Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Singapore hướng đến “quốc gia thông minh”

Hoàng Xuân Phương-

Ngày nay thành phố công nghệ không còn là thành phố của tương lai mà là những thành phố của hiện tại. Công nghệ đã trở thành bộ phận không thể tách rời với nền kinh tế và cả của cuộc sống con người. Singapore nay có lẽ là quốc gia châu Á đầu tiên hướng đến việc xây dựng quốc gia thông minh.

Theo một bản báo cáo vừa được công bố của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu PwC, Singapore có “chỉ số sẵn sàng về công nghệ” đến 62%, cao so với các thành phố London 59%, Thượng Hải 55%, New York và Moscow 53%. Thực ra từ năm ngoái Singapore, với những trường đại học công nghệ hàng đầu thế giới, đã vượt qua ranh giới của một thành phố thông minh và đang thiết lập cấu trúc của một quốc gia thông minh.

Trong một chừng mực, kết quả khảo sát của PwC không bao quát hết các thành phố công nghệ của thế giới, nhưng ngược lại đã nghiên cứu rất đầy đủ những yếu tố tạo nên tình trạng sẵn sàng với công nghệ, nói cách khác là nền công nghệ mà mỗi một công dân thành phố đang được thụ hưởng, đặc biệt nhấn mạnh đến những sáng kiến làm cho thành phố này trở nên đáp ứng được với những công nghệ mới hơn so với các thành phố khác. Trong trường hợp này, Singapore đang dẫn đầu về hạ tầng kinh tế số đạt tỷ lệ 75%, trong khi đó London (Vương quốc Anh) dẫn đầu về công nghệ phương tiện di chuyển tự lái ở mức 72%. Ba thành phố dẫn đầu về những sáng kiến văn hóa và du lịch là Barcelona (Tây Ban Nha) với 78%, Thượng Hải (Trung Quốc) 78% và Singapore 72%. Mức độ ứng dụng công nghệ vào đời sống hàng ngày ở London chỉ đạt 42% và ở Toronto (Canada) là 41%.

 HXP3718-1--Singapore-thanh-pho-cong-ngheSingapore đang dẫn đầu những thành phố công nghệ.

“Thông minh” không theo kiểu bị rập khuôn

Như vậy, các thành phố thông minh khác nhau và cạnh tranh với nhau trên những sáng kiến khả dĩ có ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế và cuộc sống con người, và đó chính là sự đa dạng trong sự phát triển.

Singapore là thành phố thành công nhất trong lĩnh vực nhà ở và dịch vụ thông minh, mặt khác có kế hoạch đầu tư phát triển công nghệ theo từng lĩnh vực như điện lực. Barcelona đứng hàng thứ 2 nhờ vào sáng kiến hợp nhất việc quản trị hai mạng lưới điện và cấp nước đồng thời có hệ thống công nghệ thu gom rác thải hữu ích. Ở đây người ta thấy các thành phố công nghệ đang nhắm đến kiến trúc nhà thông minh, hệ thống tiết kiệm tài nguyên, và thiết lập những mạng lưới thông minh nhờ vào các công nghệ cảm biến và vận dụng xu hướng Internet kết nối vạn vật (IoT).

Người ta nói nhiều đến văn hóa và du lịch, nhưng việc số hóa lĩnh vực này lại có một ý nghĩa rất đặc biệt và ở nhiều thành phố nó trở thành chiến lược hàng đầu mang đậm ý nghĩa về kinh tế.

Barcelona, Singapore và Thượng Hải đang đi đầu trong lĩnh vực này, ở đây người ta thấy nổi lên những quầy bán hàng (kiosk) tự động, những trạm xe thông minh, những ứng dụng di động dành cho khách du lịch và những tiện nghi công nghệ ở cả sân bay cũng như viện bảo tàng. Như một nền nếp văn hóa mới, công nghệ đang trở thành công cụ bảo vệ an ninh cho cư dân thành phố cũng như khách du lịch. Ít ai biết rằng thành phố Hồng Kông đông đúc đang dẫn đầu về lĩnh vực này với việc sử dụng thuật toán và trí khôn nhân tạo để ngăn chận tội phạm, theo sau là các thành phố New York, London, Thượng Hải và Singapore.

 

Ba lĩnh vực then chốt

Việc đẩy mạnh nền kinh tế số là điều tất nhiên ở các thành phố công nghệ, trong đó ba lĩnh vực đang nỗi lên mạnh mẽ là kinh tế chia sẻ tạo nên sự kết nối liền lạc giữa thế giới thật và thế giới ảo, công nghệ tài chính như là một cuộc cải cách lớn thay cho hệ thống ngân hàng và ở một số thành phố người ta đã bắt đầu phát triển kỹ nghệ 4.0 nhằm đưa sản xuất về gần với thành phố là những trung tâm tiêu thụ.

London đang vượt lên tốp đầu với công nghệ tài chính, Singapore và Tokyo đang đi tiên phong trong kỹ nghệ 4.0 và Moscow tỏ ra hữu hiệu trong việc khai thác các chương trình ứng dụng chia sẻ phương tiện giao thông. Trên thực tế Moscow cũng đang chuẩn bị cạnh tranh với các thành phố ở Đức trong phát triển nền công nghiệp mới.

Số hóa dịch vụ là một nội dung rất lớn của thành phố công nghệ và trên thực tế đó là một bộ phận quan trọng cho việc định nghĩa nên những thành phố này. Việc số hóa phải bắt đầu từ những dịch vụ công, đến cả việc chăm sóc sức khỏe và cả việc dạy việc học trực tuyến.

Ở đây có việc chạy đua giữa các thành phố trong việc số hóa dịch vụ công qua lại giữa chính quyền, công dân và doanh nghiệp. Dẫn đầu cuộc đua này hiện là Moscow, New York, London và Sydney với những thế mạnh riêng. Trong khi đó nền y tế số đang phát triển mạnh ở hầu hết các thành phố công nghệ với ba mục tiêu là chăm sóc sức khỏe từ xa, phát triển hoạt động y tế dựa trên các nền tảng di động và cá nhân hóa việc chăm sóc sức khỏe khách hàng cũng như bệnh nhân. Dẫn đầu nền y tế số hiện nay phải kể đến New York, Toronto, Sydney và Barcelona.

Tỷ lệ trung bình mà các thành phố công nghệ đạt được cho thấy họ còn phải làm nhiều điều hơn nữa và nó tùy thuộc vào hai yếu tố chính là thiết lập hạ tầng để sẵn sàng cho việc ứng dụng các công nghệ mới và chọn ra mô hình thành phố thích hợp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối