Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Sống xanh bằng cách mang tinh thần “zero waste” đi du lịch

(SGTTO) - Không xả rác và không dùng đồ có hại cho môi trường là những tiêu chí của lối sống xanh, hay còn gọi là lối sống không rác thải (zero waste). Lối sống này đang dần phổ biến trong giới trẻ hiện nay, kể cả khi đi du lịch.

Lối sống zero waste từ lâu đã trở thành trào lưu trên thế giới và được biết đến ở Việt Nam thời gian gần đây. Có nhiều khái niệm về lối sống này, chủ yếu hướng tới giảm thiểu lượng rác thải, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có khả năng tái chế và khó phân hủy như nhựa hay ni lông, góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường và sức khỏe của con người. Thay vào đó, chúng ta có thể dùng các sản phẩm hữu cơ hay từ vật liệu tái chế được.

Zero waste khi đi du lịch cần linh hoạt

Lối sống zero waste được xây dựng để ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày. Bạn có thể thay thế đồ nhựa bằng chất liệu thủy tinh, inox, mây tre lá; hạn chế dùng khăn giấy, khăn ướt; dùng hộp bã mía tự phân hủy thay cho hộp xốp, hộp nhựa; dùng túi vải, túi lưới, túi rác tự phân hủy thay vì bao ni lông…

Một số vật dụng thay thế đồ nhựa có thể mang theo khi đi du lịch. Ảnh: Thuý An

Nhưng khi đi du lịch, nếu áp dụng đúng theo nguyên tắc của lối sống zero waste, nhiều người sẽ thấy khá bất tiện. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, nhân viên của một công ty truyền thông tại quận 1, TPHCM, cho biết: “Tôi có nghe nói về zero waste và cũng đang cố gắng thực hiện lối sống này. Tuy nhiên, nếu áp dụng zero waste vào các chuyến du lịch, tôi thấy khó thực hiện. Hành lý mang theo trong các chuyến đi thường càng gọn nhẹ càng tốt". Theo chị, những đồ dùng hữu cơ hay tái chế được lại quá nặng, chưa kể hành lý sẽ vượt quá trọng lượng quy định khi đi nước ngoài. Hơn nữa, các sản phẩm bảo vệ môi trường có giá khá đắt, không phải ai cũng mua được.

Tương tự, chị Nguyễn Lê Đông An – chủ quán cà phê B&A ở quận 2, kể rằng: “Thường tôi không đi du lịch một mình mà đi theo tour. Đến lúc ăn trưa hay ăn tối, mình phải theo sự sắp xếp của đoàn". Cả đoàn mua thức ăn, thức uống đựng trong hộp xốp, ly nhựa, dùng ống hút, muỗng nhựa, bao ni lông thì chị cũng phải làm theo. Nếu lấy bộ đồ ăn riêng ra sử dụng, mọi người sẽ phản ứng.

Đối với các bạn trẻ, lối sống zero waste đã và đang tác động tốt đến ý thức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, với nhiều người, khi đi du lịch, ý thức ấy chỉ dừng lại ở việc không xả rác bừa bãi. “Đi chơi mà lúc nào cũng phải lưu ý nên làm những gì và không nên làm gì để bảo vệ môi trường thì sẽ mất vui và gây khó chịu. Mọi người chỉ nhắc nhở nhau không xả rác mà thôi”, bạn Bùi Thủy Tiên, sinh viên trường Đại học Kinh Tế TPHCM, nhận xét.

Do đó, nhiều người đã chuyển sang áp dụng linh hoạt lối sống này trên hành trình của mình. Giải pháp là chủ động mang theo vật dụng tái sử dụng nhiều lần như bình nước cá nhân loại gọn nhẹ, ly giấy gấp gọn, khăn vải; ba lô gấp gọn, túi vải khi đi mua sắm; hạn chế mua đồ ăn mang theo mà ngồi ăn tại chỗ; tự đem theo hóa mỹ phẩm và không mua những túi dầu gội mini dùng một lần...

Chỉ cần có tinh thần zero waste

Hiện nay, các cửa hàng bán đồ dùng theo lối sống zero waste ở Việt Nam ngày một nhiều. Người dùng cũng bắt đầu quen với các sản phẩm làm từ vật liệu bền vững, dễ phân hủy sinh học như bã mía, sợi tre, sợi rơm, gỗ tái chế, thủy tinh, inox… Hành lý mang theo khi đi du lịch bắt đầu xuất hiện những món đồ zero waste. Tùy vào khả năng của mỗi người mà quyết định thực hiện lối sống zero waste ở mức độ nào.

Ống hút kim loại được nhiều người lựa chọn khi đi du lịch. Ảnh: Thuý An

Blogger du lịch Lý Thành Cơ cho biết bản thân không cứng nhắc khi áp dụng lối sống zero waste trong các chuyến đi, vì trong một số trường hợp vẫn cần dùng đồ nhựa. "Hành trang du lịch của tôi luôn mang theo ống hút kim loại, túi vải tote nên phần nào hạn chế bớt việc dùng đồ nhựa”, anh nói.

Blogger này cho rằng việc hạn chế dùng đồ nhựa, túi ni lông còn tùy vào thói quen của người dân tại nơi đến. Chẳng hạn, vào siêu thị ở châu Âu, anh phải tự mang theo túi, nếu cần túi ni lông thì phải trả thêm tiền nhằm hạn chế rác có hại. Các nhà hàng thường không cung cấp ống hút trừ khi khách yêu cầu. Nhưng không phải quốc gia phát triển nào cũng như vậy, chẳng hạn người dân Nhật Bản vẫn giữ thói quen dùng túi ni lông nhiều. "Bạn phải nhập gia tùy tục", anh chia sẻ.

Chị Nguyễn Ngọc, một người đã đi phượt khá nhiều nơi ở Việt Nam, cũng là người thực hành lối sống không rác thải. Chị và nhóm bạn hiểu rõ và luôn nhớ để thực hiện trong khả năng của mình. Dù vậy, chị cho biết: “Có lần, tôi mang theo chai nước bằng thủy tinh đi phượt và bị bể dọc đường. Trong những chuyến hành trình vẫn phải dùng các chai nhựa để đựng xăng và nước dự trữ". Do đó, dù luôn hạn chế đồ nhựa nhưng theo chị là không thể hoàn toàn.

Hiện nay, một bộ phận du khách có xu hướng ủng hộ các hoạt động thân thiện với môi trường, do đó, họ sẵn sàng chi thêm để sử dụng dịch vụ tại nơi có những biện pháp cụ thể để bảo vệ môi trường. Chị Nguyễn Lê Đông An khẳng định: "Tôi sẵn sàng trả giá cao hơn một chút để mua ly nước hay hộp đựng thức ăn làm từ vật liệu tái chế ở nơi lưu trú mà không thấy tiếc chút nào. Tôi hiểu sự cần thiết phải làm như vậy".

Sự phát triển của lối sống zero waste

Phòng trào zero waste chính thức phổ biến trên thế giới vào những năm cuối thập niên 90. Đến năm 2009, phong trào về lối sống zero waste nổi lên như một hiện tượng.

Ngày nay, phong trào tiếp tục phát triển trong giới trẻ trên toàn thế giới dưới sự điều hành của tổ chức Zero Waste Youth (Brazil) và đã lan sang Argentina, Puerto Rico, Mexico, Mỹ và Nga. Tổ chức này được nhân rộng với các đại sứ tình nguyện ở địa phương.

Thế hệ Millennials (những người sinh từ năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) chính là thế hệ tạo nên rất nhiều bước ngoặt so với 2 thế hệ tiền nhiệm X (những người sinh năm 1965-1980) và Baby Boomers (những người sinh năm 1946-1964) trong trào lưu zero waste với tiếng nói và sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất.

Quỳnh Châu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối