THÁI HÀ -
Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường IBIS World tung ra tháng 2-2016, ngành xuất bản sách in toàn cầu năm 2016 sẽ đạt tổng doanh thu 106 tỉ đô la Mỹ. Trong giai đoạn 2011-2016, lượng sách in tăng trung bình 0,7%, dù đây là mức không cao, nhưng nó chứng tỏ sách in không “chết” như nhiều người từng dự báo.
Đánh chiếm lại thị phần của e-Book
Sách in được chia thành ba loại chính là sách tiêu dùng (văn học, sách ảnh, sách tham khảo), sách giáo dục và sách chuyên ngành. Mảng sách tiêu dùng sẽ chiếm khoảng 52% thị trường sách in năm 2016, tăng trưởng trở lại sau thời gian mảng sách này phải chia sẻ thị phần cho e-book.
Mark Coker, Tổng giám đốc của Smashwords, một nền tảng phân phối sách điện tử (e-book) cho các nhà xuất bản và tác giả độc lập, nhận xét rằng sách in hiện chiếm khoảng 70% thị trường, phần còn lại thuộc về e-book và các dạng thức sách khác như sách đọc in vào đĩa. Nhưng dự báo của Coker xem chừng vẫn lạc quan với e-book. Ví dụ, ở Canada, theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu thị trường sách BookNet thì e-book chỉ chiếm 17%. Tại thị trường Mỹ, e-book chỉ còn 22%, theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen.
Nhưng các dự báo khác của Coker xem chừng đúng, người đọc e-book sẽ tiếp tục giảm sau khi thị trường này lên đến đỉnh cao năm 2012. Nhiều người viết độc lập tự bán sách của mình trên nền tảng kỹ thuật số (có những cuốn chỉ bán rẻ ở mức 0,99 đô la Mỹ) sẽ phải đi kiếm nghề khác hoặc trở lại nghề cũ của mình. Người đọc đã cảm thấy mất thời gian với các tác phẩm e-book làng nhàng và muốn quay về với văn học cùng việc đọc sách in.
Thị trường sách in còn được hà hơi tiếp sức bởi trào lưu sách tô màu cho người lớn (adult coloring book). Đã có hàng triệu người đam mê loại sách này ở Mỹ, chúng được bày đầy các tiệm sách, người mua có thể chọn phong cảnh đô thị, bướm và hoa, đời sống biển cả… để giải tỏa áp lực cho mình với những cây bút tô màu trong tay, rồi đưa lên Facebook, Instagram, Pinterest để “khoe”. Amazon đang bán hàng trăm đầu sách như vậy, trong tốp 20 bán chạy của Amazon hiện giờ có 9 đầu sách loại này.
Sự kiên cường đáng ngạc nhiên của sách in khích lệ nhiều nhà sách. Các nhà sách độc lập, vừa phải chiến đấu với e-book vừa phải cạnh tranh với ông lớn như Amazon, Barnes & Noble đang cho thấy dấu hiệu mạnh mẽ của sự hồi sinh. Hiệp hội Nhà sách Hoa Kỳ cho biết có 1.712 thành viên ở 2.227 địa điểm trong năm 2015. Tăng đáng kể so với năm 2010, khi có 1.410 thành viên ở 1.660 địa điểm. “Người ta từng nói đến chuyện sách in bị tiêu diệt chỉ là vấn đề thời gian nhưng kể cả 50-100 năm nữa, sách in vẫn là phân khúc lớn trong ngành chúng tôi”, Markus Dohle, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Penguin Random House có 250 chi nhánh trên toàn cầu, khẳng định.
Hệ thống nhà sách sống khỏe
Thí nghiệm gần đây của Amazon là rời khỏi không gian trực tuyến của mình để mở một nhà sách ở thành phố Seattle cho thấy Amazon hiểu tầm quan trọng của nhà sách thực. Tại cửa hàng, Amazon đã chuyển vũ khí mạnh nhất của họ là dữ liệu lớn từ nền tảng kinh doanh trực tuyến khổng lồ thành một loại dữ liệu thông minh, có xúc cảm, đem lại giá trị tăng thêm cho khách hàng của mình với những cuốn sách in chỉ bằng giá với cuốn sách điện tử.
Có lẽ vì Amazon học được bài học rất thiết thực từ các nhà sách Borders, Barnes & Noble, Waterstones. Nhà sách Borders với hệ thống 511 cửa hàng và 19.500 nhân viên trên khắp nước Mỹ đã bị phá sản năm 2011 một phần bởi bàn tay của Amazon. Nếu Borders vượt qua cơn khủng hoảng đó thì họ đã sống tốt trở lại vào năm 2012 khi e-book xuống dốc.
Hệ thống nhà sách Barnes & Noble lớn nhất nước Mỹ với 640 cửa hàng để sống sót đã phải mở ra bán mọi thứ, bên cạnh sách, rồi phát triển e-book, phát triển cả máy tính bảng Nook để làm đối trọng với Kindle của Amazon. Đã có lúc người ta gọi “Barnes & Noble là cửa hàng trưng bày của Amazon”.
Nhưng việc chạy theo Amazon đó đã khiến Barnes & Noble mất bản sắc, trở thành bản sao mờ nhạt của Amazon, dẫn đến thua lỗ liên miên. Số nợ dài hạn của họ năm 2015 tăng gấp ba lần so với năm 2014, lên 192 triệu đô la Mỹ, cổ phiếu của họ mất giá 60%, doanh số bán hàng trực tuyến giảm 22%, các sản phẩm liên quan đến Nook giảm doanh số 32%. Trong bốn năm qua, họ dùng đến năm tổng giám đốc, chẳng khác gì Yahoo, mà chưa thấy lối ra. Mặt hàng bán chạy nhất của Barnes & Noble là album 25 của ca sĩ Adele, Tổng giám đốc hiện thời Ron Boire cho biết ngày đầu tiên mở bán 25 lập kỷ lục lịch sử của hệ thống. Nhưng có lẽ cả Adele cũng không đưa Barnes & Noble trở lại vinh quang cũ.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nhà sách Waterstones lớn nhất nước Anh với 280 cửa hàng vào năm 2011 cũng đối diện với tình trạng phá sản khi gặp đe dọa từ Amazon và cả Barnes & Noble. Nhưng bây giờ, Waterstones chưa đóng cửa hàng nào, thậm chí mở thêm một số cửa hàng kiểu lớn ở trung tâm mua sắm các đô thị và kiểu nhỏ ở các nhà ga tàu điện. Waterstones khác với Barnes & Noble là họ chỉ chủ lực vào sách in, chứ không bán mọi thứ. Phải nói niềm đam mê của Tổng giám đốc James Daunt đã giữ cho Waterstones trụ lại. Ông ta biết nếu hệ thống sụp đổ, nhiều nhà xuất bản vừa và nhỏ lấp đầy sách trên các cửa hàng của Waterstones và luôn hỗ trợ cho các tác giả mà ông yêu thích sẽ đổ theo.
Nhưng cũng phải nói Daunt gặp may mắn vì khoản nợ 260 triệu đô la Mỹ vào năm 2011 đã nhấn chìm Waterstones nếu họ không được tỉ phú người Nga Alexander Mamut cứu. Giới nhà giàu Nga đến Anh định cư, người thì mua đội bóng, người thì sưu tập nghệ thuật nhưng Mamut lại thích sách. Bằng các chiến lược về nhân sự, mặt bằng, độc giả và cũng nhờ xu hướng sách in trỗi dậy trở lại, Daunt đã đưa Waterstones trở lại ngoạn mục, tỷ lệ sách trả về các nhà xuất bản bây giờ chỉ còn 4%, và họ có lợi nhuận trở lại.