Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Sống xanh trong mắt tôi

Một lối sống tích cực, đơn giản, thân thiện với môi trường là điều mà nhiều bạn trẻ đang theo đuổi. Họ bắt đầu từ những việc cụ thể trong công việc của mình, cố gắng duy trì những việc nhỏ mà có ích cho môi trường sống. Bằng cách đó, những người trẻ đang chuyển đến cộng đồng của mình một thông điệp là bảo vệ môi trường cần sự tự giác, sự kiên trì và sự chung tay của mọi người và hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.

Nói “không” với đồ nhựa sử dụng một lần

Trần Thị Quyên – cô chủ nhà hàng chay The Organik House – đã nói không với việc sử dụng đồ nhựa, đặc biệt là đồ nhựa sử dụng một lần trong các dịch vụ của nhà hàng từ khi mới khai trương. Quyên cho biết việc thay thế thói quen dùng các sản phẩm từ nhựa như chén, dĩa, muỗng ,đũa, ống hút, bao nilon hay ngay cả hộp xốp dùng một lần là một quá trình nỗ lực bền bỉ. Bởi vì trên thực tế, các loại đồ dùng được làm từ bã mía, bột tre, mo cau, cỏ bàng mây, cói… hay đồ dùng chăm sóc cá nhân, vật dụng gia đình với thành phần 100% từ thiên nhiên, dẫu được khuyến khích sử dụng vì tính thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe thì vẫn chưa thực sự phổ biến với đại đa số người dân.

Theo Quyên, ý thức bảo vệ tự nhiên thường bắt đầu từ những hành động nhỏ mà thiết thực, như không xả rác bừa bãi, không dùng quá nhiều túi nilon… Việc bỏ đi sự thuận tiện dễ dàng trong vận hành và tăng chi phí đối với một tổ chức là vấn đề không hề nhỏ. “Tuy nhiên, với cái tâm hướng xanh vì tương lai xanh của những thế hệ tiếp nối, tôi sẽ luôn sống đúng mục tiêu sống thân thiện với môi trường của mình”, Quyên nói.

The Organik House của Quyên chỉ phục vụ món chay vì cô muốn nói với thực khách của mình đồ ăn chay vẫn ngon, vẫn đủ dinh dưỡng, khỏe người. Bản thân cô cũng rất kỹ lưỡng trong việc lựa chọn nguồn gốc thực phẩm, từ mô hình trồng trọt đến cả nguồn giống cây trồng và nói không với thực phẩm biến đổi gen. Không chỉ dừng lại ở mảng ẩm thực, The Organik House có thêm dự án Go Eco với mong muốn truyền cảm hứng sống thân thiện và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng.

Trở thành nhà tự nhiên học của con

Nữ nhà văn Trương Huỳnh Như Trân cho rằng sống xanh không chỉ là bảo vệ môi trường, sức khỏe thể chất con người mà còn hàm ý đến tâm hồn. Nghĩ thuần phác, làm thuần hậu, không gút mắc trách giận và làm tổn hại tới người khác - đó là sống xanh.

Cô nói: “Những bữa cơm gia đình tôi cũng lựa chọn thực phẩm thuận tự nhiên dù điều kiện sống ở thành phố không phải lúc nào cũng được như ý muốn. Nhưng từ lúc có con, tôi càng quyết tâm thực hiện lối sống này, vì sức khỏe con gái là mối quan tâm hàng đầu của tôi. Bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ gia đình mình”.

Như Trân cho biết cô kể những câu chuyện thời thơ ấu đã sống trên đồng ruộng, thương từ cái cây ngọn cỏ, chơi với chó mèo gà vịt và cả cào cào châu chấu… để con có cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Cô biến sân thượng nhà mình thành một khu vườn thu nhỏ với đủ loại cây, rau. Mỗi buổi sáng và chiều cô dẫn con ra tưới nước, kể chuyện về từng loài cây, chỉ cho con từng nụ hoa đang kết trái. Mưa dầm thấm lâu, tự nhiên con cũng có lòng yêu mến thiên nhiên, thương quý cây cỏ, động vật.

Trân khuyến khích con cùng đi bộ hoặc mỗi sáng Chủ nhật ngồi sau yên xe đạp cho mẹ chở tới quán cà phê, thay vì đi xe máy. Những bữa cơm, Trân luôn kể với bé rằng món bé ăn được làm từ gì, và mẹ đã chọn thực phẩm sạch như thế nào. Với bé, mẹ là “chuyên gia thực phẩm sạch”, nhà “cây học”, “động vật học”.

“Đừng nói tôi sẽ, mà hãy làm luôn”

Hai mươi sáu tuổi và là Giám đốc Công ty Hệ thống rau khí thủy canh, Đoàn Như Thành tiết lộ rất tâm đắc với câu nói: “Đừng nói tôi sẽ, mà hãy làm luôn”. Khi bắt đầu nhận thức được thế giới mình đang sống bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt và không bền vững, Thành đã quyết định bắt đầu một cuộc hành trình thay thế lối sống ô nhiễm của mình thông qua những hành động, thói quen đơn giản hằng ngày.

Dự án rau khí thủy canh ra đời như một cách khẳng định rằng có thể kiểm soát hoàn toàn được vấn đề an toàn thực phẩm, rằng trồng được rau củ tươi ngon, đầy dinh dưỡng mà không gây hại gì cho môi trường. Lý do là tất cả thành phần dinh dưỡng nuôi cây hoàn toàn là dung dịch hữu cơ, kể cả thuốc diệt sâu cũng làm từ hỗn hợp gừng, tỏi và ớt.

