BAN CAO -
Gia đình nào có con bị hen suyễn cũng đều lo lắng, căng thẳng vì cho rằng bệnh suyễn sẽ theo trẻ suốt đời. Nhưng trên thực tế, căn bệnh này có cơ may khỏi hẳn khi lớn lên, hoặc ít nhất, người bệnh cũng có thể hoàn toàn chung sống với suyễn.
Tỷ lệ mắc bệnh cao
Môi trường ô nhiễm, nhiều bụi bẩn, là những nguyên nhân chính gây khởi phát cơn suyễn.
Hen suyễn là tình trạng các đường thở trong phổi bị viêm mạn tính và hẹp lại. Khi tiếp xúc với một số yếu tố kích thích, đường thở bị viêm và hẹp nhiều hơn, không khí đi vào phổi rất khó khăn, gây tình trạng khó thở. Nếu không được điều trị kịp thời, cơn suyễn diễn tiến nặng có thể dẫn đến tử vong. Theo Ths.BS. Lê Bình Bảo Tịnh, Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, tỷ lệ người mắc bệnh hen suyễn hiện nay đang ở mức đáng báo động, đặc biệt ở trẻ em. Một nghiên cứu cách đây khoảng 10 năm cho thấy tỷ lệ trẻ em nhiễm hen suyễn tại TPHCM lên tới 30%, còn tỷ lệ mắc hen suyễn ở người lớn khoảng 5-10%.
Có hai nguyên nhân chính gây ra bệnh hen suyễn, đó là do yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Theo bác sĩ Tịnh, khi cha hoặc mẹ có tiền sử bị bệnh suyễn thì tỷ lệ con sinh ra mắc bệnh này là 25%, còn nếu cả cha và mẹ cùng bị bệnh thì tỷ lệ này là 50%.
Môi trường ô nhiễm, tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều trẻ bị hen suyễn cũng như các bệnh về phế quản. Khi đường thở bị kích ứng bởi tình trạng nhiễm trùng hô hấp do khói bụi, không khí ô nhiễm, lông thú, phấn hoa, thời tiết hoặc thức ăn gây dị ứng… thì trẻ dễ lên cơn suyễn. “Phân của con mạt nhà thường có trong chăn, ga trải giường, lơ lửng trong không khí, là tác nhân gây dị ứng ở 80% bệnh nhân bệnh viêm mũi dị ứng, đây cũng là tác nhân thường gặp ở bệnh nhân hen suyễn, làm cho suyễn khó kiểm soát”, bác sĩ Tịnh nhấn mạnh.
Nhận diện cơn suyễn
Trẻ lên cơn suyễn có các biểu hiện chính: ho, khò khè, khó thở, nặng ngực. Khò khè là biểu hiện thường xuất hiện trong cơn hen suyễn, mặc dù biểu hiện này có ở nhiều bệnh hô hấp, mức độ khò khè thay đổi tùy theo diễn tiến của cơn hen. Với tình trạng khò khè nhẹ thì bệnh nhân phải được nghe bằng ống nghe để phát hiện. Nếu khò khè nhiều, phụ huynh có con bị suyễn có thể nghe được khi áp tai vào ngực trẻ.
“Mức độ khò khè, khó thở nói lên độ nặng của cơn suyễn. Tuy vậy, khi cơn suyễn quá nặng thì lại nghe khò khè ít đi hoặc thậm chí không có, khi đó chúng ta cần lưu ý tình trạng khó thở của trẻ”, bác sĩ Tịnh nói.
Bác sĩ Tịnh cũng cảnh báo rằng, khi trẻ lên cơn suyễn không được để ở một mình, một mình trẻ không thể tự xử lý được, và cơn suyễn có thể nặng lên bất cứ lúc nào.
Bác sĩ cho rằng cơn suyễn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, mà phần chìm của tảng băng chính là tình trạng viêm mãn tính của đường thở, chỉ cần một kích thích nhỏ như thời tiết thay đổi, nhiễm trùng hô hấp, hay dị ứng là bộc phát, nếu không phòng ngừa tốt thì sẽ thường xuyên lên cơn.
