Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Sức hút nhà tộc của người Cơ Tu, Quảng Nam

(SGTT) - Đến thăm làng Pơrning giữa rừng Trường Sơn ở xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam du khách sẽ rất ngạc nhiên khi thấy ngôi nhà sàn mái lá có hình trái xoan vươn cao nóc nằm giữa những ngôi nhà trệt mái tôn.
Cụm trung tâm làng Pơrning với một gươl (nhà làng) cùng 9 ngôi nhà tộc, đều được lợp bằng tranh, lá.

Những ngôi nhà này chính là nhà tộc của người Cơ Tu. Người dân nơi đây gọi là đông ca bhu. Ngôi nhà được làm theo khuôn mẫu nhà gươl nên theo dân làng Pơrning, người miền xuôi đến đây lần đầu ai cũng hỏi sao làng có nhiều gươl đến vậy.

Già làng Pơrning Cơlâu Nhấp cho hay cùng với việc làm gươl để làm nơi hội họp, phân xử, cúng tế theo tục lệ của làng, người Cơ Tu cũng đã sớm làm đông ca bhu để làm nơi sinh hoạt của người trong cùng một tộc họ. Nhưng gươl đã được các làng Cơ Tu dựng lại trước đông ca bhu sau hơn nửa thế kỷ vắng bóng vì chiến tranh và khó khăn trong kinh tế sau hòa bình. Đến khi làng Pơrning được nhà nước giúp cho việc tạo lập mặt bằng rộng rãi để làm lại nhà cửa theo các chương trình hỗ trợ, các tộc họ ở đây đã bắt đầu làm lại nhà tộc cho tộc họ mình.

Gươl (nhà làng) của làng Pơrning. Kiểu thức nhà tộc - đông ca bhu - cũng hệt như gươl.

Có nhà tộc, các thành viên trong tộc thường tổ chức lễ cưới cho con cháu mình tại đây thay vì ở nhà riêng. “Hai đám cưới của đứa con gái mình đều làm ở cái nhà tộc của tộc Alăng mình. Làm ở đây mình thấy cái tình nghĩa người trong tộc, trong làng như đậm đà hơn, gắn bó hơn”, ông Alăng Ru nói khi chỉ vào đôi sừng trâu còn lại từ hai đám cưới của con treo trên cây cột nhà tộc.

Ông Cơlâu El của tộc họ Cơlâu cho biết thêm, từ khi có nhà tộc, người trong mỗi tộc thường bảo nhau phải siêng làm, tiết kiệm để có tiền mua bò, heo về nuôi.

Những ngôi nhà tộc ở bên nhà ở của cư dân Pơrning.

Theo các già làng, nhà tộc cũng là nơi “chia phần” những “lộc rừng” mà một hay nhiều thành viên trong tộc kiếm được. Trước đây, khi nhà tộc chưa được tái lập, thành quả của quá trình đi săn bắn thường không được chia. Nhưng khi đã có nhà tộc, các hộ trong cùng một tộc cũng đều được “chia” ở tại nhà tộc của họ. Nhiều khi bắt được con thú nhỏ quá, không đủ để chia thì sẽ nấu rồi cả tộc cùng ăn chung.

“Như thế càng thắt chặt hơn tinh thần đoàn kết và yêu thương giữa những người trong cùng tộc”, một già làng nói thêm.

Theo ông Nguyễn Tri Hùng, cựu chuyên viên Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, nhà nghiên cứu về người Cơ Tu, người Cơ Tu là một trong số không nhiều các dân tộc ít người ở Trường Sơn – Tây Nguyên có tên dòng tộc riêng khá phong phú với trên 30 dòng tộc (ca bhu). Nét văn hóa độc đáo này đưa đến một thiết chế văn hóa – xã hội đặc sắc.

Một trong hai ngôi nhà tộc của dòng họ Cơlâu. Vì họ Cơlâu là tộc lớn nên có 2 nhà tộc.

Cũng giống như người Kinh có nhà thờ tộc (tự đường, từ đường), từ lâu các dòng tộc Cơ Tu trong làng đều có nhà tộc - đông ca bhu - bên cạnh gươl (nhà làng, đình làng). Nhưng do chiến tranh cùng những tác nhân khác, nhà tộc của người Cơ Tu đã không còn hơn nửa thế kỷ nay.

Cũng giống như chức năng nhà tự đường người Kinh, nhà tộc của người Cơ Tu là nơi góp phần chỉ bày điều hay lẽ phải, khuyên tránh những điều sai trái cho các thành viên trong tộc, nhất là lớp trẻ.

Xương của các con vật do người trong tộc Cơlâu săn bẫy hoặc nuôi, sau khi chia thịt sẽ được cài lên mái nhà tộc như cách thức ghi lại niềm vui của họ.

Những thành viên nào làm điều sai trái, lầm lỗi đều được đưa đến nhà tộc để kiểm điểm, nhận lời khuyên bảo. Đây cũng là nơi để người trong tộc phân xử, hòa giải những tranh chấp giữa người trong tộc với nhau. Nếu không được mới đưa đến gươl làng để phân xử, hòa giải đến cùng.

Các bạn trẻ làng Pơrning chơi bóng bên sân gươl và sân nhà tộc lúc cuối ngày.

Để nhà tộc họ luôn “có lửa bếp”, luôn được ấm áp, người trong tộc thường vận động những người có tuổi và có con cái đã có gia thất nên đến sống ở nhà tộc. Đây cũng là nơi mà những bạn trẻ trong tộc thường đến để vui chơi, chuyện trò hay ôn tập bài vở. Cũng như đối với gươl, người trong tộc luôn góp củi vào đây để khi cần là cho lên lửa bếp.

“Làng Pơrning được coi là nơi đầu tiên trong cộng đồng Cơ Tu ở Quảng Nam phục dựng lại nhà tộc. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, góp phần bảo vệ truyền thống, cội nguồn dân tộc, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về bảo tồn các giá trị văn hóa, rất đáng phát huy, nhân rộng trong cộng đồng Cơ Tu...”, ông Nguyễn Tri Hùng nói.

Huỳnh Văn Mỹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối