, thu nhập của họ bình quân tăng thêm 20-40% so với trước. Mỗi tài xế trung bình có thêm 2-3 đơn hàng/ngày, với giá trị khoảng 250.000-300.000 đồng/chuyến.

Tuy nhiên, không phải người chạy xe ba gác nào trong mạng lưới Ahamove cũng đều thuận lợi. Sau mỗi chuyến đi, khách sẽ đánh giá chất lượng dịch vụ của tài xế theo thang điểm từ 1 đến 5 sao. Những tài xế "5 sao" sau này được ưu tiên nhận đơn hàng sớm hơn 25 giây so với những người còn lại. Do đó, việc mở tài khoản hoạt động tại Ahamove chỉ là bước đầu, còn thu nhập lâu dài của tài xế tùy thuộc vào khả năng “chiều khách” và chất lượng dịch vụ chở hàng trên từng chuyến xe.

Khi giao dịch cùng Ahamove, chủ xe ba gác chia 20% cho Ahamove trên tổng số tiền họ nhận được từ chuyến đi. Đồng thời, họ vẫn phải chịu trách nhiệm khi hàng hóa bị mất mát hoặc hư hỏng. Phía Ahamove chỉ hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng với mọi đơn hàng. “Ahamove chỉ là ứng dụng đóng vai trò như bên thứ ba đứng giữa kết nối tài xế và người dùng. Chúng tôi không phải một công ty nuôi đội xe để bảo hiểm hoàn toàn giá trị hàng hóa”, ông Trần Thiên Phước, Giám đốc vận hành Giao Hàng Nhanh, lưu ý người chạy xe ba gác điểm này khi làm việc cùng Ahamove.

Ahamove dự kiến sẽ mở rộng ra Hà Nội vào cuối năm nay, đồng thời đặt mục tiêu tăng số đơn hàng lên 45.000 chuyến mỗi tháng. Để đạt kế hoạch đó, Ahamove dự định thu hút thêm 3.000 xe. Vì rào cản ban đầu của những người chạy xe ba gác vẫn là công nghệ nên Ahamove hiện có khoảng 70 chiếc điện thoại thông minh cho họ mượn tập làm quen với ứng dụng. Sau 30 ngày, điện thoại sẽ được trả lại mà không tính phí. Đồng thời, với mỗi lần giới thiệu thành công một tài xế mới vào Ahamove, người giới thiệu sẽ được thưởng 200.000 đồng vào tài khoản.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối