Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả mẹ và bé bởi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu giúp trẻ phát triển toàn diện thể chất, tinh thần và trí tuệ. Thế nhưng ngày nay, một số phụ nữ vì lý do tiện lợi và sợ xấu bầu ngực khi cho con bú đã từ chối việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Nguồn miễn dịch tự nhiên
Đối với trẻ sơ sinh, không có cái bình nào đẹp đẽ, căng tròn, hồng hào, thơm tho… như “bình” sữa mẹ. Lúc nào sữa cũng được ủ đúng 370C, vừa ấm áp vừa hợp vệ sinh mà chẳng cần phải hấp luộc và khử trùng. Người mẹ chỉ cần vạch áo, nặn vài giọt sữa đầu tiên rồi rửa qua cái núm thế là có thể cho con bú. Sữa đã có đủ chất kháng khuẩn rất tốt, nhất là những giọt sữa non cho con bú lần đầu. Khi được bú sữa mẹ, trẻ sẽ được truyền nguồn kháng thể từ mẹ sang con để chống lại nhiều bệnh tật. Các nghiên cứu cho thấy, những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ bao giờ cũng ít bệnh tật hơn so với trẻ nuôi bằng sữa công thức vì trẻ được hưởng sức đề kháng. Ngoài ra, trẻ bú mẹ ít bị các bệnh tiêu chảy, viêm phổi và các bệnh khác hơn trẻ nuôi bằng sữa công thức.
Không chỉ mang nguồn kháng thể dồi dào, sữa mẹ còn giàu chất béo, đặc biệt là các chất béo DHA và ARA. Đây là các chất béo tham gia cấu trúc não bộ và mắt. Điều này có thể giải thích tại sao trẻ bú mẹ thường thông minh hơn trẻ nuôi bằng sữa công thức 3-5 điểm IQ.
Không cai sữa trước 12 tháng
Nhiều bà mẹ nghĩ rằng mới sinh thì chưa có sữa. Sự thật là sữa non đã có từ những tháng cuối thai kỳ. Trẻ cần bú sữa non đó, không nên vắt bỏ sữa non. Sữa non màu hơi vàng đục, có rất nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại bệnh tật. Ngoài ra, loại sữa này còn có tác dụng xổ nhẹ giúp tống phân xu ra ngoài và hạn chế hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bà mẹ nên cho bé bú ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh để tận dụng sữa non, kích thích sữa non xuống sớm và giúp co hồi tử cung cho mẹ. Trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu và ngay cả nước cũng không nên cho bé uống. Nên cho bú theo nhu cầu của bé, tức là không hạn chế thời gian và độ dài của mỗi cữ bú. Cho bé bú đến khi nào bé no và tự rời vú mẹ. Nếu sau khi bú xong một bên bé chưa đủ no thì chuyển sang vú bên kia. Trong trường hợp bé bị bệnh như tiêu chảy thì vẫn tiếp tục cho bé bú mẹ. Trong trường hợp trẻ đẻ non, yếu không thể mút được vú mẹ thì cần phải vắt sữa vào ly và cho trẻ uống bằng muỗng. Nên cho trẻ bú kéo dài 24 tháng hoặc có thể lâu hơn, không cai sữa cho trẻ trước 12 tháng.
Sữa tốt nhờ mẹ ăn đủ chất
Để có nguồn sữa dồi dào dưỡng chất, người mẹ cần phải ăn đủ chất để có năng lượng và dinh dưỡng giúp tạo ra sữa. Nếu chế độ ăn của bà mẹ quá nghèo nàn, không đủ chất dinh dưỡng, bà mẹ sẽ có thể bị suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Vì vậy, khi nuôi con bú, người mẹ cần ăn uống cân đối, đầy đủ năng lượng, đạm, sắt, canxi, i-ốt… Nên ăn nhiều thức ăn giàu chất đạm, bao gồm đạm động vật như thịt, cá, trứng... và đạm thực vật lấy từ cây họ đậu. Ngoài ra, nên ăn thực phẩm giàu canxi như sữa, các chế phẩm từ sữa, tôm, cua, trứng... và các vi chất khác như magiê, kẽm… nhằm giúp trẻ phát triển chiều cao và hệ xương răng tốt. Thêm vào đó, nó giúp người mẹ không bị chứng hạ canxi huyết và phòng ngừa được chứng loãng xương sau này.
Nước chiếm 90% trong sữa mẹ. Vì vậy, để có nhiều sữa, bà mẹ nên uống nhiều nước (mỗi ngày khoảng 2 lít), đặc biệt là sữa. Nên ăn thêm canh, súp, uống sinh tố..., ăn nhiều rau và trái cây tươi để tăng lượng vitamin trong sữa mẹ, Ngoài ra, bà mẹ cần ăn thêm thức ăn giàu DHA như cá biển (cá thu, cá hồi, cá kiếm...) để cung cấp đầy đủ DHA cho não trẻ phát triển đầy đủ.
Không nên ăn uống kiêng khem quá mức và nên hạn chế ăn các thức ăn có nhiều gia vị, không uống rượu, cà phê và hút thuốc lá. Khi cho con bú nếu cần dùng thuốc phải hỏi ý kiến thầy thuốc, không nên tự động dùng thuốc vì có thể nguy hại cho con và làm cạn nguồn sữa mẹ. Cuối cùng nhưng không kém quan trọng là để duy trì nguồn sữa mẹ tốt, bà mẹ phải giữ tinh thần yên tĩnh điều độ và vui tươi. Cuộc sống gia đình hòa thuận, hạnh phúc, không phải lo lắng buồn phiền cũng góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn nguồn sữa mẹ.
TS. BS. Lê Thị Thu Hà - Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