Khánh Ngân-
Theo thống kê của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, tại Việt nam có khoảng 60% người trên tuổi 65 và 85% người trên tuổi 80 bị thoái hóa khớp. Đặc biệt, tỷ lệ người trẻ tuổi bị thoái khớp chiếm đến 30%. Trước đây, thoái hóa khớp chỉ gặp ở người cao tuổi, còn hiện nay, bệnh lý này đang ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh. Tỷ lệ tàn tật của thoái hóa khớp gối ngang bằng với bệnh phổi và bệnh tim mãn tính.
Vốn là một cô gái năng động bỗng dưng thấy chân đau nhức, khi ngồi xuống đứng dậy gối kêu lụp cụp nên chị Nguyễn Thanh H. 24 tuổi, ở quận Tân Bình, TPHCM tìm cách chữa ngay là tập thể dục. Vì chị nghĩ, có thể do công việc văn thư của mình phải chạy bộ lên xuống cầu thang nhiều lần để đưa thư, đóng dấu khiến chân chị đau nhức. Thế nhưng, sau một tháng tích cực tập thể dục, chị nhận ra không giảm, mà còn đau hơn. Thậm chí, việc co duỗi chân cũng trở nên khó khăn. Chị H. đến bệnh viện khám thì bác sĩ cho biết chị bị thoái hóa khớp nặng, bị lệch trục nên đi lại rất khó khăn. Lúc này, chị mới nhớ 5 năm trước, chị từng bị trẹo đầu gối trong một lần đi leo núi bị trượt ngã. Sau đó, chị được một người bạn cho thuốc “võ” gia truyền của gia đình để thoa và băng bó mỗi ngày nên 10 ngày sau chị đi lại được bình thường và quên mất chuyện đi khám.
Uống thuốc điều trị nội khoa không hiệu quả, bác sĩ chỉ định chị thay khớp nhân tạo toàn phần, nhưng nỗi lo sự phục hồi vận động khi thay khớp nhân tạo làm chị trù trừ, chấp nhận “những bước chân như giẫm lên gai”.
Nay, tiến bộ trong y học có thể không nhất thiết phải thay khớp toàn phần. PGS.BS. Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, trước đây, khi chưa có phương pháp thay khớp gối bán phần, những người bị thoái hóa khớp gối thường phải chịu đựng cơn đau dai dẳng cho đến lúc không thể đi lại mới được chỉ định thay khớp gối toàn phần. Khi thực hiện kỹ thuật này, những bộ phận không bị tổn thương như dây chằng chéo, khớp lành và một số phần mềm khác đều bị cắt bỏ. Đối với người bệnh còn trẻ tuổi, kỹ thuật này ảnh hưởng nhiều đến sự phục hồi vận động sau này. Hiện nay có phương pháp mới là thay khớp gối bán phần, tức chỉ thay 1 bên tổn thương, không phải toàn bộ mặt khớp giúp ít mất máu, bảo tồn xương nhiều hơn, phục hồi chức năng tốt hơn.
Thay khớp gối bán phần thường được chỉ định cho những người bệnh thoái hóa chỉ một khoang khớp gối. Gần đây, với cải tiến về kỹ thuật và kết quả sau mổ tốt hơn nên kỹ thuật thay khớp gối bán phần ngày càng được chỉ định nhiều đối với các người bệnh ở độ tuổi trẻ bị thoái hóa khớp với mục đích phục hồi vận động nhanh hơn sau phẫu thuật. Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đi tiên phong trong việc áp dụng khớp gối nhân tạo di động (mobile bearing) trong việc thay khớp cho người bệnh trẻ tuổi, cần vận động nhiều. Đây là loại khớp gối có thể xoay, tăng độ linh hoạt, độ mòn ít hơn, có thể gia tăng thời gian sử dụng khớp nhân tạo từ 10 năm lên đến 15 năm, đến khi cần thay lại khớp cũng sẽ dễ dàng và mau bình phục hơn.
Khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện này đã tiến hành thay khớp bán phần di động cho nhiều người bệnh bị thoái hóa khớp gối. Điển hình là trường hợp bà Mai Thị S., 45 tuổi, ở Tiền Giang. Công việc của bà S. thường phải đi bộ nhiều, ngồi xổm, leo cầu thang… nên đã dẫn đến bị thoái hóa khớp sớm. Khi di chuyển, bà cảm thấy rất đau, co duỗi gối phát ra tiếng kêu lụp cụp. Cách đây 1 năm, bà đã thay khớp gối toàn phần bên trái với vết mổ khá dài, 15 cm và 7 tuần sau mổ mới gấp duỗi gối 110 độ. Còn lần này, với phương pháp thay khớp gối bán phần, bà S. cảm thấy cuộc phẫu thuật nhẹ nhàng hơn lần trước, ít đau, ít mất máu, vết mổ ở chân phải nhỏ hơn, chỉ khoảng 10 cm và chỉ sau 3-4 tuần thì bà đã gập duỗi gối 110 độ. Hiện nay khả năng vận động của bà đã được cải thiện rõ rệt, đã tiếp tục quay về với công việc hàng ngày.
Bà Mai Thị S., 45 tuổi, ở Tiền Giang với hai vết mổ thay khớp gối toàn phần (chân trái, vết mổ dài) và thay khớp nhân tạo bán phần với đường mổ ngắn, hồi phục nhanh (chân phải).
Thoái hóa khớp là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại sụn, xương dưới sụn. Sự mất cân bằng này có thể do nhiều yếu tố như di truyền, chuyển hóa và chấn thương. Phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa khi bảo tồn không còn hiệu quả. Các kỹ thuật ngoại khoa được ứng dụng trong điều trị thoái hóa khớp gối khá đa dạng như nội soi (cắt lọc, tạo vi gãy xương kích thích tủy, cấy tế bào sụn tự thân), ghép sụn xương tự thân, ghép sụn xương đồng loại, cắt xương sửa trục, liệu pháp tế bào gốc và thay khớp (thay khớp gối bán phần và toàn phần). Trong đó, sự ra đời của khớp gối nhân tạo và tay nghề của phẫu thuật viên chấn thương chỉnh hình được nâng cao đã tạo ra thay đổi lớn trong việc điều trị bệnh thoái hóa khớp gối.
Thay khớp gối là phẫu thuật cắt đi lớp sụn đầu xương đã bị hư hoại và thay vào đó là lớp mỏng kim loại bao bọc đầu xương tránh cho xương tiếp xúc trực tiếp với xương gây đau. Khớp gối nhân tạo được chỉ định thay trong những trường hợp thoái hóa khớp nặng, chân bị lệch trục, điều trị nội khoa không hiệu quả nhằm mục đích giảm đau, cải thiện khả năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống.
[box] Chuyên đề “Thay khớp gối bán phần” sẽ được chuyên gia chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM báo cáo tại Hội nghị Chấn thương chỉnh hình TPHCM lần thứ 24 được tổ chức từ ngày 4 tới 8-7 tuần này tại bệnh viện. Chủ đề chính của hội nghị là “Tái tạo khớp: quan niệm hiện hành và kiến thức mới” với 51 bài giảng và báo cáo trong lĩnh vực chuyên sâu như thay khớp háng chuyển động đôi, thay khớp gối với khớp nhân tạo thế hệ mới, ứng dụng hỗ trợ kiểm soát cắt xương bằng máy tính – navigation và thay khớp gối bán phần. Đây là dịp để các chuyên gia trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tham gia khóa đào tạo, huấn luyện và sinh hoạt khoa học.[/box]