TẤN PHÚ -
Thập niên 70-80 của thế kỷ trước được xem là thời kỳ hưng thịnh nhất của cải lương. Các sân khấu cải lương đều sáng đèn mỗi đêm nên các soạn giả cải lương sống rất sung túc, thậm chí một số nghệ sĩ tân nhạc phải chuyển sang hát cải lương để mưu sinh. Thế nhưng, thời hoàng kim của sân khấu cải lương đã không còn và đời sống của các soạn giả cải lương cũng không còn khá như xưa. Nhưng vì đam mê, phần vì không biết làm gì khác nên họ đành gắn bó với nghề để chờ thời.
Ngày nay, khán giả không còn ưa chuộng loại hình cải lương nên đời sống của các soạn giả rất khó khăn, bởi tác phẩm ra đời không có “đất diễn”. Còn bán cho các nhà đài thì bị ép giá rẻ như bèo.
Lỡ theo cái nghiệp
“Tổ nghiệp không bắt mình đi ăn mày, bán vé số là may mắn rồi. Chứ làm cái nghề này không có ai giàu nổi hết. Nhưng lỡ theo cái nghiệp này rồi thì phải viết, chứ bỏ nghề thì cũng không biết làm nghề gì khác”, soạn giả Trần Thế Hùng, than thở.
Nhiều người ví cuộc đời của các soạn giả cải lương cũng truân chuyên, chìm nổi như chính cái sân khấu cải lương.
Quê gốc Cần Đước, Long An nhưng ông Hùng sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Trước năm 1975, thời cải lương đang hưng thịnh, ông là một nghệ sĩ cải lương, mãi đến năm 1990 ông chuyển sang sáng tác. Vở đầu tay của ông Hùng có tên Yêu trong hoàng hôn. Theo ông, sở dĩ sáng tác ra vở này cũng vì buồn chuyện gia đình. “Vợ tôi bỏ tôi ra đi khi tôi bị bệnh tai biến, buồn quá tôi đi lang thang vào một buổi chiều hoàng hôn. Thế rồi tức cảnh sinh tình tôi sáng tác ra vở này luôn”, ông Hùng nhớ lại. “Trong cái rủi có cái may, vừa soạn xong vở đó, tôi đưa cho nghệ sĩ Thanh Điền là được dựng liền. Sau đó tôi đưa tiếp cho Huỳnh Minh Nhị cũng được cho thu hình luôn”, ông Hùng kể.
Theo ông, thời hoàng kim của cải lương, những soạn giả như ông tiền tiêu không hết. Bởi thời đó cải lương không chỉ phục vụ khán giả trong nước mà còn được thu băng, ghi đĩa bán ra nước ngoài. “Còn bây giờ thì đủ ăn thôi là đã mừng rồi chứ chẳng mơ ước gì hơn”, ông Hùng bùi ngùi.
Và hiện nay, để có tiền trang trải cuộc sống, ông Hùng phải đi gõ cửa các đài truyền hình, đài phát thanh; từ đài thành phố đến các đài ở tỉnh để nhận đơn đặt hàng và chào bán tác phẩm.
Sáng tác chờ thời
Soạn giả Phan Việt Anh quê ở Cà Mau, sinh ra từ một gia đình thuần nông nghèo khó tâm sự: “Nghe cải lương nhiều quá, tôi đâm ra nghiện nên quyết tâm theo đuổi học nghề soạn giả cải lương”. Tác phẩm đầu tay ông Việt Anh gửi cho soạn giả cải lương Trọng Nguyễn ở Bạc Liêu. Ông kể: “Xem qua tác phẩm của tôi, soạn giả Trọng Nguyễn khuyên nếu có đam mê thì lên Sài Gòn học nghề”.
Nghe theo lời khuyên của soạn giả Trọng Nguyễn, năm 2008 ông Anh quyết định lên Sài Gòn “tầm sư học đạo”. Và ông phải xin vào làm công nhân sửa chữa điện nước ở các công trình để có tiền mưu sinh và theo đuổi nghề soạn giả cải lương. Cứ thế, sáng đi làm, tối về cặm cụi sáng tác và nghe ngóng tình hình, xem ở đâu mở hội sáng tác là ông xin đi tham gia. “Mỗi lần có trại sáng tác là tôi phải nhờ anh chỉ huy công trình xin giấy xác nhận nhập viện… giả để trình giám đốc công ty rồi là mình đi theo trại sáng tác”, soạn giả Việt Anh chia sẻ.
Trải qua nhiều gian khó, đến đầu năm 2011 tác phẩm đầu tay của soạn giả Phan Việt Anh ra đời và được công chúng đón nhận. Tưởng đâu sự thành công đã mang đến cho ông niềm vui trọn vẹn nhưng theo ông Anh thì chỉ mới vui được một nửa, vì hiện nay các soạn giả cải lương chỉ sáng tác để chờ thời.
Ông Đăng Minh, một soạn giả khá nổi tiếng với các vở diễn như Vụ án mã ngưu, Đồng tiền đẫm máu, Lệnh truy nã…, cho hay: “Sân khấu cải lương đổi mới không kịp so với các loại hình nghệ thuật khác, lớp nghệ sĩ trẻ không đủ sức thay thế các ngôi sao lớn nên phần lớn soạn giả cải lương vẫn sáng tác nhưng để đó, chờ thời”.
Và theo các soạn giả, hiện nay để có tiền trang trải cuộc sống, họ phải làm thêm nghề tay trái là nhận viết kịch bản hài cho các nhà đài như chuyện Trong nhà ngoài phố, Chuyện không của riêng ai, hoặc Câu chuyện pháp luật.