Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Số liệu căn hộ, mỗi nơi mỗi kiểu

Phần lớn các doanh nghiệp địa ốc rất quan tâm đến các thống kê số lượng căn hộ được bán ra vì đây là căn cứ giúp họ“bắt mạch” được nhịp đập của thị trường bất động sản, từ đó định hướng chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, các thống kê từ các công ty nghiên cứu thị trường, tổ chức hiệp hội hay cơ quan quản lý mỗi nơi mỗi phách khiến các doanh nghiệp lúng túng.

Mỗi nơi một số

Tổng hợp các báo cáo nghiên cứu thị trường theo quí từ Công ty CBRE Việt Nam cho thấy, trong chín tháng đầu năm nay, tổng số căn hộ bán ra tại TPHCM là hơn 9.000 căn; con số này tại Hà Nội là khoảng 8.000 căn. Số liệu từ các báo cáo quí của Công ty Savills Việt Nam cũng cho ra kết quả tương tự. Như vậy, chưa tính số căn hộ được bán ra tại các thành phố lớn khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, tổng số căn hộ được bán ra trên cả nước ít nhất phải là 17.000 căn.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, bà Dương Thùy Dung, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển của Công ty CBRE Việt Nam, cho biết để có được các con số thống kê về số căn hộ bán ra, các công ty nghiên cứu thị trường đã làm việc với hầu hết các chủ đầu tư trên địa bàn TPHCM. Đồng thời, các công ty này cũng có đội ngũ nhân viên khảo sát thị trường với các báo cáo theo tuần, tháng để có được báo cáo quí. Bà Dung tin tưởng rằng con số căn hộ được bán ra của họ có độ chính xác 95%.

Thống kê số lượng căn hộ được bán giúp doanh nghiệp địa ốc “bắt mạch” được nhịp đập của thị trường.   Ảnh: Mạnh Tùng
Thống kê số lượng căn hộ được bán giúp doanh nghiệp địa ốc “bắt mạch” được nhịp đập của thị trường. Ảnh: Mạnh Tùng

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết số lượng căn hộ bán ra trên cả nước trong chín tháng đầu năm 2014 từ tổng hợp của hiệp hội này là khoảng 13.000 căn, cao hơn con số của cả năm 2013.

So với số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường bất động sản, con số này chênh lệch đến hơn 4.000 căn – một số lượng căn hộ tiêu thụ không nhỏ trong bối cảnh thị trường địa ốc hiện nay.

Ông Thành cho biết, thời điểm chốt báo cáo từ VNREA sớm hơn các công ty nghiên cứu thị trường khoảng 10-15 ngày. Tuy nhiên, với thời gian chênh lệch nhỏ như vậy thì khó có thể xảy ra sự chênh lệch rất lớn giữa báo cáo giữa VNREA và các công ty nghiên cứu nên đây không thể là nguyên nhân chính, theo ông Thành.

Ông Thành đưa ra giả thiết khác là cách hiểu khái niệm “căn hộ bán ra” từ các bên có sự khác biệt. Theo ông Thành, có thể các công ty trên tính cả số lượng căn hộ hình thành trong tương lai được đặt chỗ, đặt cọc còn VNREA chỉ tính các căn hộ đã hoàn thành và giao cho khách.

Tại một hội thảo về bất động sản giữa tháng 10 vừa qua, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM lại đưa ra con số thống kê khác từ cơ quan này là trong chín tháng đầu năm 2014, toàn thành phố có 5.700 căn hộ được bán ra thị trường, tăng 183% so với năm ngoái. Con số này thấp hơn khoảng 3.000 căn so với báo cáo từ CBRE hay Savills.

Doanh nghiệp: Mỗi người một niềm tin

Các báo cáo trên cho thấy thống kê số lượng căn hộ được bán ra trên thị trường đang có sự khác biệt khá lớn giữa công ty nghiên cứu thị trường, tổ chức hiệp hội và cơ quan quản lý. Do đó, mỗi doanh nghiệp đang chọn một điểm tựa khác nhau để đưa định hướng chiến lược kinh doanh.

Ông Phạm Thanh Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thế kỷ (Cengroup), một doanh nghiệp phân phối bất động sản có thị phần khá lớn tại Hà Nội, cho rằng các doanh nghiệp nên tin vào các con số báo cáo từ các công ty nghiên cứu thị trường hơn là tin vào báo cáo từ cơ quan quản lý. Theo ông Hưng , các công ty này có đội ngũ nghiên cứu chuyên nghiệp và độ phủ thị trường lớn, như lời bà Dung ở CBRE, nên đáng tin hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng cơ quan quản lý – tức Sở Xây dựng – có được các báo cáo căn hộ bán ra do các doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn phải nộp báo cáo theo định kỳ và được tổng hợp lại.

Các con số báo cáo của doanh nghiệp không phải lúc nào cũng trung thực và Sở Xây dựng thì không đủ nguồn lực để kiểm chứng điều đó, theo ông Đực. “Nhưng dù sao tôi vẫn tin vào báo cáo từ Sở Xây dựng hơn là các công ty nghiên cứu thị trường, dù niềm tin này chỉ là tương đối", ông Đực nói.

Cùng quan điểm với ông Đực, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh tin vào con số từ Sở Xây dựng hơn. “Bên tôi bán được bao nhiêu căn hộ thì chỉ báo cho sở biết thôi chứ có báo cho Savills hay CBRE đâu mà họ biết”, ông Trung nói.

Trong khi đó, một chủ doanh nghiệp địa ốc tại TPHCM thì chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị rằng ông tin vào các báo cáo từ các tổ chức hiệp hội hơn. Ông này tiết lộ, doanh nghiệp của ông từng khai khống số liệu căn hộ mà họ bán được cho Sở Xây dựng “mà chẳng ai biết”. Ngoài ra, cách thu thập hồ sơ từ doanh nghiệp của Sở Xây dựng lại khá nặng thủ tục hành chính, theo quan sát của ông nên số liệu thống kê từ cơ quan chức năng cũng không đáng tin.

Còn với công ty nghiên cứu thị trường, chủ đầu tư này lại cho rằng các doanh nghiệp này có thể “bóp méo” con số thống kê vì mục đích tiếp thị, khuếch trương các dự án mà họ có lợi ích bên trong, do đó thông tin từ nguồn này cũng không khách quan. Bên cạnh đó, có những chủ doanh nghiệp chia sẻ rằng họ "không tin vào ai" mà họ tự quan sát thị trường, tự định hướng và lập kế hoạch để tìm lối thoát trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Mạnh Tùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối