(SGTTO) - Trong một lần đi thiện nguyện ở vùng đất nghèo, doanh nhân Phan Thị Tuyết Mai đã có duyên tìm hiểu về cây chùm ngây. Loại cây này đã lôi cuốn và dẫn dắt bà cho ra đời hàng trăm chế phẩm cùng cuốn sách hướng dẫn nấu ăn với rau chùm ngây.
Lật giở từng trang sách của quyển “Cooking with Madame Tuyết Mai”, hẳn người đọc sẽ bất ngờ bởi những nét chữ viết tay nắn nót, bay bổng như cuốn nhật ký của một người nghệ sĩ, hơn là của một doanh nhân – kỹ sư hóa. Với mong muốn giới thiệu giá trị của cây chùm ngây đến với nhiều người, bà Tuyết Mai đã mất tám năm để nghiên cứu và hoàn thành quyển sách.
Quyển sách với kích thước nhỏ gọn như cuốn sổ tay, bà ghi lại tất cả từ cách trồng cây, làm bột... đến cách chế biến món ăn với chùm ngây từ trái tới lá.
Tôi viết tay để người đọc cảm nhận sự gần gũi, truyền cảm hứng và bằng tiếng Anh với mong muốn có thể giới thiệu ra thế giới loại cây quý của Việt Nam
Bén duyên qua một lần thiện nguyện
Mở đầu câu chuyện về hành trình chinh phục cây chùm ngây, bà Tuyết Mai cho biết, bà vốn là một kỹ sư hóa thực phẩm, kinh doanh trong lĩnh vực thủy hải sản và sản phẩm nông nghiệp 32 năm. Với tinh thần của một nhà khoa học, bà Mai luôn tìm cách để nâng cao giá trị các sản phẩm của Việt Nam. Năm 2009, bà thực hiện đề án về cá tra giàu Omega 3 để phát triển loại thủy sản này. Bà muốn nhiều người thay đổi suy nghĩ về cá tra và thức ăn của người Việt có giá trị dinh dưỡng cao hơn.
Đến năm 2011, bà Tuyết Mai bén duyên với cây chùm ngây và bắt đầu nghiên cứu sâu về đề án trồng và phát triển loại cây này ở Việt Nam. Năm ấy, bà có đợt đi thiện nguyện xây nhà tình nghĩa cho bà con ở vùng Đắk Gley (Tuy Phong, Bình Thuận). Khi đến đây, bà thấy người dân tộc nghèo thường dùng cây này để nấu ăn hằng ngày.
Tò mò về công dụng của loài cây quen thuộc và bé nhỏ này, bà Tuyết Mai đã nghiên cứu sâu hơn và được biết, cây chùm ngây có tên khoa học là Moringa. Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, cây chùm ngây dễ sinh trưởng kể cả nơi có nạn đói xảy ra, cứu hàng triệu người bởi dinh dưỡng mà chúng mang lại. Vì vậy, cây chùm ngây còn được gọi là “cây độ sinh” theo Phật giáo, hay là “cây kì diệu” theo các nhà khoa học nhìn nhận vì có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Cụ thể, lá cây Moringa có đến 17 loại axit amin tự nhiên cần thiết cho con người. "Điều quan trọng nhất là chúng cân bằng giữa các thành phần dinh dưỡng. Tôi đọc và thấy rất hay, tôi mới đem hạt cho những người dân vùng quê nghèo, bảo họ trồng thử”, bà Mai kể. Song, khi nhận được hạt giống trong tay, bà Mai nhận được câu hỏi về việc tiêu thụ đầu ra cho cây chùm ngây hỗ trợ người nông dân nghèo.
Lúc này, bà Mai nảy ra ý định phải giúp họ vừa có thực phẩm dinh dưỡng, vừa có công việc làm. Bà đã cùng người thân cải tạo khoảng 20 hecta đất rừng tại Đồng Nai. Cây chùm ngây được bà cùng các cộng sự chăm chút, trồng theo tiêu chuẩn Global GAP – trồng sạch, hữu cơ.
Sau khi trồng được cây, bà bắt đầu hướng dẫn công nghệ này cho người nông dân trồng và phát triển. Trong năm 2011, bà Mai đã thành công với đề án “Trồng và phát triển cây Moringa tại Việt Nam". Bà chia sẻ: “Tôi đã nghiên cứu và làm tám loại trà Moringa, kết hợp các thảo dược khác. Tôi nghĩ là đến đây đã đủ, nhưng sự yêu quý loại cây này lại dẫn dắt tôi đi tiếp”.
Sáng tạo sản phẩm về Moringa
Tháng 6-2011, bà Tuyết Mai có dịp gặp gỡ Hòa thượng Thích Giác Toàn - Phó chủ tịch Hội Phật giáo Việt Nam trong chương trình khám bệnh miễn phí cho 60 nhà sư. Bà đảm nhận vai trò hỗ trợ bếp chay với các món canh, trà, bánh... có rau chùm ngây. Khi thưởng thức và thấy ngon miệng, các nhà sư gợi ý cho bà Mai về việc làm mì hoặc cháo ăn liền từ rau Moringa để nhiều người có thể thưởng thức.
Một lần suy nghĩ muốn giới thiệu đến cộng đồng loại cây bổ dưỡng, bà Tuyết Mai đã ngay lập tức nghĩ ra sáng kiến làm mì có thành phần Moringa. Sản phẩm đã nhận được sự góp ý trong một buổi họp mặt của 300 vị sư trụ trì khắp cả nước vào ngày 11-6-2011. “Cây Moringa có rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết, vì vậy đây chính là giải pháp cho những người ăn chay trường. Hôm đó, tôi đã có cơ hội giới thiệu với các nhà sư về cây Moringa và tặng họ hạt giống để trồng tại chùa, lấy thực phẩm bổ dưỡng”, bà Mai cho biết.
Đề án phát triển cây Moringa thành công ở Việt Nam, bà Tuyết Mai tiếp tục đem nghiên cứu của mình ra thế giới với hy vọng lan tỏa đến các quốc gia khác về loại cây quý có nhiều ở đất Việt. Năm 2012, bà đã đạt giải “Nữ doanh nhân Mekong” với đề án này và bà đã đại diện Việt Nam tham dự “Global Forum 5th” tại Nam Phi vào năm 2013 để chia sẻ rộng rãi hơn đến cộng đồng.
Bà cho biết, bản thân là người đề cao sự sáng tạo và đổi mới, nên không ngừng nghiên cứu và cho ra mắt các sản phẩm đa dạng về chùm ngây. Theo bà, nếu uống trà hay chiết xuất thành viên nén thì người dùng vẫn có cảm giác đang dùng thực phẩm chức năng hay uống thuốc. Vì vậy, bà nghĩ ra nhiều sản phẩm gần gũi như mì Moringa, cháo Moringa bánh cookie Moringa, socola Moringa, trà Moringa, súp Moringa ăn liền, thậm chí là cả cà phê sữa có thêm Moringa. Những dòng sản phẩm này nhanh chóng được nhiều người đón nhận và được xuất khẩu ở nhiều nơi trên thế giới.
Sau tám năm chinh phục cây chùm ngây, bà Tuyết Mai quyết định xuất bản cuốn sách về dinh dưỡng và các món ăn ngon với cây này. Cuốn sách có tên “Nấu ăn cùng Madame Tuyết Mai”, xuất bản ngày 24-7-2018. Dù có nhiều công việc bận rộn của một doanh nhân, người mẹ, người vợ, song bà Mai vẫn dành một tình yêu đặc biệt cho ẩm thực. Những món ăn về rau Moringa được bà thử nghiệm nhiều lần để cho ra công thức đơn giản mà ngon miệng, ai cũng có thể nấu. Với kích thước nhỏ gọn như một cuốn sổ tay, bà mong muốn cuốn sách này có thể trở thành cuốn sổ tay kiến thức dinh dưỡng để mang đi khắp nơi.
"Nấu ăn cũng là thiền"
Từ nhỏ, bà Tuyết Mai đã rất thích nấu ăn. Tính nghệ sĩ và sự sáng tạo trong bất cứ công việc nào - dù là trong kinh doanh hay nấu ăn - giúp mỗi món ăn từ tay bà đến bàn ăn đều được trau chuốt cả về hương vị lẫn hình thức. Thậm chí, chỉ là đĩa cá kho hay món canh súp hằng ngày, bà cũng tìm cách để trang trí sao cho bắt mắt và tinh tế, tập cho bản thân thói quen luôn sáng tạo trong mọi hoàn cảnh.
Bà cho biết bản thân được lĩnh hội kiến thức nấu ăn điều hòa âm dương từ ông xã người Hoa và qua những dịp gặp gỡ, giao lưu với các đầu bếp nổi tiếng trong và ngoài nước. “Nấu ăn cũng là thiền, như khi lặt rau bỏ đi rau úa, rau sâu, bỏ đi muộn phiền trong cuộc sống. Khi nấu ăn, ta phải tập trung hoàn toàn vào món ăn nên cũng như một cách thiền”, bà Mai đúc kết về sở thích nấu nướng của mình.
Với những kiến thức và kinh nghiệm của mình, bà Phan Thị Tuyết Mai đã từng là người phụ trách phần dinh dưỡng cho 60 thí sinh Hoa hậu đại sứ du lịch Thế giới 2018 trong suốt thời gian cuộc thi diễn ra ở Việt Nam.
Đây cũng là lần đầu tiên bà Mai đảm nhiệm vai trò bếp trưởng. Trong vòng 24 tiếng, bà phải nghĩ ra thực đơn - vừa phải có giá trị dinh dưỡng, vừa ngon miệng và ý nghĩa - cho vài trăm quan khách nước ngoài.
Với kinh nghiệm hợp tác sản xuất suất ăn cho nhiều hãng hàng không, bà Tuyết Mai luôn chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng. Các món ăn của bà không những mang đậm hồn Việt, gợi nhắc đến hình ảnh Việt Nam thanh bình trong mắt bạn bè quốc tế mà còn được trang trí vô cùng đẹp mắt.
“Tôi nấu ăn cho họ với tấm lòng của một người mẹ và sự sáng tạo của một doanh nhân. Không những mang đến hương vị món ăn ngon, trước mỗi món ăn tôi đều phải thuyết trình về ý tưởng để làm sao cho họ cảm nhận được ý nghĩa và tình cảm mà tôi gửi gắm”, bà Tuyết Mai nói.
Doanh nhân Phan Thị Tuyết Mai với dự án nghiên cứu nuôi và phát triển "Cá tra giàu Omega 3" đã được nhận cúp vàng chất lượng quốc tế tại Paris năm 2009; đạt giải thưởng sáng tạo "Nữ Doanh Nhân Mekong" năm 2012 với dự án "Trồng và phát triển cây Moringa tại Việt Nam", thành công đưa thương hiệu Mori ra thế giới.
Yến Nhi