Điều trị thường... không đúng cách
Tỷ lệ người mắc bệnh hen suyễn cao, gia đình người mắc bệnh lại lo lắng vì sợ bệnh sẽ kéo dài suốt đời, nên hễ bị bệnh là vái tứ phương. Nhiều gia đình tự chữa trị bằng cách áp dụng các mẹo vặt như uống nước gừng tươi, xoa dầu mù tạt, uống trà/sữa tỏi…
Trên một trang mạng xã hội, một “chuyên gia” còn chỉ cách trị hen suyễn bằng cách đắp thuốc vào gan bàn chân mỗi tối. Nguy hiểm hơn, trong quá trình điều trị, nhiều phụ huynh tự cho trẻ dừng thuốc dự phòng khi thấy bé có dấu hiệu đỡ hẳn. Chị Nguyễn Phan Mai, nhà ở quận Tân Bình cho biết chị từng cho bé dừng uống thuốc khi mới được hơn hai tháng điều trị, trong khi bác sĩ chỉ định dùng thuốc trong sáu tháng. “Cho bé uống thuốc hoài thì xót, sợ nhiều tác dụng phụ, nên mình dừng hẳn”, chị nói.
Tháng trước, con chị Mai đã lên cơn khó thở, tím tái, phải đi cấp cứu trong khi đang chơi đùa với các anh chị em. “Nếu không đưa đi cấp cứu kịp thời có lẽ tôi sẽ hối hận suốt đời”, chị Mai chia sẻ.
Sống chung với suyễn
Bác sĩ Tịnh cho biết với các loại thuốc hiện thời, có thể kiểm soát bệnh hen suyễn hoàn toàn, quan trọng là bệnh nhân phải biết cách chung sống với suyễn.
Chung sống ở đây là phải biết cách phòng tránh lên cơn hen suyễn và biết xử trí nếu bị lên cơn. Tránh các yếu tố làm khởi phát cơn suyễn, xịt hoặc uống thuốc phòng ngừa hen đều đặn khi có chỉ định điều trị. Luôn mang theo thuốc cắt cơn bên mình, để khi lên cơn có thể xử lý kịp thời, vì mỗi lần lên cơn hen suyễn là mỗi lần tính mạng của bệnh nhân bị đe dọa.
Tùy thể trạng bệnh nhân và độ nặng cơn hen suyễn, với cơn suyễn nhẹ, cơn trung bình sau khi điều trị 3-5 ngày, nặng hơn 7-14 ngày là đã có thể phục hồi. Các loại thuốc hiện thời chữa cơn hen suyễn cấp khá hiệu quả, giúp hầu hết các cơn cấp đều điều trị khỏi. Tuy nhiên, không được chủ quan, vì hiện vẫn có trường hợp tử vong.
Một tin đáng mừng cho các bậc phụ huynh là trẻ mắc hen suyễn có thể sẽ hết hẳn khi lớn lên. Tỷ lệ này thay đổi khác nhau ở mỗi nghiên cứu, khoảng 30-40% trẻ mắc bệnh hen lớn lên sẽ khỏi hẳn (không còn khò khè và lên cơn suyễn) nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách.
Nói về tình trạng tự điều trị của nhiều cha mẹ, bác sĩ Tịnh cho biết hiện các loại thuốc dự phòng hầu như không gây tác dụng phụ, ngược lại rất hiệu quả trong việc ngăn chặn cơn hen suyễn, như corticoid dạng hít định liều, dạng thuốc tác dụng chủ yếu tại phổi, lượng thuốc vào máu rất ít, tối giản các tác dụng phụ. “Bệnh nhi hen suyễn nếu được chăm sóc và điều trị dự phòng đúng, sẽ có cuộc sống như trẻ bình thường”, bác sĩ Tịnh nhấn mạnh.
[box type="bio"] Cần vệ sinh nơi ở sạch sẽ, kiểm soát các yếu tố gây dị ứng trong không khí như khói bụi, lông thú…, giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi, tránh hoạt động gắng sức cũng như cẩn trọng khi lựa chọn thức ăn cho người bị suyễn. Thuốc dự phòng hen cần được sử dụng trong thời gian dài, không nên tự ý ngưng thuốc khi đã cảm thấy khỏe mạnh. Bên cạnh đó, luôn mang theo thuốc cắt cơn bên mình.[/box]
Còn với các loại thuốc Đông y, thảo dược, hay các mẹo dân gian, hiện vẫn cần có chứng cứ khoa học để chứng minh rằng có thể trị hen suyễn hoàn toàn. Và nếu sử dụng không có chỉ định của thầy thuốc, cũng sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe. “Khi thử bất cứ một loại thuốc nào, cần biết chắc thành phần, tác dụng của thuốc, cũng như các tác dụng phụ của nó. Phụ huynh không thể nghe quảng cáo hoặc tư vấn trên mạng mà tự ý sử dụng”, bác sĩ Tịnh cảnh báo.