Vào ngày 27-10, Hiệp hội Nước mắm truyền thống với 117 hội viên sẽ chính thức được thành lập sau ba năm vận động và chờ đợi. Ưu tiên của hiệp hội này sau khi thành lập sẽ là xây dựng và ban hành tiêu chuẩn để phân biệt nước mắm truyền thống với các loại nước chấm.
Chia sẻ với một số cơ quan truyền thông tại TPHCM vào ngày 24-10, bà Vũ Kim Hạnh, đại diện của ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống, cho biết, theo quy định thì hiệp hội được quyền xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm của ngành nghề mình. Vì vậy, sau khi chính thức thành lập thì ưu tiên của Hiệp hội Nước mắm truyền thống sẽ là xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn về sản phẩm nước mắm truyền thống, trong đó quy định về quy trình, nguyên liệu sản xuất…
Có một thuận lợi là khi Hiệp hội Nước mắm truyền thống chưa thành lập thì tiền thân của tổ chức này, Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống (trực thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản - Vasep) ra mắt năm 2016, đã có những tiêu chuẩn nhất định.
Bà Ong Thị Kim Ngân, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh, Công ty TNHH Khai thác hải sản, Chế biến nước mắm Thanh Hà, một thành viên của Hiệp hội Nước mắm truyền thống, cho biết tiêu chuẩn nước mắm truyền thống tuy không bắt buộc áp dụng như quy chuẩn nhưng sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp trong ngành đã đáp ứng tiêu chuẩn chứng minh với người tiêu dùng về chất lượng, giá trị sản phẩm của mình.
“Chúng tôi sẽ dễ dàng trả lời được câu hỏi của người tiêu dùng là tại sao giá bán sản phẩm lại cao hơn nhiều nước mắm công nghiệp”, bà Ngân nói tại buổi gặp gỡ.
Cũng theo bà Ngân, lâu nay, toàn ngành nước chấm áp dụng chung một quy chuẩn (mang tính bắt buộc) với nhiều mặt hàng rất khác nhau: nước tương, nước mắm… Hiện tại, quy chuẩn riêng cho sản phẩm nước chấm vẫn đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng.
Bà Hạnh cũng nhìn nhận, khó khăn với các doanh nghiệp nước mắm còn rất nhiều bởi đối tượng người tiêu dùng trẻ tuổi đang ít sử dụng và quan tâm đến nước mắm truyền thống vì không ưa thích hương và vị. Do vậy, cần thời gian và cơ hội để tiếp cận đối tượng này bằng các sản phẩm khác nhau.
Và để làm được điều đó thì cần có sự điều tra, nghiên cứu sâu về mùi vị mà người tiêu dùng trẻ có thể chấp nhận. “Nói chung, phải kỳ công mới chinh phục được họ. Các doanh nghiệp nước mắm truyền thống thì hoàn toàn không có nguồn lực để quảng cáo, tiếp thị trên truyền hình, Internet”, bà Hạnh nói.
Hiệp hội Nước mắm truyền thống sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất từ các làng nghề trên toàn quốc như Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang…
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp thành viên của hiệp hội này đã thành công đưa nước mắm lên sàn thương mại điện tử Amazon và siêu thị ở nước ngoài. Công nghệ hiện đại cũng đã được áp dụng tại nhiều nhà xưởng sản xuất.
Thuận An
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online