Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Tai họa không ngờ từ vết thương nhỏ

Khánh Ngân -

Nhiều người cho rằng bệnh uốn ván là do nhiễm trùng bởi đạp đinh sét hay vật nhọn bị gỉ sét, thế nhưng trên thực tế bệnh xuất phát từ những vết thương nhỏ không thể ngờ như xóc dằm, đứt tay, xỉa răng, ngoáy tai, cá đâm tay... Trung bình, mỗi năm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM tiếp nhận 250-300 ca bệnh uốn ván, trong đó có nhiều trường hợp gây ra bởi vết thương rất nhỏ.

Lá trúc quẹt mắt cũng nằm thở máy

IMG_2677Nhiều bệnh nhân uốn ván đang được theo dõi tại Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực-Chống độc người lớn của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Mới đây, ông H., 62 tuổi, ở Đồng Tháp được người nhà đưa lên TPHCM để nhập viện cấp cứu vì ông bị cứng hàm, cứng cơ cổ, cơ lưng và tứ chi. Người nhà ông kể, hơn 10 ngày trước ông đi ra thăm vườn, một cơn gió nhẹ thoáng qua làm lá trúc quẹt vào mắt khiến ông thấy xốn. Nghĩ rằng chỉ như bụi bay vào mắt nên ông H. cũng không kể với con cháu. Cứ ngứa, xốn thì ông lấy tay dụi mắt.

Vài ngày sau, mắt ông sưng bụp, đỏ và rất đau. Ông mua thuốc nhỏ mắt về tự điều trị, nhưng không đỡ. Người nhà đưa ông đi khám ở cơ sở y tế địa phương, bác sĩ chẩn đoán ông bị đau mắt đỏ và cho thuốc nhỏ mắt. Thêm mấy ngày nhỏ thuốc cũng chẳng thuyên giảm, và rồi trong bữa cơm chiều ông than đau miệng, không thể há miệng lớn và không nhai cơm được. Người nhà tưởng ông bị trúng gió nên cạo gió cho ông.

Đến đêm, ông bị gồng cứng toàn thân nên được đưa vào bệnh viện tỉnh cấp cứu và sau đó được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM với chẩn đoán bị uốn ván.

Một trường hợp khác mà nguyên nhân cũng không ngờ tới. Bà C., sống ở tỉnh Long An, chỉ vì tháo chiếc nhẫn đeo lâu ngày bị chật mà bà bị trầy xước tay và chỉ bốn ngày sau bà khởi phát triệu chứng của uốn ván: cứng hàm, cứng cơ cổ, lưng, tứ chi, co giật và khó thở. Bà cũng được người nhà đưa lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để cấp cứu.

Tình huống của anh T. ở quận 5 (TPHCM) cũng vậy. Anh chỉ bị sợi dây kẽm được quấn trên cây chổi làm xước chân thế mà sau đó anh cũng phải nhập viện và được chẩn đoán do uốn ván.

[box] Theo các bác sĩ, ngay sau khi bị thương, nhất là với những vật gỉ sét, dơ bẩn hay vết thương sâu thì cần phòng ngừa nhiễm trùng uốn ván bằng cách đến cơ sở y tế để tiêm ngừa huyết thanh kháng độc tố uốn ván. Nhưng trên hết là cần chủ động phòng ngừa bằng cách chích vắc xin uốn ván, nhất là với những người làm các ngành nghề thường xuyên tiếp xúc với các vật nhọn, có nguy cơ gây tổn thương phần mềm và uốn ván.[/box]

Theo dõi vết thương cẩn thận

Theo các bác sĩ, cùng với mầm uốn ván có sẵn trong các vật gây nên trầy xước, thương tích, thì một trong những nguyên nhân gây nên uốn ván là sự chủ quan của người bệnh với vết thương nhỏ.

Nhiều người, nhất là người dân ở vùng nông thôn, khi bị trầy xước, đứt tay luôn nghĩ là chuyện nhỏ nên chỉ cần lau khô máu và tiếp tục làm việc, dù đó là dùng tay không nhổ cỏ, trồng rau, gặt lúa, cào xới đất…, trong khi đây là môi trường sinh sống của bào tử uốn ván. Nguyên nhân gây nhiễm trùng uốn ván là do vi khuẩn tetanus có trong đất, cát, đinh, vật gỉ sét… xâm nhập.

Khi bị thương dù chỉ rất nhỏ, nếu việc xử lý vết thương không tốt, không đúng thì nha bào sẽ thoát vỏ thành vi khuẩn tetanus tiết ra độc tố gây uốn ván, gây nhiễm độc hệ thần kinh vận động. Người bệnh nhẹ thì bị cứng hàm, thay đổi giọng nói, khó nuốt, há miệng hạn chế. Trường hợp nặng hơn thì uống nước cũng bị sặc, đường thở bị co thắt, khi đó người bệnh có triệu chứng khó thở, nói đớ, cứng các cơ, co giật và nguy cơ tử vong rất cao nếu đến bệnh viện trễ. Hầu hết bệnh nhân nhập viện do nhiễm trùng uốn ván đều khá nặng, phải thở máy, mở khí quản, dùng thuốc an thần và kháng sinh liều cao.

Do đó, dù vết thương rất nhỏ như trầy xước da, bị chân chống xe quẹt phải, đứt tay, côn trùng cắn, xương cá hoặc xóc dằm... cũng không được chủ quan. Nếu vết thương không được xử trí ban đầu tốt thì tỷ lệ nhiễm trùng từ vết thương nhỏ này cũng rất cao, trong đó vi trùng uốn ván rất dễ tấn công vào vết thương này.

Theo bác sĩ Dương Bích Thủy, Phó trưởng khoa Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực-Chống độc người lớn của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, để phòng ngừa nhiễm trùng uốn ván thì cần phải chăm sóc vết thương cẩn thận. Bước đầu tiên là rửa sạch vết thương bằng nước sạch, hoặc dưới vòi nước để pha loãng vi khuẩn và đẩy chất bẩn ra ngoài. Tuyệt đối không được đắp thuốc rê, lá cây hay thuốc bột, vì dễ làm vết thương nhiễm trùng.

Nếu vết thương ra máu và nhiều bùn, đất, cát, có thể dùng ô xy già để sát khuẩn, đẩy các hạt bụi, cát bẩn và cầm máu. Sau đó, cần rửa sạch lại vết thương bằng xà phòng, lau khô, băng lại bằng gạc sạch và đến cơ quan y tế khám để được đánh giá vết thương, hướng dẫn chăm sóc, xử trí trong những ngày tiếp theo.

Trong quá trình chăm sóc vết thương, nếu phát hiện dị vật còn nằm sâu trong vết thương thì không được cố lấy ra vì sẽ làm vết thương càng chảy máu nhiều hơn và tình trạng nghiêm trọng hơn. Với những vết thương tự chăm sóc tại nhà, khi thấy dấu hiệu: đau tăng dần, phù nề, sưng phồng, đỏ vùng da quanh vết thương, bưng mủ, mùi khó chịu bốc ra từ vết thương, hạch sưng, vết thương lâu lành hoặc không lành... thì người bệnh cần đến bệnh viện ngay, vì có thể vết thương đã nhiễm trùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối