- Ngắm nghía “hồn Tết” được tái hiện trong lễ hội ở Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM
- Mâm cúng dịp tết nay đã giản đơn, “hội nhập” hơn xưa
Buổi tái hiện thuộc chuỗi các hoạt động gồm trưng bày, thực hành nghi lễ cung đình, trải nghiệm tương tác với chủ đề “Tân Sửu nghênh Xuân” diễn ra từ ngày 4/2 đến 1/3/2021.
Theo nhà sử học Lê Văn Lan, nghi lễ "Tiến Xuân ngưu" hay "đả Xuân ngưu" nghĩa là dâng con trâu mùa Xuân lên nhà vua, hay đánh roi vào con trâu mùa Xuân là nghi thức của văn hóa cung đình xưa.
Tuy nhiên, nó đã lan ra toàn bộ kinh thành Thăng Long, thu hút sự tham gia của toàn dân kinh kỳ, trở thành 1 lễ thức cực quan trọng từ thời Lê, Lý, Trần, được tiến hành vào mỗi dịp lập Xuân.
Buổi tái hiện thành hình dựa trên kết quả nghiên cứu về nghi lễ cung đình, bao gồm các nghi thức diễn ra tại sân Điện Kính Thiên như: Rước Xuân ngưu (rước trâu Xuân từ Đoan Môn), tiến Xuân ngưu (dâng trâu Xuân - trâu đất nhỏ lên vua), ban Xuân ngưu (vua ban lại trâu đất nhỏ giống như ban lộc cho các quan) và đả Xuân ngưu (đánh trâu Xuân).
Khi tái hiện nghi lễ, ý nghĩ xa của nó cũng được nhấn mạnh một lần nữa. Theo đó, Sửu tượng trưng cho tháng Chạp, như vậy con trâu gắn liền với tháng cuối cùng của mùa Đông năm cũ. Dùng roi dâu với giá trị trừ tà ma để quất tượng trưng vào con trâu đất là đánh vào sự cũ kỹ, lạnh giá của mùa Đông, đón năm mới vào đúng tiết lập Xuân.
Bên cạnh ý nghĩa tống tiễn năm cũ đón chào năm mới, con trâu còn nhắc lại cho chúng ta về tính biểu tượng của nó. Con trâu chính là "sức kéo văn hóa, văn minh nông nghiệp, tượng trưng cho tình bằng hữu thân thiết giữa người với vật để làm kinh tế, thúc đẩy xã hội."
Nhà sử học cho biết Hoàng Thành Thăng Long đã dự kiến và chuẩn bị cho buổi tái hiện này từ năm Canh Tý 2020, song vì nhiều lý do mà chưa thể thực hiện nên phải chờ đến năm nay 2021.
Bên cạnh "Tiến Xuân ngưu" ông cũng kỳ vọng có nhiều nghi lễ cổ được phục dựng và tái hiện hơn. Tuy rằng năm nay có một số cản trở do bối cảnh dịch Covid-19 trở lại.
"Nhưng chúng ta đã có đà, khi nào những cản phá ấy tan biến đi thì ta sẽ đồng loạt dựng lại một loạt những giá trị lễ nghi truyền thống của riêng khu Hoàng Thành này..." ông nói, bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng khôi phục các giá trị của thủ đô, của cả nước và của thời đại.
Đưa cháu nhỏ tới xem, ông Nguyễn Văn Đô, thành viên Câu lạc bộ thư pháp trong Hoàng Thành Thăng Long chia sẻ: "Đây là việc rất có ý nghĩa. Tôn ti, trật tự, nghi lễ được đưa vào cho các cháu, phải hiểu khi đến nơi thờ cúng thì phải có sự tôn nghiêm. Việc đánh trâu cũng mang ý nghĩa riêng".
Theo TTXVN