Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Tác phẩm văn học lên phim, bộ mặt mới của điện ảnh?

LINH NGUYỄN -

Hiện tượng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh với doanh thu nghe đâu lên tới gần 80 tỉ đồng chỉ sau tháng đầu tiên công chiếu vào cuối năm ngoái đã thôi thúc các nhà làm phim bắt tay vào việc đưa nhiều hơn các tác phẩm văn học lên màn ảnh rộng. Mới đây, lại một cuốn sách nữa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là Cô gái đến từ hôm qua được đạo diễn Phan Gia Nhật Linh (đạo diễn phim từng đạt doanh thu kỷ lục của phim Việt – Em là bà nội của anh) chuyển thể lên màn ảnh rộng.

Trong tình cảnh khan hiếm các kịch bản phim hay, có cốt truyện đặc sắc thì việc chuyển thể từ các tác phẩm văn học sang điện ảnh liệu có đem đến một bộ mặt mới cho điện ảnh?

VH_1

Mối lương duyên

Chuyển thể từ văn học sang điện ảnh nghĩa là cải biên nội dung của một tác phẩm văn học và biên kịch lại sao cho phù hợp với điện ảnh. Theo đó, có hai phương thức chuyển thể chủ yếu: chuyển thể nguyên vẹn tác phẩm văn học (trung thành với nguyên tác); chuyển thể theo hướng lựa chọn tự do, cắt bỏ từng phần tác phẩm văn học và phóng tác (xây dựng phim từ những ý tưởng gợi ý của một hoặc vài ý tưởng văn học theo ý đồ của đạo diễn). Tuy nhiên, việc đưa sách lên màn ảnh ít hay nhiều thì điều quan trọng là nhà làm phim phải có tiếng nói chung với nhà văn, sáng tạo nhưng không được quá sai lệch nội dung tác phẩm, khai thác và chuyển tải được chiều sâu, cái hồn của tác phẩm văn học và thể hiện một cách tinh tế bằng những thước phim cho những khán giả trước đó đã đọc qua tác phẩm văn học và những tác giả chưa từng đọc qua cùng cảm nhận được giá trị cốt lõi mà tác phẩm văn học cũng như điện ảnh mang tới.

Ở Việt Nam, xu hướng chuyển thể thành phim điện ảnh từ văn học không quá mới lạ và đã xuất hiện từ lâu với những bộ phim dựa trên những truyện ngắn hoặc tiểu thuyết nổi tiếng của văn học trong nước như Vợ chồng A Phủ, Mẹ vắng nhà, Chị Dậu, Làng Vũ Đại ngày ấy, Bến không chồng, Thời xa vắng, Tuổi thơ dữ dội… Những tác phẩm điện ảnh kể trên đều thành công và để lại ấn tượng trong lòng khán giả lúc bấy giờ. Nhưng có một khoảng thời gian dài dòng phim hài, thị trường, nặng về giải trí, cốt truyện hời hợt tràn ngập các rạp chiếu phim, điện ảnh Việt Nam vắng bóng các bộ phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học, chỉ cho đến khoảng thời gian gần đây các nhà làm phim đã bắt đầu quay trở lại với dòng phim này với một vài tác phẩm đáng chú ý như Cánh đồng bất tận, Quyên, Người về bến sông Châu, Thiên mệnh anh hùng, Chuyện của Pao, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh…

Các nhà sản xuất phim hiện đang bắt đầu rục rịch với những dự án phim chuyển thể được khai thác từ nguồn văn học từ cổ xưa đến hiện đại, tiêu biểu có bộ phim Tấm Cám – chuyện chưa kể của đạo diễn kiêm nhà sản xuất Ngô Thanh Vân dựa trên cốt truyện cổ tích Tấm Cám sẽ được chiếu vào tháng 8 năm nay và mới đây nhất là dự án phim Cô gái đến từ hôm qua dựa trên truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Truyện Cô gái đến từ hôm qua đã bán được hơn 200.000 bản kể từ năm 1990 và Nguyễn Nhật Ánh hiện là nhà văn có nhiều tác phẩm văn học được đưa lên màn ảnh như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Áo trắng sân trường, Nữ sinh, Buổi chiều windows, Bồ câu không đưa thư, Chú bé rắc rối, Bong bóng lên trời, Kính vạn hoa.

Đâu phải cứ truyện hay là có phim hay

Việc đưa một tác phẩm văn học lên màn ảnh không hề dễ dàng, nhất là với những tác phẩm đã thành danh và ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả, bởi từ văn học lên phim là một khoảng cách khá xa. Văn học được kể bằng câu chữ còn điện ảnh thì được kể bằng hình ảnh, âm thanh, màu sắc. Các đạo diễn làm phim chuyển thể gặp khá nhiều áp lực với công chúng đã từng đọc qua sách khi lời văn, câu chữ trong sách đã in sâu trong tâm trí họ và chắc chắn yêu cầu về chất lượng phim của họ sẽ cao hơn những khán giả khác và việc bị so sánh giữa tác phẩm văn học và phim là điều không thể tránh khỏi.

Điều này chính là thách thức của các đạo diễn và biên kịch trong việc nâng tầm tác phẩm văn học lên ngôn ngữ điện ảnh, làm sao để có một bộ phim hay, đậm chất điện ảnh mà vẫn giữ được cái hồn của tác phẩm văn học dù là khi khán giả đọc qua các trang sách hay khi xem qua những thước phim. Có nhiều người chỉ thích xem phim mà không có sở thích đọc sách, thế nên nếu tác phẩm văn học thành công khi lên phim, chắc chắn nó sẽ có thêm nhiều độc giả mua sách. Nói đâu xa, điển hình chính là tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã được tái bản thêm 35.000 bản sách ngay sau thành công của bộ phim cùng tên.

Giới chuyên môn đánh giá Việt Nam không thiếu những tác phẩm văn học xuất sắc được thế giới biết đến, tuy nhiên để tạo nên được những tác phẩm điện ảnh chuyển thể gây tiếng vang thì các nhà làm phim phải đối mặt với nhiều khó khăn, như khâu tuyển chọn diễn viên, bối cảnh phim…, bởi nếu một tác phẩm văn học hay, được biên kịch kỹ lưỡng đến đâu chăng nữa nếu như diễn viên diễn kém và bối cảnh không phù hợp với kịch bản thì bộ phim cũng sẽ thất bại thảm hại. Thế nên, biết tận dụng nguồn chất liệu văn học dồi dào có sẵn là một chuyện nhưng việc làm sao để biến nguồn chất liệu này thành những thước phim tạo dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả thì phải dựa vào tài nghệ của người đạo diễn. Biến những tác phẩm văn học hút khách thành những tác phẩm điện ảnh gần gũi, chạm vào trái tim khán giả không phải là điều dễ dàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối