(SGTT) – Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều sinh viên ở TPHCM gặp phải không ít khó khăn. Tuy nhiên, đằng sau những trở ngại, nhiều sinh viên đã thích ứng dần với cuộc sống, nhận được nhiều sự quan tâm giúp đỡ từ mọi người.
- Thách thức của sinh viên học ngành du lịch trong đại dịch Covid-19
- Để dành thực phẩm, nữ sinh viên gói thành từng phần tặng cho người khó khăn
Khó khăn được san sẻ
Học tập tại TPHCM được 3 năm, bạn Lâm Thanh Toàn, 20 tuổi, quận Gò Vấp đã sớm đi làm để có thêm trải nghiệm, chi phí sinh hoạt đỡ đàn cho gia đình. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Toàn chọn ở lại thành phố để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình. Trong thời gian đầu, nam sinh viên gặp phải không ít khó khăn. "Lúc trước mình đặt thực phẩm tại Bách Hóa Xanh, Co.op food, thời gian giao hàng chậm, cỡ 10 ngày mới nhận được hàng, thiếu đồ ăn thì ăn đỡ mì tôm cho qua bữa. Bây giờ dịch vụ giao hàng hoạt động trở lại, khoảng tầm 2- 3 tiếng là đã có”, bạn chia sẻ.
Tình hình khó khăn, chủ nhà trọ cũng giảm 10% tiền nhà từ tháng Bảy. Chưa kể chi phí điện, nước, tiền trọ là 2.700.000 đồng, giảm được 200.000 đồng nên Toàn cũng bớt chút ít phần nào gánh nặng cho gia đình.
Bạn Bảo Châu, 21 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, hiện là sinh viên năm 3 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho biết "May mắn trong đợt dịch này mình vẫn tìm được công việc viết lách làm tại nhà, mặc dù thu nhập giảm đi một nửa so với trước dịch, nhưng mình vẫn cảm thấy vui vì còn có công việc để làm". Bảo Châu chia sẻ thêm, vì ở nhà người quen nên bạn không tốn thêm chi phí trả tiền trọ, điện, nước, các khoảng ăn uống trong thời gian giãn cách cũng được chắt chiu hơn.
Một trường hợp khác, bạn Thanh Nga, 19 tuổi, sinh viên năm 1 trường đại học Công nghê Sài Gòn, ngụ tại quận 8 hiện đang ở trọ một mình khi chưa thể đăng ký về quê. Nga cho biết, lúc trước bạn phụ việc tại một cửa hàng ăn uống để có thêm thu nhập trang trải tiền học. Vì việc học online cộng với việc làm thêm, Nga vẫn ráng ở lại thành phố để kiếm thêm chút tiền mới về nhà, ấy vậy mà tình hình dịch bệnh căng thẳng, bạn mắc kẹt lại Sài Gòn cho đến nay.
“Lúc trước em đi làm nhiều nên ít khi ở phòng, chủ yếu ăn tiệm nên em không sắm bếp ga, tủ lạnh, tới khi dịch bùng phát em lo lắng lắm, không biết phải xoay sở thế nào trong thời gian giãn cách”, Nga ngậm ngùi.
May mắn, chị chủ nhà nấu ăn cho Nga để bạn đỡ phải ăn mì gói, tiền nhà ở cũng giảm được một nửa. “Chi phí trung bình tính cả điện, nước là 2.500.000 đồng, nhưng từ khi dịch bệnh diễn biến căng thẳng, mỗi tháng em chỉ trả khoảng 1.200.000 đồng”, Nga bày tỏ.
Cố gắng vượt qua
Đa phần sinh viên mắc kẹt tại Sài Gòn dù gặp nhiều khó khăn vẫn đang tập thích nghi và nhìn vào đợt giãn cách này ở góc độ tích cực.
Bạn Thanh Toàn kể “Đợt trước mình có nhận được việc lồng tiếng, hơn nữa ở quê dịch bệnh phức tạp, nên mình quyết định ở lại Sài Gòn để hoàn thành dự án,”. Mặc dù ở lại Sài Gòn một mình, nhưng Toàn cho biết mình vẫn cảm thấy an tâm, và biết cách cân bằng cuộc sống.
Bạn Thanh Nga cũng cùng chung lý do trên, khi tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng, Nga ở lại trọ một mình để đảm bảo an toàn. “Về quê phải thực hiện cách ly tại khu cách ly tập trung, hơn nữa mình vẫn phải học online nên cần không gian yên tĩnh, việc di chuyển và thực hiện cách ly mất khá nhiều thời gian, nên mình đành phải ở lại mặc dù gặp nhiều khó khăn”.
Chia sẻ thêm, Bảo Châu cho biết mặc dù gặp nhiều trở ngại, nhưng bạn đã nhanh chóng thích nghi với cuộc sống. Châu cảm thấy đây chính là khoảng thời gian này để mình học tập nhiều hơn. "Lúc trước cả tuần mình đều phải đi làm, tận 22:00 tối mới về đến nhà, không bao giờ có thời gian tập thể dục, nấu ăn cả. Thế nhưng bây giờ mình có nhiều thời gian để chăm sóc và chú ý nhiều hơn tới sức khỏe chính mình”, Châu chia sẻ.
Uyên Tâm