Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Tại sao lại 10.000 bước chân mỗi ngày?

(SGTTO) - Chúng ta thường đọc đâu đó hay nghe bạn bè khuyên rằng muốn khỏe mạnh thì mỗi ngày đi bộ 10.000 bước chân. Vậy tại sao lại là con số này mà không phải 12.000 hay 9.000 bước chân? Hóa ra, con số này cũng có những vấn đề lịch sử phía sau của nó.

10.000 bước chân - con số này lần đầu xuất hiện ở Nhật Bản vào năm 1965 khi một người đã tạo ra một chiếc máy đếm bước chân và đặt tên là Manpo-kei, dịch cụm từ này ra là 10.000 bước chân. Từ đó, dần dần người ta xem việc đi bộ 10.000 bước chân sẽ tốt cho sức khỏe và đặt mục tiêu mỗi ngày hãy Manpo-kei và tiêu chí này trở nên phổ biến hiện nay và được nhiều người công nhận là một “mục tiêu” cần thiết để vận động mỗi ngày.

Một trong những cách để đạt mục tiêu 10.000 bước chân mỗi ngày là đăng ký tham gia một vài giải chạy bộ phong trao để bản thân có kế hoạch tập luyện mỗi tuần. Ảnh: Các vận đông viên tại giải Việt dã Doanh nhân năm 2018.

Một thông tin nữa là theo cách tính lượng calo tiêu tốn sau một hoạt động. Cứ 2.000 bước chân con người có thể tiêu tốn 100 calo, do đó, 10.000 bước chân sẽ tiêu tốn của người vận động 500 calo. Tuy nhiên, đây chỉ là con số quy ước vì lượng calo tiêu tốn cho việc đi bộ còn tùy thuộc vào cân nặng, chiều cao, giới tính và tuổi tác của mỗi người. Tuy nhiên, việc đi bộ 10.000 bước chân, tương đương 6,5km nếu quy đổi ba bước chân tương đương 2m, cũng giúp người đi bộ tiêu tốn một lượng calo khá lớn trong ngày.

Tổ chức  Y tế Thế giới (WHO) cũng đã có một báo cáo dài 34 trang phân tích những lợi ích của đi bộ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi người như thế nào. WHO cũng lý giải chọn 10.000 bước chân mỗi ngày là mong muốn những người ít vận động thay đổi thói quen bằng cách nâng số bước chân mỗi ngày lên. Đọc toàn bộ nghiên cứu của WHO về khuyến cáo cần đi 10.000 bước chân mỗi ngày tại đây. 

WHO chọn con số 10.000 bước chân cũng căn cứ trên một nghiên cứu tại các nước thuộc khu vực Thái Bình Dương vào năm 2006, với kết quả có 41-62% số người chỉ vận động chưa đến 5.000 bước chân mỗi ngày. Con số này cho thấy người dân ở những nước này đang ở trong tình trạng “lười vận động”.

“Đa phần những người ít vận động thường bước ít hơn 5.000 bước chân mỗi ngày nên 10.000 bước chân là con số phù hợp nhằm giúp những người ít vận động có những hoạt động thể chất cần thiết”, một đoạn trong báo cáo chỉ ra.

Năm 2017, một công bố của Đại học Stanford, Mỹ từ việc thu thập dữ liệu đi bộ trên điện thoại thông mình từ 700.000 người tại nhiều quốc gia cho thấy người Việt Nam thuộc nhóm lười đi bộ nhất thế giới, với trung bình gần 4.000 bước chân mỗi ngày. Vào tháng 7 vừa qua, hãng tin Bloomberg cũng dẫn một nghiên cứu từ Fitch Solutions Macro Research với nội dung Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ béo phì cao trong khu vực.

Thời gian qua, để nhân viên tăng cường các vận động thể chất, một số công ty ở Việt Nam đã có những chương trình "thách thức" như đi bộ hơn 8.000 bước chân mỗi ngày hay có công ty đưa thách thức "100km mỗi tháng" với phần thưởng giá trị. Bên cạnh đó, cũng có không ít những công ty đã mua vé chạy bộ cho nhân viên trong các giải chạy bộ phong trào mà mục đích cuối cùng là giúp nhân viên thoát khỏi ghế bành.

Như vậy, ở một khía cạnh nào đó, con số 10.000 bước chân mỗi ngày, tính ra là một muc tiêu khả thi với nhiều người vốn ít vận động, như lý giải của WHO nói trên.

Tiểu Kiều

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối