Thứ năm, Tháng Một 23, 2025

“Stress” gây hại cho sức khỏe như thế nào?

Cuộc sống hiện nay gây quá nhiều áp lực cho con người. Buổi sáng mở mắt ra là không biết bao nhiêu căng thẳng bao trùm. Sống trong trạng thái “stress” như vậy, chúng ta sẽ đánh mất chất lượng cuộc sống và bệnh tật không sớm thì muộn sẽ ùa về, tấn công cơ thể của chúng ta, đôi khi rất tàn bạo, không lường trước được!

Các chuyên gia phân ra làm ba loại stress. Stress tốt (good stress), stress chịu được (tolerable stress) và stress xấu (toxic stress). Trong bài viết này chúng tôi chỉ nêu lên cơ chế tổng quát của stress gây hại cho cơ thể (toxic stress); những bài viết tiếp theo sẽ nói về hai dạng stress kia, cùng các chứng bệnh liên quan, cũng như cách phòng tránh và điều trị.

Chúng ta có thể hiểu cơ chế của stress theo một ví dụ kinh điển sau đây:

Trong quá khứ, khi gặp một con hổ dữ, ai cũng rất sợ hãi vì đứng trước vấn đề sinh tử, phải quyết định bỏ chạy hay tấn công con hổ (fight or flight response). Bất cứ chọn quyết định nào cơ thể cũng phải tiết các nội tiết tố đặc biệt, kích thích toàn bộ cơ thể tạo ra năng lượng cao đến cực điểm cho các hoạt động chống lại stress: hệ thần kinh tự động sẽ tăng cường hoạt động làm hơi thở nhanh và nông để tăng cường lượng oxy cho cơ thể. Các nội tiết tố của tuyến thượng thận như Cortisol được tiết ra sẽ giúp chuyển hóa lượng glycogen dự trữ trong gan thành glucose và chuyển vào máu để tăng thêm năng lượng hoạt động cho toàn bộ cơ quan tạng phủ; Adrenalin và Noradrenalin cũng được tiết ra để tăng cường nhịp tim, tăng huyết áp nhằm mục đích đưa thật nhiều máu đến hệ cân cơ. Hiện tượng co mạch, giảm lượng máu đến cơ quan tiêu hóa nhằm mục đích dồn thêm máu cho não và hệ cân cơ. Nhiều loại nội tiết tố tham gia kháng stress phức tạp khác nữa được tiết ra, đặc biệt từ hệ thống trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận. Tất cả các hoạt động này của cơ thể nhằm một mục đích duy nhất để sống sót trước con hổ dữ.

Có hai trường hợp xảy ra: (1) người đó bị con hổ ăn thịt, chuyện sẽ chấm dứt tại đây không còn gì để bàn cãi; (2) người đó đánh thắng con hổ hoặc bỏ chạy và thoát được sự tấn công của con hổ. Trong trường hợp sau, tất cả năng lượng mà cơ thể đã chuẩn bị chống lại stress nói trên được sử dụng hết. Các nội tiết tố chống stress đã tiết ra, được sử dụng và trung hòa hoàn toàn; hoạt động của tất cả cơ quan tạng phủ trở về lại trạng thái bình thường. Người ấy sau khi thoát chết sẽ có cảm giác bình an, thư thái vì căng thẳng đã được giải tỏa.

Bối cảnh nêu trên là một stress gây sợ hãi khủng khiếp, nhưng khởi đầu và kết thúc trọn vẹn, nếu cá nhân ấy còn sống. Cuộc sống hiện nay chúng ta không gặp hổ dữ, nhưng lại thường gặp những tác nhân gây stress khác. Ví dụ trong gia đình, vợ chồng không tin tưởng, nghi kỵ lẫn nhau, áp lực về kinh tế, con cái, bà con nội-ngoại... Trong cơ quan, ông (bà) sếp khó tính, độc đoán; bạn đồng nghiệp xấu, cạnh tranh, ganh tỵ lẫn nhau; áp lực công việc cao... Ngoài xã hội thì áp lực về học hành, địa vị, chức tước; áp lực phải có nhiều tiền, phải giàu sang cho bằng người ta...

Nhiều và còn nhiều nữa những áp lực trong cuộc sống, không thể kể hết. Chúng có thể là những stress với cường độ dữ dội (con hổ vô hình) hay trung bình hoặc nhẹ. Tuy nhiên, những stress dạng này chúng ta không thể giải quyết nhanh gọn, rốt ráo được, mà chúng kéo dài ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm nay qua năm khác. Thậm chí có những stress kéo dài đến hàng chục năm, đôi khi đến tận cuối đời cũng không giải quyết được.

Phải nhớ rằng khi chạm trán với những stress như trên, tùy mức độ và thời gian, trong cơ thể của chúng ta cũng lặp lại những phản ứng kháng stress như đã nói phần đầu. Có nghĩa là các nội tiết tố kháng stress sẽ tiết ra để chuẩn bị cho chúng ta “bỏ chạy hay chiến đấu chống lại” stress.

Nhưng than ôi, thực tế hiện nay làm sao chúng ta bỏ chạy dễ dàng trước một ông (bà) chủ xấu, một số bạn đồng nghiệp xấu, khi chúng ta đang có công việc và đồng lương ổn định. Đâu có dễ dàng gì bỏ chạy trước người vợ (chồng) không thích hợp, không còn yêu thương nữa, khi đã có con cái và những mối liên hệ nhất định. Cũng không thể rời bỏ được áp lực phải học hành cho giỏi, có danh vọng, địa vị, phải kiếm tiền, phải giàu có. Mặt khác cũng không thể chiến đấu để tiêu diệt đối tượng gây stress (như giết con hổ dữ).

Do đó, đây là những stress kéo dài, vì không thể giải quyết được rốt ráo; cho nên những nội tiết tố kháng stress này bị tích tụ lại qua nhiều ngày tháng và gây tác hại cho cơ thể. Đến một lúc nào đó, những bệnh lý sau đây sẽ dần dần xuất hiện:

Đầu tiên là trạng thái căng thẳng thường xuyên (stressful state) với nhiều triệu chứng về tinh thần và thể chất. Tiếp theo là bối cảnh của trầm cảm: mất ngủ, ngủ có ác mộng, lo âu, sợ hãi, bứt rứt, vật vã, chán chường, mệt mỏi, không ham muốn gì nữa. Tiêu hóa bị rối loạn, ăn không thấy ngon, chán ăn, viêm loét dạ dày - tá tràng. Bệnh tim mạch: nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim, cao huyết áp và bệnh mạch vành xuất hiện. Hô hấp cũng bị ảnh hưởng, thở nhanh nông, có cảm giác tức ngực, hụt hơi, thiếu khí thở. Rối loạn về chuyển hóa làm tăng đường huyết gây đái tháo đường, tăng mỡ máu, tăng acid uric, tăng cân gây béo phì. Các khớp thường bị viêm đau, thoái hóa các khớp. Các bệnh lý về tâm thần kinh dần xuất hiện vì stress sẽ tác động lên ba vùng rất quan trọng của não đó là vùng hồi hải mã (hippocampus), hạch hạnh nhân (amygdala) và thùy trán trước của vỏ não (prefontal cortex), gây những rối loạn về trí nhớ, cảm xúc và các hoạt động tinh thần. Đời sống tình dục cũng nhạt nhòa đi do giảm ham muốn và rối loạn cương dương. Hệ miễn dịch suy giảm nên hay bị cảm cúm, các bệnh lây nhiễm và ung thư cũng có thể xuất hiện. Lão hóa sớm cũng là một nỗi lo âu rất lớn, đặc biệt ở phụ nữ.

Tóm lại, những nội tiết tố hữu ích giúp cơ thể kháng stress, nhưng khi không sử dụng hết, chúng tích tụ lại và tấn công cơ thể của chính chúng ta. Chúng gặm nhấm, bào mòn dần dần các cơ quan tạng phủ, hủy hoại luôn khả năng hưởng thụ cuộc sống lung linh, sinh động, tuyệt vời này mà ta chẳng hay.

Vấn đề đặt ra là phải trầm tư, nhìn lại cơ thể chúng ta hàng ngày, để nhận biết và đánh giá một cách chính xác rằng mình đang vượt qua các stress trong cuộc sống một cách dễ dàng hay đang rơi vào trong vòng xoáy của stress mà chỉnh sửa cách sống cho phù hợp.

BS. Lê Hùng

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối