Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Stress làm tăng nguy cơ tiểu đường ở phụ nữ

(SGTTO) – Không chỉ góp phần làm phụ nữ sớm chịu cảnh nhan sắc tàn phai, stress còn khiến các quý cô dễ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Stress liên quan đến công việc cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ở phụ nữ.

Theo kết quả thống kê mới nhất, hơn 100 triệu người ở Mỹ mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường. Hơn 9% dân số nước này đang sống chung với bệnh tiểu đường và hơn 84 triệu người đang sống chung với tiền tiểu đường - một tình trạng chắc chắn phát triển thành bệnh tiểu đường tuýp 2 nếu không được điều trị. Các yếu tố rủi ro của bệnh tiểu đường tuýp 2 gồm thiếu hoạt động thể chất, thừa cân hoặc béo phì, từ 45 tuổi trở lên, bị cholesterol cao và huyết áp cao, có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim hoặc đột quỵ.

Các yếu tố tâm lý cũng có thể đóng vai trò trong sự phát triển của bệnh tiểu đường tuýp 2 và một nghiên cứu mới cho thấy stress liên quan đến công việc cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này, nhất là đối với phụ nữ. Ông Guy Fagherazzi, một nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu về dịch tễ học và sức khỏe dân số tại Viện nghiên cứu Inserm (Pháp) là người dẫn đầu cuộc nghiên cứu này.

Nhóm của ông Fagherazzi đã tìm hiểu xem liệu có mối liên hệ nào giữa "công việc gây mệt mỏi về tinh thần" và tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ở hơn 70.000 phụ nữ trong giai đoạn 1992 - 2014. Khoảng 75% số phụ nữ trong nghiên cứu là giáo viên và 24% trong số họ cho biết vào đầu cuộc nghiên cứu rằng công việc của họ “gây mệt mỏi về tinh thần”. Trong suốt thời gian nghiên cứu, có 4.187 phụ nữ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Kết quả phân tích cho thấy rằng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao hơn đáng kể ở những phụ nữ có công việc khiến họ mệt nhoài về tinh thần. Cụ thể, những người nói rằng công việc của họ "rất” mệt mỏi khi nghiên cứu bắt đầu có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 21% so với những phụ nữ đánh giá công việc mình “ít hoặc không mệt mỏi về tinh thần". Khi nhóm nghiên cứu điều chỉnh các yếu tố khác, như thói quen sống không lành mạnh và các yếu tố nguy cơ chuyển hóa tim mạch, như huyết áp cao hoặc chỉ số khối cơ thể cao, mối liên hệ giữa công việc và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường vẫn không có gì thay đổi.

Nhóm nghiên cứu cho biết: “Dù không thể xác định trực tiếp điều gì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở những phụ nữ này nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy chúng không liên quan đến các yếu tố nguy cơ điển hình của bệnh tiểu đường tuýp 2. Phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem mệt mỏi tinh thần là yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường của người phụ nữ… Do đó, sự hỗ trợ nhiều hơn dành phụ nữ trong môi trường làm việc căng thẳng có thể giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính như tiểu đường tuýp 2”, nhóm nghiên cứu kết luận.

Không dừng lại ở đó, một nghiên cứu mới trên mô hình chuột cho thấy hoóc môn stress có thể khiến ung thư vú di căn (phát triển và lan rộng), từ đó khó điều trị hơn. Ngoài ra, theo nghiên cứu của Đại học Basel và Bệnh viện Đại học Basel (Thụy Sĩ), hoóc môn stress có trong một số phương pháp điều trị chống viêm còn có thể "giải giáp" các tác nhân hóa trị.

Ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến nhất. Tại Mỹ, có khoảng 266.120 trường hợp mới vào năm ngoái, theo Viện Ung thư Quốc gia. Ung thư vú cũng là một trong những loại ung thư có khả năng điều trị cao nhất nhưng một khi đã di căn, nó có thể phát triển rất nhanh. Khi các khối u ung thư trở nên quá đa dạng, các bác sĩ khó có thể khó áp dụng đúng phương pháp điều trị vì liệu pháp điều trị cho một loại khối u có thể không có tác dụng đối với loại khác.

Nghiên cứu trước đây cho thấy rằng việc tiếp xúc với stress trong thời gian dài là một yếu tố góp phần vào sự phát triển của tế bào ung thư trong ung thư vú.

Huy Minh (Medical News Today)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối