(SGTT) - Ngay khi Công ty cổ phần Vắc-xin Việt Nam thông báo cho người dân vào trang web công ty đăng ký thông tin mua vắc-xin Covid-19 mà công ty này được phép nhập về và dù sau đó tạm hoãn đăng ký nhưng nhiều người đã đăng ký với kỳ vọng sớm tiếp cận với vắc-xin để có được lớp "màn bảo vệ" tuyệt đối từ loại virus nguy hiểm trên thế giới.
- Vắc-xin Covivac không quá 60.000 đồng, chống được biến chủng virus từ Anh và Nam Phi
- Thế giới sắp có văc-xin một liều duy nhất
- Tiêm vắc-xin ở Việt Nam có tốn tiền hay không?
Trông chờ tiêm vắc-xin Covid-19
Trước thông tin hơn 117.000 liều vắc-xin nhập khẩu đầu tiên được đưa về Việt Nam mấy ngày trước, nhiều người dân mong mỏi sớm được tiêm ngừa để không lo lắng về dịch bệnh.
Chị Nga ở quận 3, TPHCM hàng ngày chạy xe bán bánh mì dạo khắp phố phường. Chị rất lo lắng trước sự lây lan của Covid-19, nên chị trông chờ sớm có thể được tiêm phòng vắc-xin để an tâm buôn bán và không phải là "mầm bệnh lưu động" ảnh hưởng đến nhiều người.
Trường hợp khác, một nhóm bạn cả chục người cùng là nhân viên văn phòng ở quận 1, TPHCM dù không phải đi công tác hay di chuyển nhiều nhưng cũng bất an về dịch Covid-19. Họ đã đồng loạt đăng ký để được là một trong những người đầu được tiêm vắc-xin trên trang web của Công ty cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVN).
Trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch, một công ty trong ngành xây dựng cũng đã làm việc với VNVC để đăng ký mua vắc-xin Covid-19 cho 8.000 cán bộ nhân viên cùng người thân của nhân viên họ. Rải rác trên mạng mấy ngày gần đây, không ít công ty tuyên bố hỗ trợ tài chính mua vắc-xin cho nhân viên, khách hàng của mình, dù ai cũng biết thông tin này mang tính truyền thông nhiều hơn nhưng đằng sau là sự trông chờ vắc-xin của người lao động.
Có thể thấy vắc-xin Covid-19 đang trở thành tiêu chí để nhiều cá nhân, công ty, doanh nghiệp hướng đến trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến thời gian qua.
Người dân Mỹ đi tiêm vắc-xin với xu thế "nửa vời"
Tại Mỹ, câu chuyện tiêm vắc-xin cũng có nhiều điều để nói, nhất là về việc tin tưởng được bảo vệ hoàn toàn sau khi tiêm. Báo Sài Gòn Tiếp Thị có chia sẻ câu chuyện đi tiêm vắc-xin của người đàn ông gốc Việt tại Mỹ.
Ông cho biết, người dân ở Mỹ đang được tiêm vắc-xin của hai hãng dược là Moderna và Pfizer. Theo ông biết, vắc-xin chưa được sự chuẩn y (unapproved) của FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ), cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc lưu hành và sử dụng thực phẩm và dược phẩm.
Ông cũng hiểu điều này, vì thông thường, một vắc-xin được điều chế lần đầu phải trải qua một thời gian thử nghiệm rộng lớn và kéo dài trên dưới hai năm. Hiện nay, trước nhu cầu chống dịch khẩn cấp, chính quyền Mỹ phải sử dụng sớm vắc-xin sau một thời gian ngắn thử nghiệm, với khoảng gần 20 ngàn người tham gia.
Tuy nhiên, ông thấy rõ vì lý do trên, những người được tiêm vắc-xin đủ liều cũng không đảm bảo được miễn nhiễm 100%. Theo ông tìm hiểu, với vắc-xin Pfizer, sau mũi tiêm thứ nhất, khả năng miễn nhiễm đạt trên 60%, sau mũi tiêm thứ hai đạt trên 90%.
Cũng nói đến chuyện tiêm vắc-xin ở Mỹ, nhiều người đã nhận ra vắc-xin không có công dụng đồn thổi là "thần dược" vì vừa qua tờ Washington Post đưa tin trường hợp của nghị sĩ ở Mỹ dương tính với Covid-19 dù đã được tiêm vắc-xin.
Vắc-xin AstraZeneca hiệu lực chứng minh bảo vệ người tiêm từ 76-82%
Ngày 24-2 vừa qua, chuyến bay mang những liều vắc-xin Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM. Lô hàng gồm 117.600 liều vắc-xin Covid-19 đầu tiên này do Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam và Công ty cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC) đại diện. Vắc-xin phòng Covid-19 này của AstraZeneca được Bộ Y tế phê duyệt cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh tại Việt Nam.
Vắc-xin chống Covid-19 của AstraZeneca sử dụng vector vi-rút mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng virus gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2. Sau khi tiêm vắc-xin, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công virus SARS-CoV-2 nếu cơ thể bị nhiễm virus sau đó.
Theo như công bố của VNVC, kết quả chứng minh hiệu lực của vắc-xin đạt được 76% sau một liều đầu tiên, và hiệu lực bảo vệ này được duy trì đến liều thứ hai. Nếu khoảng thời gian giữa hai liều từ 12 tuần trở lên, hiệu lực vắc-xin tăng lên 82%.
Hai loại vắc-xin của Việt Nam nghiên cứu hiệu lực tới đâu?
Theo như Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen, doanh nghiệp sản xuất vắc-xin Nanocovax cho biết Nanocovax là vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên của Việt Nam đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Những mũi tiêm đầu tiên triển khai từ 17-12-2020.
Nanocovax là vắc-xin tái tổ hợp protein S, là đoạn gai của virus SARS-CoV-2, với ba loại liều lượng 25 mcg, 50mcg, 75mcg. Qua thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, chuột hamster, khỉ và thỏ, kết quả cho thấy vắc-xin đảm bảo về an toàn.
Điểm mạnh của vắc-xin Việt Nam là bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ), trong khi vắc-xin của một số hãng đang sản xuất phải bảo quản đến nhiệt độ thấp hơn nhiều.
Theo dự kiến đầu tháng 3-2021 Việt Nam sẽ thử nghiệm lâm sàng trên người vắc-xin Covid-19 mang tên COVIVAC do Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển. Đánh giá ban đầu của các cơ quan chuyên môn, vắc-xin có hiệu quả với biến chủng của Anh và Nam Phi.
IVAC cho biết dự án nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin COVIVAC của IVAC trực thuộc Bộ Y tế được nghiên cứu từ tháng 5-2020 trên cơ sở hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế sản xuất.
IVAC dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2021. Đơn vị nhận thử nghiệm là Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (NIHE) và Trường đại học Y Hà Nội.
Cùng với hai vắc-xin trên Việt Nam đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng của vắc-xin thứ 3 "made in Vietnam" do VABIOTECH sản xuất. Bộ Y tế tin tưởng với việc sản xuất vắc-xin, Việt Nam có thể chủ động, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, sẵn sàng phục vụ đại dịch.
Dung Trần