(SGTTO) - Chỉ cần lên Google, search từ khóa "công thức sữa hạt", chỉ trong 0,75 giây cho ra 39,3 triệu kết quả; hay từ khóa "tự nấu sữa hạt", có hơn 8,9 triệu kết quả trong vòng 0,6 giây cho các mẹ muốn tự nghiên cứu để nấu sữa hạt. Có thể thấy sữa hạt tự nấu nhận được sự quan tâm của rất nhiều người và liệu chúng có thực sự bổ dưỡng như lời quảng cáo?
Mỗi ngày bán hàng trăm chai
Bảo Trâm là giáo viên tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ tại quận 7. Từ khi mang bầu, cô tìm hiểu trên mạng rồi tự nấu sữa từ các nguyên liệu như bí đỏ, yến mạch, các loại khoai, hạt… Thấy không chỉ bản thân mà còn nhiều “mẹ bầu” khác cũng mê sữa hạt, Bảo Trâm liền nấu rồi rao bán trên trang Facebook cá nhân của mình.
“Mấy ngày đầu bán chưa có khách nhưng tới nay, mỗi tuần em bán ra gần trăm chai. Giá bán từ 30.000 – 45.000 đồng/chai, tùy loại sữa. Ví dụ, các loại sữa mắc ca, hạt điều, óc chó… thì mắc hơn sữa từ yến mạch, hạt sen, khoai hay các loại đậu…”, Bảo Trâm chia sẻ.
Theo Bảo Trâm, với những người mới “vào nghề”, lại không phải đầu bếp chuyên nghiệp như cô, để chen chân được trên thị trường hàng nghìn người bán hiện nay, cô phải đầu tư mạnh vào khâu quảng bá hình ảnh. “Mỗi ngày đều phải chụp ảnh đẹp, mô tả quá trình nấu sữa, pha chế, bảo quản… cho khách hàng xem. Họ nhìn thấy ảnh đẹp, lung linh mới có cảm giác muốn mua hàng”, Bảo Trâm bộc bạch.
Gây ấn tượng và được khá nhiều người biết đến với sản phẩm sữa hạt có lẽ là nhóm bạn sinh viên khởi nghiệp “Tụi con bán sữa!” trên các tuyến đường như Võ Thị Sáu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3)... Nhóm bắt đầu kinh doanh sữa hạt từ năm 2016, khi thị trường sữa hạt còn khá mới mẻ, chủ yếu chỉ có một loại quen thuộc như sữa bắp, sữa đậu nành…
Thư, một thành viên của nhóm chia sẻ, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh nên người qua đường thưa thớt, doanh thu nhóm giảm đáng kể. Nhóm liền nghĩ ra các câu slogan mới như “Uống sữa hạt tăng đề kháng tự nhiên”, rồi nhận giao hàng tại nhà, vừa bán hàng vừa giới thiệu về lợi ích của sữa hạt đối với sức khỏe. Từ 2-3 điểm bán ban đầu, nay nhóm đã tăng lên 15 điểm bán tại quận 1 và quận 3. Có ngày nhóm bán hơn ra hơn 1.000 chai sữa hạt tự nấu.
Trên các diễn đàn Mẹ và bé, các Group về ăn dặm cho bé, hằng ngày các bà mẹ cũng truyền tay nhau công thức nấu sữa hạt và những địa điểm mua sữa hạt “handmade” cho bé. Chị Hạnh Nhi, ngụ tại quận Bình Thạnh kể, hơn một năm nay, chị thay hoàn toàn sữa bò tươi bằng các loại sữa hạt cho hai con nhỏ. Cuối tuần không quá bận thì chị tự nấu, còn lại những ngày thường, chị mua tại một cửa hàng sữa ở đường Bùi Thị Xuân, quận 1.
Thế nhưng, theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị Online, hầu hết các sản phẩm sữa hạt được quảng cáo là “handmade” hiện nay đều được bảo quản khá sơ sài. Sản phẩm đựng trong chai nhựa hoặc chai thủy tinh nhưng không có nhãn mác với các thông tin như ngày sản xuất, hạn sử dụng, cách dùng, không có thông tin kiểm định Vệ sinh An toàn Thực phẩm (VSATTP) của cơ quan chức năng.
Bổ dưỡng đến đâu?
Theo các nghiên cứu mới đây của Innova Market Insights, sữa hạt đang là xu hướng dinh dưỡng mới, hấp dẫn giới trẻ và những người quan tâm tới lối sống lành mạnh. Thị trường toàn cầu đối với các loại đồ uống có nguồn gốc từ thực vật tăng tới 16,3 tỉ đô la Mỹ trong năm 2018, gấp hai lần mức 7,4 tỉ đô la Mỹ của năm 2010. Còn theo Nielsen, ước tính thị trường sữa thực vật toàn cầu đạt 11,9 tỉ đô la Mỹ vào năm 2017 và sẽ tăng trưởng tới mức 34 tỉ đô la Mỹ vào năm 2024.
Tại Việt Nam, xu hướng sử dụng sữa hạt cũng đang gia tăng. Số người mắc các bệnh ung thư, tiểu đường, tim mạch, số người bị dị ứng sữa bò, không dung nạp lactose trong sữa động vật ngày càng tăng kéo theo nhu cầu về sữa hạt cũng tăng theo.
Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp – Nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM, sữa hạt là thức uống có lượng chất bột đường thấp, lượng chất đạm, béo khá cao, đặc biệt là các axit béo không no nhiều nối đôi như axit omega-3, 6, 9, nhiều chất chống oxy hóa…
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng sữa hạt và sử dụng thường xuyên, hằng ngày như các trang mạng bán hàng quảng cáo hiện nay. Ví dụ như, đạm trong sữa hạt (sữa thực vật) là đạm không hoàn chỉnh, thiếu các axit amin cần thiết cho sự phát triển hoàn chỉnh của trẻ em.
Sữa hạt “nguyên chất” cũng không có vitamin B12, loại vitamin rất cần thiết để sinh tổng hợp huyết cầu tố, hemoglobin, Hb. Nếu trẻ chỉ uống sữa hạt thuần túy mà không bổ sung vitamin B12, lâu ngày sẽ dẫn tới tình trạng thiếu máu, còi xương, suy dinh dưỡng… Đó là chưa kể, tỷ lệ các loại hạt trong nhiều loại sữa hạt “nhà làm” không được công bố cụ thể, người tiêu dùng có thể lầm tưởng về mức độ dinh dưỡng của sản phẩm.
Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị Online, sữa hạt điều là sản phẩm giá trị gia tăng cho hạt điều mà các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều lâu nay luôn trăn trở.
Thế nhưng, để có được sản phẩm sữa hạt điều chất lượng, phải sử dụng nguồn hạt chất lượng. Hiện nay tại Việt Nam, ngoài hạt điều, hạt mắc ca chỉ mới trồng ở Tây nguyên với diện tích chưa đủ lớn. Còn lại, các loại hạt dinh dưỡng khác như óc chó, hạnh nhân, chà là… đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Trên thị trường, giá bán sữa hạt “tự nấu” nhiều loại khá rẻ, không có thông tin chứng minh nguồn gốc nguyên liệu. Nếu vậy, nguồn gốc hạt có thể không đảm bảo, hoặc dùng các loại hạt nhập khẩu không đủ chuẩn, không đảm bảo VSATTP…
Đó là chưa kể, để giữ được lượng dinh dưỡng có trong các loại hạt khi chế biến sữa, cần có quy trình sản xuất phù hợp, tránh thất thoát những chất dinh dưỡng quý trong hạt hoặc làm biến tính các enzim và axit amin có trong hạt.
Sữa hạt không như sữa động vật, thiếu nhiều vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Do đó, phải sử dụng sữa hạt với thực đơn ăn uống phù hợp mới có thể cân đối nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể và cho từng lứa tuổi.
Nam Bình