Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Suy nghĩ về toa thuốc bác sĩ

Vừa rồi, bài viết trên một tờ báo có phản ánh về tình trạng bác sĩ kê toa thuốc với những loại “thuốc” không cần thiết, hoặc cho liều thuốc quá cao. Cũng là một người trong ngành y, nhân đọc bài này, tôi xin góp chút suy nghĩ về giải pháp.

Bất cứ sinh viên y khoa nào cũng thuộc câu này: “không có chứng bệnh, chỉ có người bệnh”, nghĩa là có thể cùng một bệnh (ví dụ cảm) nhưng biểu hiện triệu chứng ở mỗi người rất không giống nhau, từ đó thuốc dùng, cách điều trị và liều lượng, tất nhiên cũng thay đổi. Người thầy thuốc viết toa theo biện luận của mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm những điều mình viết. Ngay cả khi cho liều thuốc cao hơn thông thường, phải ghi rõ “tôi cho liều này” và ký tên dưới hàng chữ đó. Có nơi còn cẩn thận quy định các loại toa này phải được duyệt của cấp trên (trưởng khoa hay lãnh đạo bệnh viện).

Cũng từ câu nói trên, thầy thuốc phải dặn dò và kiểm tra xem bệnh nhân có hiểu sai y lệnh không.

Dưới góc nhìn quản lý, muốn bác sĩ không ghi toa một loại nào, ví dụ thực phẩm chức năng thì danh mục của bệnh viện không được có tên những mặt hàng này để ghi toa (qua mạng vi tính). Danh mục này phải thường xuyên cập nhật.

Ở mỗi nhà thuốc bệnh viện nên có bàn hướng dẫn bệnh nhân cách dùng thuốc (theo quy chế). Làm tốt điều này sẽ giảm gần hết khiếu nại thắc mắc của bệnh nhân, nhất là bác sĩ rất ít khi hướng dẫn tường tận vì bệnh nhân đông và vì... hay quên. Bệnh nhân không bắt buộc phải mua thuốc tại bệnh viện hay phải mua hết tất cả thuốc một lần.

Các sai sót về lỗi hành chính trên toa thuốc, chiếm khoảng 70%, sẽ được giải quyết tốt khi phối hợp giữa phòng vi tính và khoa dược.

Bình toa thuốc hàng tuần nên kết hợp với khách mời là giảng viên trường Y dược và làm thật, tránh qua loa.

Hàng tuần khoa dược phải báo cáo giá trị toa thuốc bình quân để ban giám đốc kịp thời có hướng điều chỉnh. Khoa dược cũng phải báo cáo bao nhiêu toa thuốc quá đắt tiền của bác sĩ nào? khoa nào? (hợp tác với phòng vi tính để sao lọc và in ra), từ đó giám đốc bệnh viện nắm rõ tình hình và trình độ của bác sĩ ở bệnh viện mình.

Hàng tháng phải báo cáo được tỷ lệ tiền thuốc trên tổng số viện phí là bao nhiêu, phản ánh tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm. Ở các nước phát triển, tiền thuốc thường chiếm 20-25% trên tổng viện phí; tại Việt Nam, từng thời điểm, có nơi trên 80%.

Nếu bệnh viện có mạng vi tính tốt, mỗi ngày giám đốc bệnh viện chỉ cần 15-30 phút lướt qua mạng hoạt động, có thể biết rõ bác sĩ nào lạm dụng thuốc, ai là người có quan hệ không rõ ràng với các hãng thuốc để chấn chỉnh.

Các giám đốc nên trực tiếp ký hồ sơ ra viện, để kịp thời phát hiện sai sót của bộ máy quản lý và biết rõ khả năng chuyên môn của từng bác sĩ. Không nhất thiết các giám đốc phải là người giỏi nhất trong bệnh viện mới làm được chuyện này, chỉ cần các giám đốc thực sự biết... những gì mình không biết để... tự học thêm.

***

Từ bao giờ, xã hội vẫn mong đợi, đòi hỏi người nhân viên y tế phải chuẩn mực so với nhiều ngành khác. Dù vậy, đừng cho là không công bằng mà nên xem đó là thách thức. Sau cơn mưa, các bạn sẽ bị ướt, nhưng chắc chắn rằng con đường trước mặt mà mình đã chọn sẽ bớt bụi bặm và trơn trợt. Nên hoan nghênh những bài viết chân thực giúp chúng ta làm tốt hơn mong đợi của người dân.

BS. Phan Trung Vân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối