Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Shipper sẽ ra sao khi các ứng dụng giao hàng than khó chuyện tự xét nghiệm?

Các ứng dụng về giao nhận hàng hóa, thức ăn thông qua tài xế công nghệ (shipper) tại TPHCM cho biết đang lúng túng khi sắp tới phải tự xét nghiệm cho hàng chục ngàn shipper. Khi các doanh nghiệp ứng dụng than khó, những nỗi bất tiện về thời gian cũng như sức khỏe đang đổ lên shipper, còn sự gia tăng về chi phí đang đổ lên người tiêu dùng.
Doanh nghiệp than khó khi tự thực hiện xét nghiệm cho shipper

Ngày 21-9, UBND TPHCM đã ban hành Công văn số 3120/UBND-ĐT chỉ đạo một số nội dung liên quan công tác xét nghiệm cho các shipper. Trong đó, UBND TP yêu cầu việc xét nghiệm cho các shipper được tập trung thực hiện tại các trạm y tế lưu động trên địa bàn TPHCM (theo nội dung Công văn số 3072/UBND-VX) đến hết ngày 21-9-2021.

Kể từ ngày 22-9 đến hết ngày 23-9, các doanh nghiệp và shipper tiến hành tập huấn công tác xét nghiệm và cập nhật thông tin xét nghiệm trên các ứng dụng của doanh nghiệp hoặc sử dụng ứng dụng do Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn. Bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ do Sở Y tế cung cấp trên cơ sở số lượng đăng ký của shipper với Sở Công Thương theo nguyên tắc mẫu gộp ba người, 3 ngày/1 lần. Trong thời gian này, các shipper có thể sử dụng kết quả xét nghiệm còn giá trị.

Để có thể được phép hoạt động tại TPHCM trong thời gian giãn cách, các đối tác tài xế ngoài yêu cầu đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19 còn cần phải thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19 theo tần suất nhất định, hiện tại đang là 2 ngày/lần.

Sau đó, kể từ ngày 24-9 đến hết ngày 30-9, các doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào Kho Dữ liệu dùng chung của TPHCM theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để phục vụ công tác phòng chống dịch. UBND TPHCM cũng giao Sở Công Thương hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết và chịu trách nhiệm về công tác tổ chức và kết quả xét nghiệm. Trường hợp các shipper không đáp ứng đủ các điều kiện như trên sẽ không được tham gia hoạt động.

Liên quan đến quyết định nêu trên, một số doanh nghiệp cung cấp ứng dụng giao hàng bằng tài xế công nghệ cho biết khó có thể tự thực hiện việc xét nghiệm hết cho hàng chục ngàn shipper, và từ đó có thể phát sinh thêm chi phí, chậm tiến độ hoạt động…

Đại diện Gojek cho hay, các doanh nghiệp gọi xe công nghệ hoàn toàn không có chuyên môn về y tế cũng như nguồn lực cần thiết để thực hiện việc test nhanh Covid-19, do đó có thể thực hiện không đúng kỹ thuật test mẫu gộp ở quy mô lớn, dễ dẫn đến lãng phí dụng cụ test, và kết quả không chính xác. Như vậy, sẽ có khả năng để sót người bị nhiễm (F0) hoặc xác định nhầm F0, tăng khả năng lây nhiễm chéo, khó kiểm soát mức độ lây lan của dịch bệnh. Đó là chưa kể đến việc mỗi doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để tổ chức nhiều điểm xét nghiệm.

Với việc xét nghiệm cho hàng chục ngàn đối tác tài xế do doanh nghiệp thực hiện, tài xế có thể sẽ phải di chuyển xa hơn, chờ đợi lâu hơn để được lực lượng không chuyên tiến hành lấy mẫu và đọc kết quả, gây lãng phí thời gian và nguồn lực xã hội.

Còn đại diện Beamin cho rằng dựa trên tình hình thực tế, tất cả các tài xế được phép hoạt động đều đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin ngừa Covid-19, một số tài xế đã tiêm đủ 2 mũi, vì vậy quy định cần xét nghiệm đại trà tất cả các tài xế theo tần suất hiện nay có thể không còn phù hợp.

Phía Grab cho biết đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có phương án tổ chức và hoạt động xét nghiệm phù hợp.

Trong khi đó, đại diện Loship bày tỏ sự lo ngại về gia tăng chi phí. “Theo thông tin của Bộ Y tế, giá mỗi lần xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 là 238.000 đồng. Với doanh nghiệp có quy mô vận hành 10.000 shipper và được yêu cầu xét nghiệm 2 ngày/lần, chi phí mà doanh nghiệp phải chịu là rất lớn, vào khoảng 9,5 tỉ đồng/tháng”.

Chính vì vậy, đại diện Gojek cho rằng nên tiếp tục để các trạm y tế thực hiện xét nghiệm cho shipper. Đơn vị này dẫn chứng số liệu từ Sở Công Thương (công văn 4194/SCT-QLXNK ngày 19-9-2021), cho thấy tổng số lượng shipper được phép hoạt động của 34 doanh nghiệp là 92.000 người, trong khi đó thành phố có hơn 400 trạm y tế lưu động hỗ trợ thực hiện xét nghiệm trong khung giờ từ 6:00 đến 21:00. Như vậy, nếu mỗi tài xế phải xét nghiệm 3 ngày/lần thì mỗi trạm y tế trung bình mỗi ngày xét nghiệm nhanh cho khoảng 75 người.

Trên thực tế, số tài xế thực sự hoạt động những ngày vừa qua sẽ thấp hơn con số nêu trên (theo số liệu thống kê không chính thức của Sở Công Thương, tỷ lệ này khoảng 50%). Do đó, theo Gojek, năng lực xét nghiệm của các trạm y tế hoàn toàn đáp ứng được con số này nếu được điều phối hợp lý.

Gojek cũng đề xuất các cơ quan chức năng cân nhắc việc giãn tần suất xét nghiệm nhanh (test) nhanh Covid-19, dựa trên cơ sở thực tiễn, các yếu tố dịch tễ và độ phủ của vắc-xin. Tất cả các tài xế được phép hoạt động đều đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin ngừa Covid-19, một số tài xế đã tiêm đủ 2 mũi, vì vậy quy định cần xét nghiệm đại trà tất cả các tài xế theo tần suất 2-3 ngày/lần có thể không còn phù hợp khi cân nhắc trong tương quan với các ưu và nhược điểm của việc cho phép shipper lưu thông trên đường.

Một shipper thực hiện xét nghiệm tại trạm y tế trên địa bàn TPHCM. Ảnh: Tố Uyên
Shipper, người tiêu dùng gánh chịu khó khăn, bất tiện

Nhiều chuyên gia về thương mại điện tử tại TPHCM cho rằng việc xét nghiệm cho shipper nên được kéo giãn thời gian chứ không thể áp dụng với tần suất liên tục như hiện tại. Theo đó, việc xét nghiệm liên tục không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của shipper mà còn tốn kém kinh phí xã hội. Bên cạnh đó, việc đưa về cho doanh nghiệp tự lo khâu xét nghiệm sẽ phát sinh nhu cầu về nguồn lực, nhân lực thực hiện dẫn đến phát sinh thêm chi phí. Doanh nghiệp khi phải gánh thêm chi phí xét nghiệm thì có thể dẫn đến tình trạng tăng giá dịch vụ và người tiêu dùng phải gánh chịu.

Khi hiệu quả xét nghiệm thấp, để đảm bảo tính tuân thủ, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ phải tự cắt giảm số lượng shipper được tham gia lưu thông. Trong bối cảnh nhu cầu của người dân rất cao còn nguồn cung tài xế rất thấp, hàng hóa khó đến được tay người dân, chuỗi cung ứng hàng hoá bị gián đoạn, nhu cầu của người dân không được đáp ứng.

Đồng thời, sự bất cân đối giữa cung và cầu sẽ dẫn đến giá cả dịch vụ tăng cao theo quy luật của thị trường, do đó ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Và cuối cùng, do sinh kế của các shipper phụ thuộc vào khả năng được lưu thông trên đường, việc tài xế phải ở nhà, không có thu nhập sẽ góp phần tạo thêm áp lực không nhỏ cho thành phố trong việc đảm bảo an sinh xã hội, trong bối cảnh thành phố đang phải hỗ trợ các gói an sinh trong các đối tượng không có việc làm vì dịch bệnh, đại diện Gojek chia sẻ.

Gojek mong muốn chính quyền thành phố giãn tiến độ xét nghiệm 1 tuần/1 lần và doanh nghiệp đảm bảo về công tác điều phối, hỗ trợ để đối tác tài xế tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch. Ứng dụng Baemin cho biết đang chuẩn bị cho yêu cầu doanh nghiệp tự xét nghiệm để hỗ trợ đối tác tài xế một cách tối ưu, với mong muốn hỗ trợ tài xế có thể nhanh chóng quay lại công việc của mình, trang trải cuộc sống và hỗ trợ cộng đồng.

Đại diện Loship cho biết trong trường hợp doanh nghiệp không đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm cho toàn bộ shipper, và chi phí này người shipper phải chịu thì rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt shipper do thu nhập từ việc giao hàng không đủ để bù vào chi phí xét nghiệm. Khoản tiền này vô tình trở thành gánh nặng trong chi tiêu hàng tháng của họ. Nếu như việc xét nghiệm là yêu cầu bắt buộc, doanh nghiệp mong chính quyền hỗ trợ các doanh nghiệp và shipper ở phần này, vì đây là bài toán khó cho cả phía doanh nghiệp lẫn người shipper.

Doanh nghiệp này cho rằng việc xét nghiệm cho shipper tương tự như xét nghiệm cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, vì shipper là mắc xích quan trọng giúp duy trì và thúc đẩy được chuỗi cung ứng, góp phần hạn chế người dân đi ra ngoài.

