Linh Nguyễn -
Siêu thị giải cứu thực phẩm đầu tiên của Úc vừa mở cửa tại thành phố Sydney có tên là OzHarvest Market. Nơi đây cung cấp các sản phẩm được biếu tặng hoặc dư thừa cho những khách hàng có nhu cầu.
Những thực phẩm được bán ở OzHarvest Market.
Đây là một trong những nỗ lực nhằm giảm bớt lượng thực phẩm bị vứt bỏ ước tính lên đến 8-10 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, theo tờ The Guardian.
OzHarvest Market cung cấp thực phẩm, từ những quả táo bị dạt ra cho đến những cây giò chả, xúc xích đông lạnh, những sản phẩm bảo vệ sức khỏe và kem đánh răng mà các nơi khác có dự định bỏ đi. Những thực phẩm thừa này có nguồn gốc từ các siêu thị lớn, các nhà cung cấp thực phẩm và các quán cà phê.
Trong một cửa hàng OzHarvest Market nhỏ ở vùng ngoại ô Kensington, các tình nguyện viên sắp xếp và trưng bày một số lượng lớn các sản phẩm như mì Ý thịt bò bằm nấu bằng microwave, mì và gạo, cà tím tươi, nấm và dứa bên cạnh một giá rau đóng hộp.
Julie là khách hàng đầu tiên của cửa hàng, đã quay trở lại cho lần ghé thăm thứ hai của mình. “Tại thời điểm đó, tôi đang trải qua một số khó khăn về tài chính thực sự. Đây là nơi tôi có thể đến và chỉ phải trả một ít tiền mà vẫn hoàn thành việc mua sắm của mình trong khi nếu vào các siêu thị bình thường khác phải tốn nhiều tiền hơn”, chị cho biết.
Bà mẹ hai con này cho biết mặc dù có một số thực phẩm chị cần không có ở siêu thị này, chẳng hạn như phô mai và thịt Halal, nhưng nơi đây giúp chị trút bỏ gánh nặng của việc thanh toán hóa đơn. “Trong khoảng thời gian đang gặp khó khăn về tài chính, tôi muốn đến đây hai lần một tuần”.
Siêu thị này cũng cung cấp các sản phẩm vệ sinh, sữa bột cho trẻ sơ sinh, dầu gội đầu và thẻ sạc điện thoại di động. Đây cũng là nơi khách hàng có thể truy cập vào Ask Izzy, một thư mục danh bạ gồm các dịch vụ hỗ trợ người vô gia cư.
Sarah, một khách hàng đi cùng với con gái sơ sinh của cô là Millie, cho biết cô rất vừa ý với những món đồ cho trẻ sơ sinh mà nơi đây cung cấp. “Khi tôi nhìn thấy những món đồ trẻ sơ sinh có ở đây, điều đó thực sự là một sự trợ giúp lớn. Tôi đã tìm mua những thứ này ở các siêu thị khác, giá cả ở đó vượt quá ngân sách eo hẹp của tôi”.
Jun, một sinh viên quốc tế tại trường Đại học New Wales gần đó, cho biết cô đã mua 20 đô la thức ăn bao gồm cà phê, cà ri và đồ ăn vặt. “Đó là một cách tốt để tiết kiệm tiền… vì thu nhập giảm nên tôi đã chọn mua đồ tại siêu thị này”, Jun cho biết.
Alicia Kirwan, quản lý của OzHarvest, cho biết cửa hàng có 5-10 tình nguyện viên làm theo ca, phục vụ 150 khách hàng mỗi ngày. Dự kiến lượng khách sẽ tăng nhiều hơn trong thời gian tới. Kirwan cho biết hiện đang tìm kiếm thêm những địa điểm mới để nhân rộng mô hình này.
Michelle là một người về hưu và là tình nguyện viên của siêu thị mỗi tuần một lần. Bà cho biết OzHarvest thực sự đã thu hút bà bằng cách thức cải tạo thực phẩm. Bà không thích việc mỗi khi bước vào những siêu thị bình thường và chứng kiến khoảng 30% lượng thực phẩm sẽ bị vứt đi. “Điều đó rất kinh khủng. Tôi thích sáng kiến thu gom và tái tạo những thực phẩm trên và cung cấp cho những người có nhu cầu”, bà Michelle nói.