ĐẶNG TRUNG CÔNG -
Tháng Giêng với nhiều người Việt là “tháng ăn chơi”. Dù qua mồng 8 tết mọi người đã đi làm lại, học sinh đến trường trở lại, buôn bán hoạt động trở lại bình thường nhưng không khí tết vẫn chưa nguôi.
Dòng người vẫn nườm nượp kéo đến lễ hội, thậm chí tệ nạn như đá gà, đánh bạc nhan nhản khắp nơi.
Thấy rõ nhất là các cơ quan công quyền địa phương. Sau tết, số lượng người dân mang đơn từ, giấy tờ đến công an phường, xã, quận, huyện rất đông vì sau thời gian dài gián đoạn. Nhưng văn phòng làm việc của chính quyền lèo tèo vài ba người trực, làm người dân phải ngậm ngùi ra về. Có nơi, cán bộ đi làm bình thường, ngặt nỗi muốn chứng được đơn từ phải có chữ ký của sếp. Mà sếp thì lại bận “họp” ở nhà chú Sáu, dượng Bảy hay đã đi chùa, đình nào đó…
Tết đã trôi qua, nhưng nhiều nhà nông vẫn vô tư ăn nhậu. Đến nhà nào cũng thấy bày tiệc, độ nhậu. Lý do thật đơn giản: bia, rượu, thực phẩm trong nhà còn ê hề nên phải dùng cho hết, không thì lãng phí. Tết vốn là thời gian nông nhàn nên lại càng thêm sinh tật. Cờ bạc, đá gà tràn lan.
Nhiều công nhân, nhất là công nhân xa quê vẫn chưa trở lại công ty làm việc. Thiếu công nhân, mọi hoạt công ty trở nên xáo trộn. Nhiều người phải chờ đợi một vài người khiến cho năng suất giảm. Đã thế nhiều công nhân về quê ăn tết rồi nghỉ luôn nhưng lại không thông báo cho công ty biết, khiến cho quản đốc phải trông đứng trông ngồi, nhưng không dám tuyển lao động mới vì sợ công nhân cũ vào lại.
Dân gian có câu “tháng Giêng là tháng ăn chơi” chỉ đúng với ngày xưa. Do nước ta khi ấy là nước thuần nông. Tháng Giêng nông nhàn nên nhà nhà ăn chơi cho thỏa chí, để rồi bước sang tháng Hai mới vào vụ cấy, cày. Nhưng nay thì khác, nước ta đã tiến dần lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chạy đua tăng trưởng kinh tế cùng với thế giới. Do vậy cần phải dẹp bỏ tâm lý, thói quen này để giúp bản thân năng động, chủ động trong công việc, nhờ vậy hiệu quả tạo ra cho xã hội, cho đất nước cũng cao hơn.