Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Sống chung với… gió nổi!

Từ hai thiên truyện đến một phiên bản phim, để kể về cái chết lởn vởn trên câu chuyện tình bình dị như ngôi làng chỉ hiện hữu trong giấc mơ, như thứ hạnh phúc gần gụi mà tựa hồ không thật…

Gió nổi: tượng đài chục năm của phim hoạt hình

Gió nổi (tựa gốc 風立ちぬ, The wind rises) có một vị trí đặc biệt trong gia tài điện ảnh của Miyazaki Hayao, lấy cảm hứng từ một nhân vật có thật. Dù là phim hoạt hình, bộ phim cho thấy chất “người lớn” hơn các phim khác mà Miyazaki từng làm, với nội dung tiềm tàng yếu tố chiến tranh gây tranh cãi. Trong quá trình làm phim, Miyazaki cũng đối diện nhiều khó khăn, trong đó có việc khắc họa những phân cảnh tình yêu của hai nhân vật chính.

Chuyện phim vẫn là một câu chuyện đôi lứa yêu nhau, một tình yêu thuần khiết những tưởng sẽ hạnh phúc trọn đời, nhưng thay cho tấm thiệp mừng là thiếp báo tử của bệnh tật. Thông điệp phim cũng quen thuộc: cuộc sống thì hữu hạn còn tình yêu thì vô cùng. Thế nhưng Gió nổi đã là tượng đài trong ngành phim hoạt hình khi đi qua gần chục năm kể từ khi công chiếu, bộ phim vẫn tiếp tục thu hút thêm lượng người hâm mộ mới. Một phần có lẽ nhờ khi viết kịch bản phim, Miyazaki Hayao đã dựa trên nền tảng là hai thiên truyện Gió nổi lên và Ngôi làng thơ mộng của Hori Tatsuo (1904-1953). Điều này không phải khán giả nào cũng biết.

Hai thiên truyện Gió nổi lên và Ngôi làng thơ mộng

Không có màu sắc chiến tranh nặng nề như trong phim, Gió nổi lên và Ngôi làng thơ mộng là liên truyện nối kết nhau bằng các nhân vật và không gian chung, khởi sự lúc chàng nhà văn đến một ngôi làng miền sơn cước, nơi anh lần đầu gặp gỡ người con gái mình sẽ yêu. Tình yêu của họ gặp thử thách lớn bởi tình trạng sức khỏe của cô gái, làm cho không khí câu chuyện tình nhuốm màu u ám, bi quan. Đó là cuộc đấu tranh nội tâm của nhân vật chính trước ám ảnh chia ly, nhưng vượt lên tất cả là khát vọng sống mãnh liệt.

Cho dẫu nội dung là chuyện tình yêu đối diện với cái chết, Gió nổi lên trải suốt gần trăm năm vẫn thổi sự mát lành vào lòng bạn đọc gần xa. Vài năm trước thiên truyện này, Hori Tatsuo đã viết Ngôi làng thơ mộng, nơi nhân vật – nhà văn đến để khởi thảo tác phẩm của mình, nơi được tả “quạnh quẽ đúng là quạnh quẽ, nhưng tôi có cảm giác dễ chịu sớm tối mỗi ngày”.

Ngôi làng quạnh hiu với thiên nhiên bao la như một điểm tựa tinh thần ấy nuôi dưỡng những con người thuần hậu, nơi nhen nhóm một mối tình của hai con người trẻ tuổi dường như chẳng mong cầu gì ngoài đời sống bình lặng có nhau.

Hori Tatsuo đã viết một thứ văn tinh tế, lãng đãng giữa thơ ca và âm nhạc với những khúc dạo đầu, những chuyển điệu về nơi chốn mà chỉ cần một chiếc lá rơi, hay một tiếng đập cánh giữa rừng của loài điểu vô danh, cũng khuếch thành thứ âm vang trong tâm hồn nghệ sĩ.

Hori Tatsuo đề từ tác phẩm của mình bằng Faust của Goethe, bằng thơ Paul Valéry, nhưng bàng bạc trong tác phẩm là niềm bi cảm trước cái vô thường. Không ít lần, nhà văn diễn tả cái đột ngột: “Bỗng đâu, ngay phía trên đầu tôi, trên một nhánh cây vươn dài hầu như song song với mặt đất của một cây lãnh sam momi to lớn mà không gian bao quanh là nơi duy nhất đã tối mờ, một con bồ câu núi bên đến đỗ lại, đập cánh phành phạch vẻ như đang hoảng hốt. Và rồi, như thể cũng kinh ngạc vì sự hiện diện của tôi ở một nơi như vậy, chú chim kia lại lập tức rời khỏi cành cây ấy bay đi, trông chú dường như càng to lớn hơn trong không gian mờ tối. Tiếng đập cánh nghe nặng nề chẳng khác gì những nghĩ ngợi trong lòng tôi, còn đôi cánh thì ánh lên sắc xanh rờn rợn…” (truyện Ngôi làng thơ mộng).

Hori Tatsuo kết thúc chương truyện bằng dấu chấm lửng mang dư ba, để rồi mở ra một chương kế cũng bắt đầu trong nỗi ngỡ ngàng: “Đột nhiên, tôi nhận ra có thứ gì đó mà mình không ngờ tới, chợt lung linh rực rỡ đến chói chang dưới ánh mặt trời, như một bông hướng dương bừng nở trong khoảnh vườn nằm giữa hai khu nhà, chỗ từ cửa sổ phòng tôi nhìn trực diện. Cạnh cửa sổ của khu nhà phụ ở phía bên kia, bụi đỗ quyên đã tàn hết mùa hoa. Rốt cuộc, tôi đã nhìn thấy rõ ở vị trí ấy, một thiếu nữ đang đứng – dáng cao, gầy mảnh, đội chiếc mũ cói màu vàng…” (truyện Ngôi làng thơ mộng).

Rõ ràng, Hori Tatsuo kết thúc chương trước là không gian mờ tối, xong chuyển tiếp ngay chương sau là ánh sáng chói chang. Sự chuyển biến giữa bóng tối sang ánh sáng phản ánh chuyển biến tâm trạng của người kể chuyện, được diễn tả một cách nhẹ nhàng nhưng bất ngờ trong sự ngẫu nhiên. Tuy vậy, giữa thời khắc gặp gỡ ban đầu ấy đã tiềm ẩn một dự cảm chẳng lành: khi thấy “bông hướng dương bừng nở” thì cũng đã thấp thoáng “bụi đỗ quyên đã tàn hết mùa hoa”. Ở đây, khởi đầu và kết thúc cùng đồng hiện trong một khoảnh khắc.

Ngôi làng thơ mộng và Gió nổi lên cấu kết nhau trong không gian làng K. với mở đầu của “ngôi làng trong mơ” là mùa hè và kết thúc với “gió nổi lên” vào mùa đông. Cấu kết này còn thể hiện ở việc kết thúc thiên truyện Ngôi làng thơ mộng bằng chương “Con đường tối”, để từ đó đi sâu vào tương lai gập ghềnh, bất trắc của đôi lứa trong Gió nổi lên.

“Gió nổi lên rồi. Sống được chăng? Thôi nào, đâu có lẽ”. Câu này được lặp lại nhiều lần trong truyện Gió nổi lên như tiếng gõ cửa nhắc nhở của định mạng u tối bủa vây đôi tình nhân, như để đối ứng câu thơ của Paul Valéry (mà Hori Tatsuo lấy làm đề từ cho truyện): “Le vent se lève!… il faut tenter de vivre” (Gió nổi lên rồi!… Chúng ta phải cố sống – Lam Anh dịch).

“Chúng ta phải cố sống” trở thành lời tự động viên hàm xúc và giàu sức mạnh dành cho mỗi người, kể cả cho tác giả lẫn người đọc. Vì thế mà tuy buồn bã nhưng câu chuyện của Hori Tatsuo không hẳn là tuyệt vọng. Cả khi gần như gục ngã, các nhân vật của ông vẫn không ngừng nhắc nhở bản thân cuộc sống hữu hạn này quý giá biết bao. Trong cái cõi người hữu tử ấy, con người hãy sống, hãy yêu bằng trái tim khát khao, trong sáng.

Cũng cần nói thêm là trong phiên bản chuyển thể phim, Miyazaki Hayao đã lồng ghép tài tình các câu chuyện, các nhân vật và bối cảnh khác nhau. Ông làm phim Gió nổi – The wind rises khi Nhật Bản vừa trải qua thảm họa động đất sóng thần và con người phải đối diện với những mất mát và thử thách to lớn. Có lẽ vì thế mà truyện của Hori Tatsuo tác động đến ông, trong một tinh thần chung: dù u ám, dù nghiệt ngã, dù biết tương lai thật bất an, nhưng cuối cùng chúng ta phải tiếp tục đối diện với cuộc đời – nơi gió mãi mãi không ngừng thổi.

Huỳnh Trọng Khang
Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối