KHÁNH CHƯƠNG -
Ở Sài Gòn, những chiếc máy cát xét (cassette) của thời xưa cũ tưởng như đã mất hút đâu đó như một món hàng phế thải lại được “sống” khi trào lưu nghe nhạc từ thiết bị này được không ít người quan tâm.
Không khó tìm
Từ những năm đầu của thập niên 1980, đĩa CD ra đời. Âm nhạc kỹ thuật số trau chuốt, thiết bị dáng hình hiện đại khiến những âm thanh gần gũi, mộc mạc từ cassette dần chìm vào quên lãng. Rồi cứ thế công nghệ phát triển, đĩa CD tiếp tục bị các thiết bị khác lấn sân và chiếm chỗ. Thậm chí, ngoài những người thuộc giới chuyên môn đang sử dụng các thiết bị hi-end chuyên biệt, đa số người dùng nghe nhạc chỉ còn thưởng thức âm nhạc ngay trên nền tảng Internet, qua các thiết bị di động.
Tuy nhiên, cũng như đĩa than, băng cối, phong trào sử dụng băng từ và máy cassette bắt đầu hồi sinh trong những năm gần đây ở Sài Gòn. Anh Văn Thanh Hùng (Gò Vấp), người có nhiều năm kinh nghiệm lắp ráp, mua bán các thiết bị âm thanh “xưa cũ” khẳng định, nguồn gốc phong trào này bắt đầu từ những tay đầu nậu buôn đồ cũ ở Campuchia về. Trước đó, phong trào sưu tầm, thưởng thức đĩa than, đĩa cối đã lên cao.
Theo anh Hùng, nhiều người đi buôn hàng container về, máy cassette chỉ như món hàng bán kèm giá rẻ. Đến khi một số người nghe lại, cảm thấy hay rồi truyền tai nhau. Những lời đồn thổi cũng tăng dần, giá trị sưu tầm và giá cả cũng nâng lên. Thú chơi cassette dần nở rộ. Ban đầu, người ta tìm các dòng máy tự hành (máy xách tay, có sẵn đầu phát, loa, âm ly bên trong), sau đó tìm thêm đầu câm (cassette deck – thiết bị đầu phát).
Anh Ngọc Thanh, một tay sưu tầm băng từ ở quận 1 giải thích thêm, từ những năm 1965, Việt Nam nhập về chủ yếu là các dòng máy cassette tự hành chỉ có loại một loa, kèm theo đài radio dùng để nghe mono (âm thanh đơn kênh, đơn loa). Sau đó có loại hai loa để nghe âm stereo (nghe hi-fi, âm thanh nổi). Nói chung, máy tự hành gọn nhẹ, tiện lợi nhưng nghe nhạc thì không hay. Loại này chỉ có giá trị sưu tầm hoặc để học trò học Anh văn, có thể tìm thấy dễ dàng ngoài các khu chợ bán thiết bị điện tử của Sài Gòn.
Để đáp ứng nhu cầu nghe nhạc, khoảng những năm 80, các hãng cassette sản xuất đầu câm (phải có thêm âm ly và loa mới nghe hát được). “10 năm trước, đầu câm bị vứt bỏ thì giờ có giá trị lại. Hàng tồn kho bên Nhật Bản về, có những đầu còn chưa qua sử dụng đang hình thành nên nhu cầu mua bán, trao đổi khá sôi động”, anh Thanh nói.
Cuộc chơi của “gu riêng”
Theo những người chơi, với cassette tự hành, khâu âm thanh không được chú trọng nhiều bằng yếu tố hoài niệm. Nhưng với những người có nhu cầu thưởng thức âm nhạc, ngoài âm ly và loa, đầu câm trở thành đề tài trao đổi sôi động nhất. Dạo qua các trang mạng về âm thanh cổ, hầu hết mỗi trang đều có hẳn một diễn đàn chuyên dành cho mục mua bán hoặc trao đổi thông tin. Khi phong trào sử dụng máy cassette rầm rộ, không ít các cuộc tranh luận đã diễn ra nhằm so sánh cả gu âm nhạc giữa băng cassette với băng cối.
Nhiều người chơi nhạc cho biết so với âm thanh kỹ thuật số (digital), âm analogue mộc mạc, giọng hát của ca sĩ bao trùm lên nhạc đệm. Đây là kiểu chơi của sự hoài cổ. Theo anh Hữu Minh (quận 8), một thành viên trên các diễn đàn mua bán đầu từ cassette thì hiện nay, việc nhập các đầu từ về Việt Nam đang tăng nhanh. Đây là một thuận lợi cho việc tìm lại âm thanh analogue cho người chơi.
Anh Minh cho rằng, băng cối tiếng “dày”, nghe nhạc vàng “phê” hơn nhưng phụ kiện thì quá tốn kém, nguồn băng nhạc ít nên giá thành cao. Trong khi đó, đầu cassette có giá thành rẻ, thông dụng và dễ chơi hơn. “Đầu cassette loại xịn thì nghe cũng chẳng thua gì đầu băng cối. Nên với các anh em vừa mới làm quen dòng nhạc analogue thì nên chơi cassette”.
[box type="download"] Một vài lưu ý Chủ cửa hàng điện tử T.B trên đường Nguyễn Kim, quận 10 cho biết, vì là máy đã qua sử dụng, nên cũng cần kiểm tra kỹ các chi tiết trước khi mua. Theo tư vấn của ông, khi mua phải nhìn bên trong máy và hộc băng, nếu thấy sạch sẽ, ít bụi là được. Kế đó, người mua cần kiểm tra các nút bấm điện tử xem độ nhạy của nút. Đối với các nút cơ (dùng tay ấn) thì khi ấn xuống phải nhẹ.
Với hệ thống truyền động như mở nắp hộc băng, di chuyển đầu từ phải còn hoạt động tốt, không khô dầu. Các đầu cắm ngõ ra không rè hay nhiễu, mất tín hiệu. Đối với các máy có kèm đĩa, mp3; hệ thống đèn LED hay màn hình hiển thị phải đang hoạt động tốt. “Khi kiểm tra, bạn nên chơi thử vài băng để nghe âm thanh có bị “nhão”, nhiễu tiếng hay không. Máy chạy êm, không “lọc cọc”, không rối băng là đạt yêu cầu”, ông nói.[/box]
Còn với cô gái Minh Ánh, một bạn trẻ 9X nhưng cũng có “thâm niên” chơi dòng máy này cho biết, nếu không cần hàng đắt tiền nhưng vẫn mang lại cảm xúc chân thật và gần gũi, không quá chú trọng chi tiết kỹ thuật mà chỉ muốn thả hồn theo từng lời ca sĩ hát, thì một cassette deck là lựa chọn ưng ý. Minh Ánh tiết lộ, cô đã từng tốn không biết bao “học phí” để đuổi theo những thương hiệu lớn của đầu đĩa digital, mong được thưởng thức chất lượng âm thanh đỉnh cao. Chỉ đến khi được nghe lóm chất âm trầm, dịu, ngọt ngào từ đầu câm hiệu Nakamichi, cô mới tìm thấy điểm dừng.
Mua của người chán, bán cho kẻ thèm
Đánh giá về thú chơi hiện tại, anh Thanh cho rằng dân chơi cassette bây giờ chơi theo kiểu hoài cổ chứ không hẳn là một thú sưu tầm. Loại tự hành thì mang ý nghĩa trưng bày. Muốn nghe thì người dùng phải “chơi” nguyên bộ dàn gồm loa, âm ly, đầu phát. Theo anh, đẳng cấp của cassette có đầu phát gồm hai phần chính là đầu từ và bộ cơ. Xếp theo thứ tự, cao cấp nhất là loại đầu từ kim cương, sau đến đầu từ kiếng, đầu từ sắt, đầu từ than. Loại đầu từ than giá trị thấp nhất vì mau mòn, xài chừng 1.000 lượt quay thì bắt đầu hỏng. Loại này được dùng phổ biến trong các máy cassette tự hành.
Anh Thanh tư vấn thêm, trên thị trường hiện có các loại máy cassette 1-3 đầu từ. Nếu muốn tự thu, tự nghe thì nên dùng loại 3 đầu từ vì tính tiện lợi trong việc kiểm tra cũng như đảm bảo chất lượng thu-phát. Bộ động cơ tuy không quyết định chất lượng âm cực kỳ quan trọng vì nó liên quan đến việc vận hành băng, máy. Trước đây có loại cơ học tự nhiên. sau này có bộ cơ điện tử. Người dùng nên chọn loại có motor cuốn băng riêng để vận hành dàn cơ hơn là chọn loại cơ khí thuần túy.
Các “tay chơi” trong lĩnh vực này cho rằng, đầu phát về tới Việt Nam thường là thượng vàng hạ cám. Do đó, ngoài chức năng, thương hiệu uy tín (Nakamichi, Teac, Sony, Pioneer...), khi mua, người dùng cần kiểm tra thông tin về đặc tính, tình trạng của máy. Quan trọng hơn là phải thử máy, coi máy trước khi mua, không nên mua “mù” qua mạng.
Thiết bị âm thanh cổ chủ yếu mua bán trên mạng vì tốn diện tích trưng bày mà chỉ phục vụ cho một bộ phận nhỏ người dùng. Hiện có những trang mạng lớn mà người dùng có thể tham khảo như trang Nghe nhìn Việt Nam, Phố mua bán, ebay...
[box] Băng cassette có nhiều chuẩn, thông dụng nhất là băng C60 (30 phút âm thanh mỗi mặt), C90 (45 phút mỗi mặt)… Ngày trước, hai thương hiệu của Sony, Maxel là khá quen thuộc với người dùng.
Loại băng trắng cassette đã ngừng sản xuất nhưng so với băng cối, nguồn băng cũng còn khá nhiều. Băng trắng khoảng 30.000-100.000 đồng/băng. Đối với loại “một nước” (ghi âm 1 lần) có giá khoảng 10.000-30.000 đồng/băng. Trên các diễn đàn hiện có dịch vụ bán băng kèm ghi âm khoảng 50.000 đồng/băng.[/box]
Chia sẻ thêm kinh nghiệm về giá cả, anh Thanh cho rằng mặc dù dân chơi tự đánh giá để đưa ra một mức giá chung nhưng đôi khi vẫn gặp được giá hời bất ngờ. “Vì là thú chơi nên người ta mua từ người chán bán lại cho kẻ thèm để kiếm lời. Có người chán không muốn chơi nữa thì bán rẻ hoặc biếu không cho anh em, bạn bè. Nói chung giá đầu câm có thể 5-7 triệu đồng/bộ hoặc cao hơn nữa. Với người có nhu cầu tầm trung, chỉ 2 triệu đồng là có thể mua được đầu máy tốt”, anh nói.
Đối với dòng máy tự hành, hàng mới có thể tìm thấy ở các siêu thị điện máy, tầm giá 1-3 triệu đồng/máy. Với mặt hàng cũ, khảo sát tại chợ Nhật Tảo (TPHCM), giá dao động từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng/máy.