(SGTTO) - Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội 16.000 tỷ đồng để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc đối với người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm triển khai chương trình cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc.
Dự thảo Thông tư được Ngân hàng Nhà nước đưa ra sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo đó, dự thảo quy định tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 16.000 tỉ đồng, lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm, lãi suất tái cấp vốn quá hạn là 0%/năm.
Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước giải ngân tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội. Khoản vay không cần tài sản bảo đảm.
Trường hợp đến hết ngày 31/1/2021 Ngân hàng Chính sách xã hội không giải ngân hết tiền vay tái cấp vốn theo quy định tại Quyết định 15/2020/QĐ-TTg và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg thì chậm nhất ngày 10/2/2020, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả Ngân hàng Nhà nước số tiền vay không giải ngân hết.
Trường hợp phát sinh tiền trả nợ của người sử dụng lao động vay vốn theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, trong thời hạn 5 ngày làm việc đầu tháng tiếp theo, Ngân hàng Chính sách xã hội phải sử dụng toàn bộ số tiền trả nợ từ người sử dụng lao động trong tháng để trả trước hạn nợ vay tái cấp vốn Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho vay người sử dụng lao động từ nguồn vay tái cấp vốn theo thứ tự từ Khế ước nhận nợ còn dư nợ được ký sớm nhất, trừ trường hợp khoản vay của người sử dụng lao động đã được xóa theo quy định tại Khoản 4 Điều 17 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg.
Gói vay 16.000 tỉ đồng lãi suất 0% để người sử dụng lao động trả lương ngừng việc sau một thời gian triển khai vẫn chưa thể giải ngân do điều kiện vay quá khắt khe. Nghị quyết số 154 và Quyết định số 32 vừa được Thủ tướng ban hành đã nới lỏng hơn các điều kiện vay.
Theo đó, điều kiện vay vốn là người sử dụng lao động có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12; có doanh thu quý 1/2020 giảm 20% trở lên so với quý 4/2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/ 2019.
Doanh nghiệp được vay tối đa không quá 3 tháng trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12. Mức cho vay tối đa một tháng bằng 50% mức lương tối thiểu vùng (x) số người lao động bị ngừng việc và mỗi khách hàng được vay vốn.
Lãi suất cho vay là 0%/năm. Lãi suất nợ quá hạn là 12%/năm. Thời hạn cho vay do ngân hàng chính sách nơi cho vay và khách hàng thỏa thuận nhưng không quá 12 tháng, kể từ ngày giải ngân món vay đầu tiên.
HN tổng hợp