Gần cuối năm, nhu cầu mua sắm cho gia đình và bản thân của người dân tăng cao, các ngân hàng cũng muốn đẩy mạnh doanh số nên tập trung khuyến mãi vào dịch vụ thẻ tín dụng. Mỗi ngày một người có thể nhận được nhiều cuộc gọi tư vấn từ các ngân hàng khác nhau với nhiều ưu đãi cho việc mở thẻ. Tuy nhiên, người dùng nên cân nhắc nhiều yếu tố để có quyết định mở thẻ tín dụng một cách thông minh.
Phù hợp nhu cầu
Hiện nay, các ngân hàng đều cung cấp đủ loại thẻ tín dụng với đủ tên gọi mà người tiêu dùng vừa nghe qua sẽ không biết phải mở loại thẻ nào cho phù hợp. Lời khuyên của các chuyên gia là người dùng cần tìm hiểu nhu cầu của mình là gì. Họ muốn mở thẻ để đi du lịch nước ngoài và mua sắm trực tuyến hay chủ yếu dùng trong chi tiêu hàng ngày và nhận ưu đãi hoàn tiền khi mua sắm, hay chỉ muốn mở thẻ vì sắp tới sẽ nhận nhà mới và cần thẻ để trang trải chi phí mua nội thất trong nhà và trả dần.
Nếu mở thẻ để sử dụng khi đi du lịch, người dùng nên chọn loại thẻ tín dụng cho phép chi tiêu và tích lũy dặm bay. Nếu cần thẻ tín dụng để chi tiêu hàng ngày, người dùng có thể chọn những loại thẻ chi tiêu được hoàn tiền. Trường hợp mở thẻ chỉ vì cần thanh toán trước một khoản lớn để trả dần thì người dùng nên chọn ngân hàng nào cho thời gian miễn lãi dài hoặc ngân hàng có liên kết với nhiều đối tác cho phép chuyển khoản giao dịch thành trả góp lãi suất 0%, hoặc cụ thể hơn là hỏi thẳng xem ngân hàng có liên kết với nhà bán lẻ nào mà mình đang nhắm đến không.
Sau khi xác định nhu cầu mở thẻ, người dùng cần cân nhắc nên mở loại thẻ chuẩn, thẻ vàng, hay bạch kim. Mỗi loại thẻ sẽ có hạn mức chi tiêu và mức phí thường niên khác nhau. Thẻ chuẩn thường có phí thường niên dưới 300.000 đồng/năm nhưng hạn mức chỉ dưới 30 triệu đồng; thẻ vàng thường có phí thường niên từ 400.000-600.000 đồng/năm và hạn mức khoảng 60-80 triệu đồng. Thẻ bạch kim hay platinum thường có hạn mức trên 100 triệu đồng nhưng phí thường niên từ 1,2-1,5 triệu đồng/năm. Nếu bạn không bao giờ chi tiêu quá nhiều thì chỉ nên mở từ thẻ vàng trở xuống, vừa có mức phí thấp vừa giảm thiểu rủi ro nếu chẳng may thẻ bị kẻ gian đánh cắp dữ liệu.
Đừng vì quà tặng
Các nhân viên ngân hàng khi tư vấn đều chỉ đề cập đến những điểm tốt của thẻ, những quà tặng khách hàng được nhận ngay khi mở thẻ. Nhiều người thấy món hàng được tặng đẹp hay có giá trị liền gật đầu đồng ý mà không quan tâm đến mức phí thường niên mình phải trả và nhu cầu mình có thực sự cần đến món quà kia không.
Chị T. (Tân Bình, TPHCM) đã nhận được một bài học khi mở thẻ tín dụng của một ngân hàng nước ngoài. Để nhận một vé máy bay khứ hồi đi Hồng Kông, chị đã mở đến bốn thẻ của ngân hàng này. Khi mua vé máy bay chị phải trả thêm tiền phí cho vé máy bay bằng ngoại tệ và sau đó món tiền này bị tính đến 4% phí chuyển đổi ngoại tệ. Tính ra, tấm vé miễn phí này cũng chẳng rẻ hơn so với bình thường là bao. Sau đó chị chỉ kích hoạt sử dụng hai thẻ và quên mất hai thẻ còn lại với suy nghĩ rằng nếu không kích hoạt thì coi như thẻ đó không sử dụng chắc sẽ không bị mất phí. Sau một năm, tình cờ kiểm tra giao dịch, chị T. phát hiện hai thẻ chưa kích hoạt đã bị tính phí thường niên và một thẻ đã bị trễ hạn đóng phí, bị phạt thêm 300.000 đồng, thẻ còn lại chỉ còn một ngày nữa đến hạn đóng tiền. Tổng cộng hai thẻ này chị phải đóng phí thường niên và tiền phạt đến gần 2 triệu đồng, chưa kể đến phí thường niên của hai thẻ mà chị đang dùng cũng hơn 2 triệu đồng nữa. Điểm này nhân viên ngân hàng khi tư vấn cho chị không hề nhắc đến.
Một điểm người dùng cần lưu ý khi mở thẻ tín dụng để du lịch nước ngoài đó là các ngân hàng có thu phí chuyển đổi ngoại tệ từ 3-4,5% trên giá trị giao dịch. Các ngân hàng nội địa thường có mức phí này thấp hơn các ngân hàng nước ngoài.
Ngoài ra, khi sử dụng thẻ tín dụng nhiều người hay quên ngày đến hạn trả nợ, đặc biệt đối với những ngân hàng chỉ thông báo dư nợ qua e-mail. Một số ngân hàng có cho 1-3 ngày ân hạn, tức chỉ phạt sau ngày đến hạn thanh toán 1-3 ngày; nhưng cũng có những ngân hàng phạt ngay lập tức. Số ngày ân hạn và mức phí phạt trả chậm là điểm người dùng nên cân nhắc.
Nếu thực hiện thanh toán dư nợ thẻ tín dụng bằng cách chuyển tiền từ một ngân hàng khác đến, người dùng nên lưu ý ngày thực hiện việc chuyển tiền. Chẳng hạn ngày đến hạn thanh toán rơi vào ngày lễ hoặc ngày cuối tuần, một số ngân hàng không hỗ trợ việc chuyển tiền liên ngân hàng trong khi các phòng giao dịch của ngân hàng cũng không làm việc thì dù có thực hiện chuyển khoản đúng ngày, khi tiền được chuyển đến ngân hàng phát hành thẻ tín dụng thì người dùng cũng đã bị xem là thanh toán trễ và sẽ phải trả phí phạt.
Những lưu ý khi mở thẻ tín dụng:
- Tìm hiểu kỹ và so sánh các loại phí như phí thường niên, phí phạt trả chậm, phí chuyển đổi ngoại tệ.
- Đăng ký dịch vụ thông báo giao dịch thực hiện với thẻ qua tin nhắn điện thoại.
- Che số CVV/CVC (3 chữ số cuối ở mặt sau thẻ) để tránh bị kẻ gian chụp hình thẻ và sử dụng để mua hàng trực tuyến.
- Không chụp hình thẻ để gửi cho người khác sử dụng.
- Hạn chế rút tiền mặt từ thẻ tín dụng vì sẽ bị tính mức phí khá cao, khoảng 3-4% cho một giao dịch.
Thủy Triều