Bên cạnh đó, áp dụng việc trồng rau khí thủy canh trên trụ đứng không cần đất lại tận dụng được những không gian sẵn có như sân thượng, lan can, thậm chí trong phòng tạo được cảnh quan và không gian xanh cho ngôi nhà.

Vậy là có thể né được hàng chục triệu tấn chất thải chăn nuôi, chất thải trồng trọt xả ra môi trường mỗi ngày. Việc lựa chọn ăn thực phẩm được trồng theo lối canh tác thuận tự nhiên không những giúp chúng ta có cuộc sống lành mạnh, đảm bảo sức khỏe mà còn góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

“Ngoài việc tự cung cấp rau sạch cho gia đình, tôi còn khuyến khích người thân có thói quen sử dụng các đồ làm thủ công làm từ các nguyên liệu thiên nhiên. Gia đình tôi cũng sử dụng đèn compact, không sử dụng máy điều hòa để tiết kiệm năng lượng. Tôi nghĩ nếu hệ thống điện năng lượng mặt trời có giá rẻ thì chắc chắn gia đình tôi sẽ dùng ngay và vận động nhiều người khác. Tuy nhiên, hiện nay giá hệ thống này còn khá cao”, Thành chia sẻ.

Không dùng túi nilon – chuyện nhỏ

Việc không dùng túi nilon tưởng khó mà dễ. Chị Nguyễn Thị Lý, 32 tuổi, nhà ở Đồng Nai cũng đã bỏ hẳn thói quen dùng túi nilon từ hơn một năm nay. Chị kể: “Trước đây dù biết là không tốt nhưng thấy tiện nên cứ dùng. Bây giờ tôi chuyển hẳn qua dùng túi cói. Mỗi khi đi mua thực phẩm, tôi mang sẵn mấy miếng vải sáp ong để nhờ người bán gói vào. Thịt, rau đựng bằng giấy cho vào túi cói cũng sạch sẽ, gọn gàng và dễ dàng xách hơn là túi nilon”.
Giới trẻ cũng chuộng túi mới này không chỉ vì sự tiện dụng mà còn nhờ tính thân thiện với môi trường. Thúy Quỳnh, 22 tuổi, kể: “Mỗi lần đi chợ tôi đều chìa túi vải ra trước mặt người bán để họ khỏi phải dùng túi nilon. Ban đầu, ai cũng nhìn tôi ngạc nhiên, họ không biết vì sao tôi kỳ thị túi nilon như vậy. Sau khi nghe tôi giải thích về việc bảo vệ môi trường, mọi người đều vui vẻ ủng hộ”.

Một loại túi thân thiện với môi trường.

Có cầu, ắt có cung. Túi không phải là nilon bây giờ nhiều đến bất ngờ. Linh Nhi, chủ cửa hàng 3T, chuyên bán các loại túi vải may từ vải vụn, cho biết một chiếc túi vải có thể đựng được rất nhiều thứ, lại gấp gọn được để mang theo nên rất được ưa chuộng. Những quán cà phê, trà sữa hay rạp chiếu phim cũng sử dụng túi vải như một món quà khuyến mãi cho khách hàng để khuyến khích các bạn trẻ sống xanh và bảo vệ môi trường. Trên thị trường, các loại túi thân thiện với môi trường được bán khá nhiều trên các cửa hàng trực tuyến.
Đinh Hoàng Giang, chủ cửa hàng Clever Changes, cho biết Clever Changes chuyên trị các loại túi được làm từ vải sáp ong, không hóa chất độc hại, có thể giặt rửa và sử dụng nhiều lần. Ngoài ra, cửa hàng còn bán vải sáp ong để thay thế màng bọc nilon bọc thực phẩm trong tủ lạnh và mang đi, tiện lợi vào dịp tết vì nhiều thực phẩm cần được bảo quản khi phải sử dụng nhiều lần.

Hoàng Giang giới thiệu vải sáp ong được làm hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên và có thể tái chế và có thể làm mới vải sáp ong bằng cách phơi dưới ánh nắng mặt trời trong vòng một tiếng. Nhưng vải sáp ong được khuyến cáo không dùng trực tiếp với thịt tươi sống, trái cây có tính axit cao. Không riêng gì Giang, Nguyễn Nhật Hải, chủ cửa hàng Túi Changes – nơi bán các loại túi làm từ vải không dệt, túi cói, túi đay, túi lục bình – cũng có chung những suy nghĩ tiến bộ như thế. Theo Hải, vải không dệt được thiết kế có vòng đời ngắn, thời gian tiêu hủy từ 2 đến 3 năm. Khi sử dụng, vải bền với độ đàn hồi, dai, căng và mềm mại, thích hợp đi chợ hoặc siêu thị. Bên cạnh đó, các loại túi đan từ đay, cói, lục bình được khách hàng ưa chuộng bởi những đặc tính làm hoàn toàn từ chất liệu tự nhiên, bền, có tính thời trang, có khả năng tự phân hủy và in ấn dễ dàng.

Ở GreenLand chuyên may các loại túi vải, cô chủ Vân Anh giới thiệu mẫu túi Bento Bag – được thiết kế dựa trên văn hóa dùng túi gấp Furoshiki của Nhật Bản. Loại túi này được may từ vải thô mềm, không sờn ráp. Ứng dụng nghệ thuật gấp giấy Origami của Nhật vào vải, túi Bento được may từ hai hình tam giác cân, xếp góc ngay ngắn và may chặn các đường nối để túi có thể đựng nhiều đồ nhất mà không lo rơi. Quai túi để mở, khách hàng có thể buộc quai ở độ dài tùy với mục đích sử dụng. Vân Anh cho hay đó là cách cô và các đồng nghiệp tham gia vào cuộc hành trình mang tên sống xanh bảo vệ môi trường hiện nay.

Võ Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối