KIM AN -
Mannequin là những hình mẫu trưng bày tại các cửa hiệu quần áo, nhưng kích cỡ của những mannequin đa phần là khác xa so với kích thước trung bình của người phụ nữ.
Thời trang và vóc dáng cơ thể luôn là một mối quan hệ phức tạp, nổi tiếng. Nếu đem chuyện này ra thảo luận thường dẫn đến những vấn đề như người mẫu trên sàn diễn hay trên các trang quảng cáo thường quá ốm. Rõ ràng, vóc dáng của người mẫu và trang phục đời thực đôi khi không thực tế. Tương tự, mannequin trong cửa hàng thường ốm hơn cả cỡ quần áo nhỏ nhất, nhưng lại trở thành chuẩn mực trong giới người mẫu. Những nhãn hiệu như Topshop và Oasis bị chỉ trích bởi sử dụng các mannequin cực ốm. Hai nhãn hiệu bán lẻ phổ biến ở Anh Quốc này đã thay đổi cách nhìn về kích cỡ kể từ khi họ nhận nhiều than phiền từ khách hàng. Dù vậy, tất cả cửa hàng của họ trên toàn cầu vẫn dùng mannequin có hình thể hoàn toàn không thực tế.
Những mannequin dáng dấp ốm, mỏng, chân dài, bắp chân và cổ tay nhỏ dường như là ước mơ để người tiêu dùng hướng tới. Nhưng đây không phải là đại diện cho kích thước thật của người phụ nữ.
Theo tờ The Guardian, kích cỡ trung bình của mannequin cao khoảng 1,8 m, có số đo ba vòng lần lượt là 86 cm, 61 cm, 86 cm, và có bắp chân, mắt cá chân, cổ tay siêu nhỏ. Rõ ràng, kích thước này khác xa so với kích cỡ trung bình của phụ nữ ở Âu Mỹ với chuẩn size 14 (có số đo ba vòng là 103-84-109 cm) hoặc phụ nữ châu Á có chiều cao trung bình 1,6 m với số đo ba vòng được cho là lý tưởng khoảng 85-62-88 cm.
Vì sao có sự khác biệt lớn giữa hàng trưng bày tại cửa hàng so với thực tế? Theo các chuyên gia, sự khác biệt này chủ yếu là do tiếp thị. Mục đích của mannequin là bán giấc mơ như những người mẫu dáng ốm kia đi trên sàn diễn. Kathleen Hammond, Phó chủ tịch chiến lược của nhà phân phối mannequin Goldsmith ở New York (Mỹ), giải thích rằng cửa hàng mua các loại mannequin này bởi họ đơn giản tin rằng mình sẽ bán được nhiều quần áo. Bà nói: “Những người mẫu trên sàn diễn thường có size 2 hoặc size 0. Các mannequin này cũng bắt chước như vậy, bởi người bán tin rằng điều này làm sản phẩm của họ trông đẹp nhất”. Dù lý do nào đi nữa thì vô lý vẫn là vô lý: mannequin với tay chân gầy guộc, thân thể loáng bóng và đôi chân dài lêu nghêu, khuôn mặt không biểu cảm thì không giống người thật chút nào. Mới đây, người phát ngôn của Oasis biện hộ cho việc sử dụng mannequin cho nhãn hàng Refinery 29 rằng: “Các mannequin tại cửa hàng chúng tôi mang đậm phong cách nghệ thuật và không cần phản ánh đúng với thực tế”.
Mặc dù chúng ta không bao giờ lẫn lộn mannequin với người thật nhưng mannequin vẫn mang hình ảnh đại diện cho quần áo, cho cửa hàng bán lẻ và và cả nhóm khách hàng lý tưởng. Theo Lisa Mauer, Công ty Sản xuất mannequin Siegal & Stockman: “Bạn muốn mannequin thể hiện điều mình muốn diễn đạt cho khách hàng”. Mauer cũng đưa ra dẫn chứng, các nhà điêu khắc như Alberto Giacometti luôn có những tượng điêu khắc hình người kéo dài, biến dạng, tạo thêm động lực cho các nhà sản xuất mannequin bám lấy dạng mannequin không đúng tỷ lệ thực. Và chúng ta đừng nghĩ những mannequin này cần thon gọn để các nhân viên cửa hàng dễ dàng mặc đồ cho chúng.
Cả Hammond và Mauer không đồng ý với suy nghĩ tỷ lệ của mannequin sẽ ảnh hưởng đến quần áo khi mặc thực tế. Hammond giải thích: “Mannequin có thể dễ dàng tháo lắp được nên chuyện mannequin to nhỏ thế nào không mấy quan trọng. Một mannequin quá khổ cũng giống với một mannequin siêu gầy”. Tuy nhiên, tỷ lệ không cân đối của mannequin cũng có lợi ích khác cho cửa hàng là nếu tạo dáng đứng dang rộng hai chân, nhờ có chân quá dài nên mannequin sẽ giữ cho đũng quần được thẳng thớm. Hơn nữa, đối với khách hàng, họ cho là thân hình thon dài có khuynh hướng nhìn đẹp hơn, dù ở thân trên hay thân dưới.
Theo một bài báo cũ trên Smithsonian vào năm 1991, mannequin càng ngày càng trở nên ít giống người bình thường hơn. Ngay sau khi mannequin toàn thân xuất hiện lần đầu tại Pháp vào năm 1870, các cửa hàng ở nhiều thành phố khác cũng theo phong trào này. Trong suốt cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, những hình mẫu được tạo ra có sự khác xa với người thật, và có một số chi tiết thêm vào như mắt thủy tinh và tóc giả. Cho đến những năm 1920 khi nhà sản xuất mannequin Siegel & Stockman bắt đầu sử dụng chất liệu giấy bồi, mannequin càng trông khác biệt hơn. Ngày nay, các mannequin thường được làm từ nhựa và sợi thủy tinh, còn gương mặt hầu như được đúc giống nhau như một.
Nhưng quay lại vấn đề ban đầu, nếu như người mẫu có tỷ lệ thực tế hơn, nếu quần áo họ mặc quảng cáo bán chạy hơn và mục đích của mannequin là kiếm được tiền, vậy sao không sử dụng mannequin có dáng vóc trung bình của người phụ nữ, hay nam giới? Nhiều cửa hàng bán lẻ có cả kích cỡ quần áo size 4XL nhưng vẫn từ chối để khách hàng biết qua khung cửa sổ trưng bày sản phẩm. Các cửa hàng quần áo luôn đưa ra những khẩu hiệu đại loại như quần áo đậm nữ tính, hay làm nổi bật cơ thể bạn, hay mặc vào sẽ rất nam tính… nhưng mannequin kích thước phổ thông thì hiếm gặp.
Có thể Mauer lý giải có quá nhiều dáng người nên mannequin không thể đại diện hết được, cho dù bà và Hammond đều trưng ra được họ có bán những mẫu mannequin thấp bé và mannequin thừa cân cho các cửa hàng. Nhưng để bán hàng hiệu quả nhất, cửa hàng phải chọn bộ mannequin có kích thước nhất quán với kích cỡ quần áo chung.