Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

“Si rô đá bào ươi é đâu?”

Những bụi é thường mọc hoang ở những nơi ít người qua lại và đã sống tại miền trung, cũng dễ gặp. Có khi tôi còn được thấy é, đông đảo và rậm rạp, cứ như là một cộng đồng vậy. Nhiều đến thế nên không lạ khi có cơn gió mạnh tạt qua, lập tức, cái mùi hăng hắc, nồng nã rất đặc biệt liền phả tới.

Được thấy cây é và ngửi hương é, từ rất lâu nhưng chỉ dăm năm trở lại đây, tôi mới biết ăn lá é. Lần đầu là trong món gỏi tôm đất mà ngoài nguyên liệu chính, cần phải có lá é trắng bằm nhỏ cùng với sả và ớt. Rồi sau đó, rất bất ngờ, thấy lá é trở thành một thứ nước chấm hấp dẫn khi được giã nhuyễn với ớt xanh và muối hột. Hồi đó ở nhà quê, những quả bầu lủng lỉu trên giàn và rau tập tàng đi quanh nhà một chút đã nhổ được cả rổ. Rau củ mới rợi, tươi xanh cỡ đó chỉ cần luộc lên và có thứ nước chấm này là xoong cơm vét sạch ngay.

Cũng qua đó, tôi mới hay là có đến hai loại lá é, đó là lá é tía và lá é trắng. Thường để ướp tôm đất trong món gỏi (ở miền biển), bò một nắng (ở Tây Nguyên) hay là trong nước chấm, người ta đều dùng lá é trắng. Thứ nước chấm này, giờ đã thấy xuất hiện ở nhà hàng và có thể dùng cho rất nhiều loại như gà, vịt, tôm, cua...

hat-duoi-uoi-hat-e

Bên cạnh chén nước chấm, người ta còn dọn thêm một đĩa lá é để ăn kèm. Và điều đó hoàn toàn thuyết phục, bởi đã không biết thì thôi chứ biết lá é rồi sẽ rất khó để quên và rất mau để ghiền. Có trộn chung có hòa lẫn vào bất cứ một thứ gì rồi lá é cũng bật riêng ra và dậy lên trong vòm họng những hương và những vị rất độc đáo.

Khi cây trổ hoa và đến lúc hoa tàn sẽ để lại rất nhiều hột màu đen, cứng cáp và nhỏ xíu như hột mè. Đó chính là hột é. Cũng giống như trái ươi (còn có tên là đười ươi, lười ươi, cây thạch), hột é ngâm nước sẽ nở to và cả ươi lẫn hột é đều được dùng làm nước giải khát với tác dụng thanh nhiệt nên rất thích hợp cho mùa hè.

Chỉ cần: “ư, ơ, i ươi” là nhớ ngay những “cơn lốc” săn lùng, khai thác ươi cách đây mấy tháng. Trong khoảng thời gian này, có mấy sinh viên tôi quen được tham gia chiến dịch mùa hè xanh ở một huyện miền núi. Họ về kể lại mà mình bắt điếng. Đau lòng hơn khi biết đã có những người chết, bị thương bởi những cuộc săn lùng ươi khốc liệt. Đầu nậu lúc nào cũng chờ sẵn ở cửa rừng, có bao nhiêu cân bấy nhiêu và trả tiền liền. Có ươi là có tiền tươi nhưng đâu thể lươi bươi để mà có.

Thằng cháu sinh viên đem về biếu tôi, đúng năm mươi trái ươi non và tôi phải phơi khô, mất cả tuần lễ trong cái chang chang nắng mùa hè, ươi mới khô nổi. Chỉ khô thôi chứ còi cọc lắm. Sau khi ngâm nước và để nở, nhìn ươi mới bợt bạt và tiều tụy sao. Ngắm nghía trái ươi (bị hái) bây giờ lại nhớ đến những trái ươi (được lượm) ngày xưa mà thoắt chạnh lòng. Bởi, đám học trò của chúng tôi mấy chục năm về trước, chẳng hề xa lạ gì với cái món “si rô đá bào ươi é”.

Trước cổng trường, thường có vài xe bán và bọn học trò rất thích thứ nước giải khát này. Chưa tới buổi học và trong giờ ra chơi, cả đám lau nhau vây quanh xe với những cái miệng đồng loạt tía lia: “Cho ly đá bào ươi é”, “Cho ly đá bào ươi é”... Người bán múc từng giá nước ươi, nước é (đã ngâm), nước đường (đã pha chế), không quên hốt một vốc đá bào, dện chặt trong ly và rất nhanh với tay lấy chai si rô xịt xịt. Thao tác thuần thục, gọn đẹp mà tung tẩy làm sao! Mười ly như chục: vài trái ươi khỏe khoắn, nở to ánh lên màu nâu bóng, những hột é li ti, ngần ấy giọt si rô... Không thêm chẳng bớt. Không thiếu chẳng dư.

Nghe thương và nhớ, một món giải khát đã đi theo mình suốt một thuở đến trường. Và câu này: “Si rô đá bào ươi é đâu?” chợt bật lên, run rẩy.

Nguyễn Mỹ Nữ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối