DƯƠNG QUYÊN VY -
Tại hội thảo chuyên về nhân sự ngành du lịch vừa diễn ra tại TPHCM cách đây không lâu, nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đồng quan điểm rằng nhân sự ngành này ở Việt Nam đang thiếu rất nhiều dù hàng năm một lượng lớn sinh viên ra trường.
Chỉ 20% sinh viên đủ tiêu chuẩn
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhân sự ngành du lịch hiện nay vẫn đang thiếu.
Cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, một trong những thỏa thuận giữa các quốc gia là công nhận lẫn nhau về lao động trong đó có lao động du lịch (MRA-TP). Theo thỏa thuận này, các chứng chỉ của lao động được cấp tại một số quốc gia sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên và lao động được quyền dịch chuyển trong khu vực. Mục đích của MRA-TP là tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động và cân bằng cung-cầu nguồn nhân lực du lịch trong khu vực.
Thế nhưng, nhận định của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp về nhân lực ngành du lịch, với tình hình nhân lực ngành du lịch Việt Nam còn nhiều bất cập như hiện nay, đó là một thách thức lớn với ngành du lịch. Cụ thể, khi mà mỗi năm có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp các ngành nghề liên quan đến hoạt động dịch vụ du lịch nhưng tuyển dụng được nhân viên đạt yêu cầu lại không phải là điều dễ dàng với các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn.
Theo TS. Trần Văn Thông, trưởng khoa Quản trị du lịch và khách sạn của trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM, tính riêng trong năm 2015, cả nước có 67 trường đại học, 86 trường cao đẳng, 117 trường trung cấp nghề có khoa đào đạo ngành nghề liên quan đến dịch vụ du lịch. Ông cho rằng, không thể phủ nhận vai trò của các đơn vị này trong công tác đào tạo nguồn lao động cho ngành nhưng chỉ 20% trong số sinh viên tốt nghiệp từ các trường này là đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng ngay từ đầu. Số còn lại (80% sinh viên), nhà tuyển dụng phải có chương trình tái đào tạo mới sử dụng được.
Cùng nhận định trên, ông Nguyễn Thế Cường, Giám đốc đào tạo của Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh cho hay, hầu hết lao động trong các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, công ty đều phải đào tạo lại mới đạt yêu cầu.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khách sạn, resort cũng cho biết nếu các doanh nghiệp ở thành phố lớn gặp khó trong khâu tuyển dụng một thì các doanh nghiệp ở các khu du lịch tại các địa phương xa trung tâm thành phố gặp khó gấp trăm lần. “Mỗi kỳ tuyển dụng là một thách thức khi các lao động lành nghề hay sinh viên giỏi dường như đều ở lại các thành phố lớn”, giám đốc nhân sự một resort ở miền Trung kể.
[box] Thành lập Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam
Vào đầu tháng 8-2016, Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VITEA) đã được thành lập tại TPHCM. VITEA là hiệp hội chuyên ngành do Hiệp hội Du lịch Việt Nam thành lập và hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đơn vị này. GS.TS. Đào Mạnh Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), được bầu làm chủ tịch VITEA.
Theo công bố của VITEA, hiệp hội ra đời với mục đích liên kết, hợp tác, hỗ trợ hội viên trong hoạt động đào tạo du lịch; nâng cao trình độ quản trị cơ sở đào tạo, khoa học công nghệ, khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước của hội viên; gắn nhà trường với doanh nghiệp; thu hút sự tham gia chủ động của doanh nghiệp vào công tác đào tạo; xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, kiểm tra, đánh giá và công nhận kỹ năng nghề…
Ngoài ra, hiệp hội còn có nhiệm vụ xây dựng ngân hàng dữ liệu việc làm và cổng thông tin thực tập cho các nhu cầu việc làm trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ sinh viên trong việc thực tập và tìm việc làm.[/box]
Liên kết nhà trường-doanh nghiệp
Lý giải về thực trạng vừa thừa vừa thiếu của nhân sự ngành du lịch hiện nay, ông Thông cho rằng, đây là kết quả của việc thiếu chương trình đào tạo chuẩn quốc gia trong suốt thời gian qua. Thực tế hiện mỗi trường có chương trình giảng dạy riêng mà không theo một quy chiếu chung nào. Chưa kể, năng lực giảng viên ở các ngành khách sạn, nhà hàng hiện nay cũng là điều đáng bàn khi nhiều giảng viên tuy có nhiều bằng cấp nhưng chuyên môn thực tế và kinh nghiệm lại thiếu.
Nhận định về tình trạng này, ông Phùng Thế Vinh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng cho rằng, chương trình đào tạo là mấu chốt để khắc phục tình trạng này và chính doanh nghiệp – những nhà tuyển dụng mới biết chính xác sinh viên cần được học kỹ năng, kiến thức gì để đáp ứng với nhu cầu thực tế. Nhà trường cần phải mời doanh nghiệp cố vấn chương trình đào tạo hoặc liên kết với doanh nghiệp để đào tạo sinh viên theo chuẩn của doanh nghiệp đó.
Đứng từ góc độ nhà tuyển dụng, ông Nguyễn Thế Cường tán thành ý kiến liên kết nhà trường-doanh nghiệp trong quá trình đào tạo lao động. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, nhà trường cần chủ động xây dựng mối liên kết này chứ không thể trông chờ hoàn toàn vào doanh nghiệp. Sẽ là tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho doanh nghiệp nếu sinh viên trong quá trình học đã nắm kỹ những điều này. “Chưa cần nói đến liên kết đầu ra-đầu vào, nhà trường chỉ cần chủ động gửi sinh viên đến các khách sạn, nhà hàng thực tập nhiều hơn là đã giúp sinh viên tiếp cận với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp rồi”, ông Cường nói.