Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Sự thâm nhập nhanh chóng của thời trang tuần hoàn

Những dự báo dựa trên thống kê mới nhất cho thấy thời trang tuần hoàn (circular fashion) đang qua mặt thời trang nhanh (fast fashion). Trên thực tế, hàng hóa thời trang tuần hoàn (hay hàng may mặc cộng đồng – community couture) mà trước đây thường gọi là thị trường đồ cũ, đã tạo nên một thị trường thời trang với những mô hình kinh doanh mới, bao gồm những dịch vụ và kỹ năng mới.

Trong khi thị trường thời trang nhanh có tốc độ tăng bình quân 6,5%/năm thì thị trường thời trang tuần hoàn toàn cầu đạt mức tăng 24% vào năm 2022 với giá trị 119 tỉ đô la Mỹ. Quy mô thị trường này được dự kiến sẽ vọt lên 218 tỉ đô la (tức tăng khoảng 127%) vào năm 2026. Đây hẳn là một bất ngờ lớn, và các doanh nghiệp may mặc đang phải điều chỉnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu.

Những dự báo này báo hiệu một xu hướng phát triển của công nghiệp may mặc, đi kèm theo sau đó là nguy cơ suy giảm của ngành thời trang nhanh mà Việt Nam hiện là một trong các nước cung cấp chủ yếu cho thị trường. (Ngành thời trang nhanh sản xuất các loại hàng chất lượng kém, chỉ mặc một ít lần, sau đó người tiêu dùng vứt bỏ chúng và liên tục mua quần áo mới).

Thực tế, hàng hóa thời trang tuần hoàn có chất lượng tốt hơn, đẹp hơn. Mẫu mã cũng rất phong phú mà người mua có thể lựa chọn phù hợp cho nhiều loại nhu cầu tùy từng mùa, từng hoàn cảnh. Đặc biệt hơn là việc người mua vẫn có thể bán lại sản phẩm đã dùng để thu hồi một phần vốn.

Năm 2022, thời trang tuần hoàn chiếm thị phần 3,5% trên tổng giá trị ngành công nghiệp may mặc toàn cầu, nhưng nó sẽ nhanh chóng tăng lên mức 23% vào năm 2030. Nhờ chuẩn bị thị trường tốt, Mỹ được coi là nước dẫn đầu thời trang tuần hoàn với khả năng đạt giá trị 10% tổng doanh số bán quần áo vào năm 2025.

Ngày càng nhiều thương hiệu tham gia trực tiếp vào việc bán lại các sản phẩm của họ. Các nhãn hiệu từ Patagonia đến Oscar de la Renta và Lululemon đã ra mắt các nền tảng trao đổi. Nhiều thương hiệu đã cung cấp dịch vụ sửa chữa sản phẩm đã qua sử dụng ở tại cửa hàng, đặc biệt là các thương hiệu quần áo ngoài trời như Bergans, Jack Wolfskin, Patagonia, Salewa và Houdini.

Thị trường thời trang tuần hoàn đang tạo ra những cơ hội mới. Về phía người tiêu dùng, việc bán lại hàng đã sử dụng là một khoản thu nhập tiết kiệm đáng kể. Về phía nhà sản xuất, giá trị bán lại sản phẩm cũng đóng góp vào doanh số bán hàng.

Tại một hội nghị diễn ra hồi tháng trước, giám đốc tập đoàn Capri Group cho biết niềm tin của người tiêu dùng vào khả năng bán lại hàng xa xỉ khiến họ dễ chấp nhận việc tăng giá sản phẩm. Ở góc độ tài nguyên, thứ mà ta thường gọi là quần áo cũ vứt bỏ đang trở thành một thứ tài nguyên, thay vì tiếp tục lạm dụng khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Và cuối cùng là đối với môi trường, lượng rác thải hàng may mặc hàng năm chiếm 64% khối lượng sản phẩm sử dụng sẽ không bị đưa vào bãi rác. Thời trang, với tư cách là nguồn gây ô nhiễm lớn thứ ba trên hành tinh (sau thực phẩm và xây dựng) nằm trong tâm trí của những người tiêu dùng có ý thức.

Trong khuynh hướng mua hàng thời trang mới, mua nhiều nhưng ít sử dụng, sự lan tỏa tiêu dùng thời trang tuần hoàn giúp người ta mua ít lại, mua hàng tốt hơn, mẫu mã thích hợp hơn, sử dụng lâu hơn, và vẫn có thể bán lại để người khác sử dụng.

Hành vi siêu tiêu dùng đang chuyển sang hành vi tiêu dùng có trách nhiệm hơn, cho thấy người ta không thể duy trì nền văn hóa mua và vứt đồ đi mà không tôn trọng các nguồn tài nguyên hữu hạn của Trái Đất. Với nền kinh tế tuần hoàn, ngành thời trang may mặc đáng giá 1.300 tỉ đô la với 300 triệu người trong chuỗi giá trị sẽ được bổ sung cỡ 560 tỉ đô la cùng với những dịch vụ, việc làm và kỹ năng mới.

Để có những sản phẩm tốt hơn trong ngành thời trang tuần hoàn, những thay đổi chủ yếu bao gồm các công đoạn thiết kế, phát triển, sản xuất, đóng gói; tổ chức mô hình kinh doanh và dịch vụ chăm sóc; làm mới sản phẩm đã qua sử dụng.

Ba điểm mấu chốt này của thời trang tuần hoàn thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới gần gũi với người tiêu dùng. Ví dụ thiết kế thay đổi sao cho sản phẩm tạo ra có chất lượng cao, có thể điều chỉnh theo ý người dùng, và nguyên liệu đã qua sử dụng vẫn có thể thu hồi tái chế, đặc biệt là các giải pháp kỹ thuật biến quần áo cũ thành sản phẩm mới.

Những điều này mở ra cơ hội giới thiệu nhiều dịch vụ thời trang hơn, chẳng hạn như tư vấn hoặc thiết kế lại quần áo; tư vấn nâng cấp; tùy chỉnh và sửa chữa tại nhà. Các nhà bán lẻ cũng có thể cung cấp dịch vụ sửa chữa và các dịch vụ khác tại cửa hàng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(*) https://ellenmacarthurfoundation.org/fashion-and-the-circular-economy-deep-dive
(**) https://edgexpo.com/2023/01/01/future-of-fashion-secondhand-waste-and-ownership-redirected/

Hoàng Việt 

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối