Cẩm Anh -
Chỉ cần dạo một vòng quanh các con đường tại trung tâm TPHCM, chúng ta sẽ thấy mức độ “phủ sóng” rất rộng của trà sữa. Với nhiều mức giá, hương vị, giao hàng tận nơi nhanh chóng, loại thức uống này đang ngày càng thu hút nhiều người, đặc biệt là những người trẻ.
Những con đường trà sữa
Với hơn 20 cửa hàng trà sữa gần nhau, phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) được giới trẻ gọi là phố trà sữa. Trên các tuyến đường Ngô Đức Kế, Hải Triều, Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tùng Mậu, ngã sáu Phù Đổng (quận 1), đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), đường Sư Vạn Hạnh (quận 10)... nhiều quán trà sữa của các thương hiệu trong và ngoài nước cũng mọc lên san sát nhau.
Mặc dù giá cả không rẻ, trung bình 50.000 - 60.000 đồng/ ly trà sữa size vừa, nhưng các cửa hàng trà sữa có thương hiệu cao cấp như Gong Cha, KOI Thé, Royal Tea, R&B, The Alley, Yuan Cha, Ten Ren, Heekcaa, Phúc Long… vẫn thu hút số lượng lớn khách hàng, đặc biệt vào những khung giờ cao điểm.
Vào những buổi tối, nhất là cuối tuần, nhiều chiếc xe đậu tràn ra đường, dòng người xếp hàng dài chờ vài chục phút để mua trà sữa là hình ảnh quen thuộc tại các khu bán trà sữa. Vào khung giờ nghỉ trưa và chiều tối, khách hàng tại các quán trà sữa được nhiều người ưa thích có thể phải chờ 15-20 phút mới nhận được ly trà sữa họ mua bởi nhiều khách đến mua cả chục ly mang về văn phòng hoặc các nhóm bạn, gia đình đến uống tại chỗ. Không chỉ vậy, trước mỗi cửa hàng đều có đội ngũ mua hàng hộ của Delivery Now khiến cuộc "cạnh tranh" mua trà sữa ngày càng gay gắt hơn.
Theo một quản lý cửa hàng trà sữa Bobapop (quận 1), những cửa hàng trà sữa tại các tuyến đường trung tâm có điểm chung là cách thiết kế không gian lạ mắt. “Khi mở quán tại những địa điểm đã có nhiều cửa hàng trà sữa thì thương hiệu sẽ giúp quán có một lượng khách thường xuyên. Nhiều khách hàng sẽ lựa chọn và trung thành với những thương hiệu và những quán có thể tạo ra các ly trà sữa có hương vị khác biệt”, chị nói.
Muôn màu trà sữa
Mặc dù các thương hiệu trà sữa quen thuộc đã có mạng lưới cửa hàng rộng và chỗ đứng vững trên thị trường, nhưng những thương hiệu trà sữa mới vẫn tiếp tục xuất hiện trên thị trường để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của các "tín đồ" trà sữa. Trà sữa Dream Tea tuy mới xuất hiện nhưng được nhiều người trẻ lựa chọn vì sự đa dạng của các vị trân châu như mật ong, matcha, thanh long, xoài… với giá 25.000-70.000 đồng/ly.
The Alley đến từ Đài Loan dù mới xuất hiện nhưng đã làm "dậy sóng" với sản phẩm mới lạ sữa tươi trân châu đường đen, tức chỉ có sữa và trân châu mà không có trà. Theo nhiều khách hàng, sản phẩm này có vị ngọt thanh vì sữa tươi không đường khi kết hợp cùng trân châu được làm từ mía sẽ giúp làm tăng hương vị. Mỗi ly như vậy có giá 60.000-80.000 đồng/ly.
Còn House of Cha, hoạt động mạnh tại thị trường Hà Nội và Đà Nẵng, lại có nhiều “tín đồ” bởi những ly trà sữa của thương hiệu này có những loại hoa quả, matcha được cho là tốt cho sức khỏe… với giá 35.000-50.000 đồng/ly. Nhiều người đánh giá sự khác biệt của House of Cha chính là vị trà đậm, kem sữa ngon béo, đặc biệt món matcha latte 3 tầng lạ miệng.
Ding Tea (Đài Loan) đã mở khá nhiều cửa hàng trà sữa tại Việt Nam. Thực đơn của những cửa hàng này có các hương vị đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhiều độ tuổi: trà xoài, trà dâu, trà matcha đậu đỏ, trà đào… với giá 40.000-70.000 đồng/ly.
Bên cạnh đó, những cái tên trà sữa đã xuất hiện khá lâu như Hot&Cold vẫn được nhiều người ưa thích. Hot&Cold được cho là trà sữa tự chọn đầu tiên ở Việt Nam. Nhiều người yêu thích ly trà sữa mát lạnh của thương hiệu này và hơn 40 loại topping (thạch đi kèm) được pha chế theo yêu cầu với giá 25.000-40.000 đồng/ly.
Phúc Long nổi tiếng với các loại trà nguyên chất như trà ô long, trà long tỉnh hay trà hạt sen với giá bán 30.000-70.000 đồng/ly. Không thể không kể đến KOI Thé có hương vị trà không quá đậm đà thích hợp cho khách hàng thích uống béo; Gong Cha được ưa chuộng bởi lớp bọt sữa milkfoam mặn mặn, béo béo trộn với nhiều loại trân châu.
Ngoài những hương vị trà sữa quen thuộc, các cửa hàng đã kết hợp nhiều nguyên liệu để tạo nên hương vị mới lạ. Có thể kể đến dòng trà trái cây, với thành phần là nước cốt trà pha chế cùng syrup hoa quả (nước ép kết hợp tinh dầu hoa và rượu) hoặc trái cây tươi; yakult kết hợp giữa sữa chua và nước ép trái cây; milkshake được pha trộn giữa sữa tươi với sữa chua và các loại hương vị khác. Đặc biệt, trà sữa milkfoam có lớp kem sữa béo được đánh bông từ bơ, phô mai và sữa kết hợp cùng vị trà thanh đậm bên dưới cũng là thức uống trong danh sách yêu thích của các "tín đồ" trà sữa.
Giải mã sức hút
Nếu trước đây, trà sữa chủ yếu được giới học sinh, sinh viên ưa thích, thì hiện nay, khách hàng thuộc độ tuổi trung niên, nhóm khách gia đình… cũng thường xuyên chọn mua loại thức uống này.
Bên cạnh đó, ly đựng trà sữa cũng có nhiều hình dáng, nét riêng của từng thương hiệu. Các tem nhãn được in cẩn thận, ghi rõ từng loại hương vị, thành phần của sản phẩm, đặc biệt là những thông điệp, lời nhắn nếu khách mua để tặng người khác.
Nhiều cửa hàng cũng cập nhật thường xuyên các hương vị trà sữa, ra mắt đều đặn các loại trà mới, bổ sung nhiều loại thạch đi kèm, cho khách chọn lượng đường, độ béo, lượng sữa, trà tùy theo sở thích và tình trạng sức khỏe của mình. Cụ thể, khách sẽ được chọn kích cỡ ly trà, loại thạch ăn kèm, phần trăm đường (25-50-75%), lượng đá (25-50-75%). Sau đó, khách sẽ nhận số thứ tự rồi nhìn bảng điện tử nhảy số để tới quầy nhận thức uống vừa đặt. Bên cạnh việc bán trực tiếp, các quán trà sữa có dịch vụ giao hàng tận nơi và dịch vụ này thường được giới học sinh và nhân viên văn phòng sử dụng.
Ngoài ra, các cửa hàng trà sữa cũng đầu tư nhiều cho hình ảnh và màu sắc bắt mắt như hình ảnh chú chó ngộ nghĩnh của Bobapop, chú hưu của The Alley, màu đen của Ding Tea, màu đỏ của Chevi, màu vàng tươi vui của Toco Toco. Không gian của nhiều cửa hàng tạo sự thuận lợi cho khách khi ngồi chuyện trò, chụp ảnh, thậm chí là làm việc. Một số cửa hàng còn tạo điểm nhấn với không gian xanh mát. Đây là xu hướng được nhiều người lựa chọn khi đến các hàng quán trong thành phố.