Các shipper lấy mẫu xét nghiệm tại TPHCM. Ảnh: Mỹ Duyên

Phía Gojek cho biết theo các công văn hiện hành, các shipper đang được xét nghiệm nhanh miễn phí cho đến hết ngày 30-9-2021 để đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch. Doanh nghiệp mong muốn sau thời gian này, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ các chi phí xét nghiệm nhanh này. Đây sẽ là một gánh nặng chi phí lớn nếu như doanh nghiệp phải tự trang trải, trong khi hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp gần như ngưng trệ trong thời gian qua để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về phòng dịch, chưa kể rất nhiều chi phí phát sinh do bối cảnh kinh tế-xã hội thay đổi trong đại dịch.

Do đó, Gojek đề xuất tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về năng lực xét nghiệm từ hệ thống các trạm y tế lưu động để đảm bảo chất lượng chuyên môn. Gojek và các doanh nghiệp gọi xe công nghệ khác được tham gia chung tay cùng các cơ quan chức năng để ứng dụng công nghệ vào việc điều phối tài xế, nhằm giảm tải cho một số cơ sở y tế và tăng tính hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Đại diện Loship cho rằng việc xét nghiệm Covid-19 vẫn cần thực hiện để kiểm soát những rủi ro có thể xảy ra, đồng thời đảm bảo sức khỏe và an toàn cho shipper, khách hàng và cộng đồng. Tuy nhiên, thời hạn sử dụng giấy xét nghiệm nên được kéo dài hơn, đơn cử như theo tuần đối với nhóm đã tiêm mũi 1, theo tháng đối với nhóm đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Trong dài hạn, tùy theo tình hình kiểm soát Covid-19 và tỷ lệ số ca nhiễm thực tế trong cộng đồng tại từng thời điểm, các cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh mốc thời gian phù hợp nhất cho việc xét nghiệm định kỳ.

Một chuyên gia thương mại điện tử cho rằng shipper là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của thành phố, giúp người dân yên tâm ở nhà mà vẫn được đáp ứng các nhu cầu thiết yếu trong thời gian thành phố đang thực hiện các biện pháp giãn cách tăng cường. Có thể coi shipper là một phần của lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch trên đường phố. Trong bối cảnh người dân hạn chế đi lại, việc sử dụng các dịch vụ giao nhận, vận chuyển thực phẩm và hàng hóa liên quận là nhu cầu chính đáng và thiết yếu của đa số người dân. Do đó, việc lực lượng shipper có thể quay trở lại hoạt động hiệu quả và an toàn, đang được người dân và cộng đồng rất quan tâm.

Chánh Trung

Theo KTSG Online

Be sẽ tổ chức xét nghiệm cho shipper từ 24-9

Trong khi nhiều ứng dụng giao nhận hàng hóa, thức ăn tiếp tục quan ngại về việc tự thực hiện việc xét nghiệm nhanh cho tài xế, thì ứng dụng gọi xe Be ngày 21-9 cho biết sẽ thực hiện triển khai chủ động xét nghiệm nhanh Covid cho tài xế từ ngày 24-9, đồng hành theo tinh thần công văn 3120/UBND-ĐT của UBND TPHCM về việc doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm cho shipper thuộc đơn vị mình quản lý.

Theo đó, từ ngày 24-9-2021, những tài xế công nghệ của ứng dụng gọi xe Be sẽ được thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 đạt chuẩn của Bộ Y Tế tại các địa điểm trên địa bàn thành phố theo mô hình ứng dụng công nghệ xuyên suốt, đảm bảo an toàn, tốc độ và hiệu quả.

Be sẽ tổ chức xét nghiệm nhanh cho đội ngũ shipper của mình từ 24-9. Ảnh: DNCC

Với mô hình này, Be phối hợp cùng chính quyền địa phương và đối tác tổ chức địa điểm và đội ngũ chuyên viên xét nghiệm riêng cho tài xế của Ứng dụng gọi xe Be. Theo đó, tài xế được xét nghiệm linh hoạt trong ngày và có kết quả ngay sau 30 phút, nhận kết quả trực tuyến, loại bỏ in giấy kết quả.

Điểm đặc biệt là qui trình xét nghiệm được thiết kế giảm thiểu các thủ tục như xếp hàng, đăng ký, số hoá toàn diện, để toàn bộ khâu lấy mẫu xét nghiệm chỉ mất 1 phút/người, trả kết quả trực tuyến trong vòng 15-30 phút tối đa, giúp tài xế chủ động tiến hành công việc sớm đầu ngày. Toàn bộ qui trình được quản lý bằng nền tảng công nghệ của Be, giúp giảm tiếp xúc trực tiếp, an toàn nhanh chóng, thanh toán trực tuyến không chạm 100% thông qua ngân hàng số Cake by VP Bank, quản lý dữ liệu chặt chẽ trong việc phối hợp với cơ quan chức năng, đồng thời đảm bảo chi phí hợp lý nhất có thể khi Be đã làm việc với các bệnh viện, cơ sở y tế để hỗ trợ tài xế. Thông tin được cập nhật trên ứng dụng "Y TẾ HCM" của Sở Y tế để tiện tra cứu.

K.Ngọc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối