Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Sự thực về thông tin tử vong do tiêm vắc-xin Trung Quốc

(SGGT) - Trong những ngày qua, tin giả liên quan đến vắc-xin Covid-19 xuất hiện ngày càng nhiều. Thông tin về việc người phụ nữ tử vong do tiêm vắc-xin Trung Quốc ở Thủ Đức chính là một tin giả như thế.

Theo Vietnamplus, trên mạng xã hội Facebook có lan truyền thông tin kèm theo di ảnh một người phụ nữ 50 tuổi, ngụ tại thành phố Thủ Đức tử vong do tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Sau đó, trang Fanpage "Tôi Là Dân Quận 8" chia sẻ lại với nội dung: "Tử vong sau khi tiêm Covid-19 Trung Quốc, mọi người cảnh giác khi tiêm".

Thông tin đăng tải đã gây hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến tâm lý những người chưa tiêm ngừa vắc-xin Covid-19. Tuy nhiên, đây là một thông tin sai sự thật.

Tiêu chí nào để một địa phương được xem là kiểm soát được dịch?

Theo KTSG Online, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký ban hành Quyết định kèm hướng dẫn Tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 tại TPHCM và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, nhóm chỉ số về mắc mới Covid-19 cần đạt các tiêu chí sau: số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất.

Theo Bộ Y tế, một địa bàn (cấp tỉnh/thành phố, huyện, xã) kiểm soát được dịch Covid-19 khi đã triển khai quyết liệt, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và đạt 2 nhóm chỉ số.

Cụ thể, nhóm chỉ số về mắc mới Covid-19 trên địa bàn cần đạt gồm 3 tiêu chí nhỏ: số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.

Tỷ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính số người lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày. Ngoài ra, địa bàn đó không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày.

Bộ Y tế lưu ý, số ca mắc mới tại cộng đồng được hiểu là ngoài khu vực đang thực hiện cách ly y tế vùng có dịch Covid-19 theo Quyết định 3986 ngày 16/9/2020 của Bộ Y tế và các khu vực cách ly y tế khác.

Nhóm chỉ số về nguy cơ lây nhiễm cần đạt gồm 3 tiêu chí nhỏ: Giảm tối thiểu 50% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ rất cao (theo hướng dẫn đánh giá tại Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31-5-2021); Giảm tối thiểu 50% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ cao; Giảm tối thiểu 50% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ.

Riêng tại TPHCM, 3 tiêu chí trong nhóm chỉ số về nguy cơ lây nhiễm được điều chỉnh theo tỷ lệ 30%. Cụ thể: Giảm tối thiểu 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ rất cao; giảm tối thiểu 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ cao; giảm tối thiểu 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ.

Nhân viên CDC Hà Nội xét nghiệm Covid-19. Ành: TTXVN

Theo TTXVN, Sở Y tế TPHCM ngày 19-8 đã có công văn yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận huyện, thành phố Thủ Đức khẩn trương xây dựng kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động và sớm triển khai mô hình các trạm y tế lưu động tại mỗi phường, xã, thị trấn.

Kế hoạch này nhằm chủ động và tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người mắc Covid-19 tại nhà, góp phần nâng cao chất lượng điều trị; giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3; giảm tỷ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong.

Cụ thể, Sở Y tế yêu cầu các xã, phường, thị trấn cần khẩn trương xây dựng ngay Trạm y tế lưu động bằng cách tận dụng các cơ sở sẵn có trên địa bàn như nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng, các phòng khám tư nhân... để làm trụ sở hoạt động.

Mỗi trạm y tế lưu động phải bố trí 1 phòng khám bệnh thông thường, khu vực lấy mẫu xét nghiệm, khu vực hành chính, khu vực lưu trữ thuốc, khu vực để bình oxy và trang thiết bị... cùng nơi nghỉ ngơi cho nhân viên.

Về nhân lực, mỗi trạm y tế lưu động có ít nhất 1 bác sĩ, 2-3 điều dưỡng được luân chuyển từ trạm y tế, trung tâm y tế, cơ sở y tế tư nhân và nhân lực tăng cường của Thành phố, Trung ương (khi thật sự cần thiết); 3-4 nhân sự khác. Tất cả nhân sự này đều phải được tập huấn những kiến thức cơ bản về quy trình chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người bệnh.

Sở Y tế yêu cầu mỗi trạm y tế lưu động cần trang bị tối thiểu 2 bình oxy, dụng cụ thở oxy, thiết bị đo Sp02, dụng cụ cấp cứu cơ bản, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, test kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 và các dụng cụ khám chữa bệnh cơ bản khác.

Trạm y tế lưu động có nhiệm vụ quản lý, chăm sóc sức khỏc tại nhà cho người F0 và điều trị nhiều bệnh lý khác, tiêm vắc-xin... dưới sự quản lý trực tiếp của Trung tâm Y tế quận, huyện với chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện và Sở Y tế. Dự kiến mỗi trạm y tế lưu động sẽ quản lý và chăm sóc từ 50-100 trường hợp F0.

Trạm y tế lưu động cũng phải trang bị đủ túi thuốc cấp cứu lưu động, cơ số túi thuốc chăm sóc tại nhà cho người F0 (thành phần theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế tại công văn 5718/SYT-NVY ngày 17-8-2021 của Sở Y tế), cơ số thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác.

Minh Thảo tổng hợp

Theo Vietnamplus, KTSG Online

Chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn” với chủ đề “Đồng hành chống dịch” được phát động vào ngày 2-6-2021. Với vai trò là cầu nối, Kinh tế Sài Gòn tiếp tục kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm để cùng chia sẻ khó khăn với cộng đồng. Chương trình sẽ nhận hiện kim, vật phẩm từ các tổ chức, cá nhân đóng góp và sau đó sẽ trao tặng lại cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn trong các vùng dịch tại TPHCM cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước. Xem chi tiết tại đây.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối