ÁI DU -
Thời đại công nghệ, máy tính hoặc điện thoại thông minh cũng là “cây bút” nên chữ viết tay đã dần ít đi. Người quan tâm đến chữ đẹp lại càng hiếm. Nhưng không ít người lại thấy tiếc nuối những giá trị xưa cũ đó và đi tầm sư học... viết. Vì thế, trên thị trường cũng xuất hiện một dịch vụ khá được ưa chuộng: luyện chữ đẹp cho mọi lứa tuổi.
Nét chữ nết người
Hè là dịp các trung tâm, các lớp luyện chữ đẹp tại nhà thu hút nhiều người theo học nhất. Nhắm vào nhiều đối tượng khác nhau với những mục đích luyện chữ khác nhau nên các lớp học ở trung tâm cũng khá đa dạng. Từ trẻ chuẩn bị vào học lớp 1, học sinh tiểu học, trung học đến những người đang đi làm, thậm chí còn có nhiều “học sinh” năm sáu chục tuổi cũng kiên nhẫn rèn chữ cùng mọi người. Thầy Tường (quận 3) cho biết có gia đình cả ba mẹ và con đều đến học ở lớp thầy, lại có người vì chữ quá xấu cũng tìm đến học.
Quy trình luyện viết chữ đẹp ở mỗi trung tâm đều có những điểm khác nhau, nhưng người học đều được uốn nắn cách cầm bút, tư thế ngồi viết khoa học để có thể viết chữ đúng, đẹp. Sau đó là hoàn thiện và duy trì chữ viết cho đều tay, rồi được hướng dẫn kỹ thuật viết nhanh mà chữ vẫn đẹp và mở rộng các dạng mẫu chữ, phát huy khả năng sáng tạo, làm quen với thư pháp.
Định nghĩa về chữ đẹp, cô giáo Nguyễn Kim Dung ở trung tâm luyện chữ đẹp Thiên Trường cho biết: “Chữ viết là phương tiện để truyền tải thông tin nên yêu cầu đầu tiên của chữ viết là phải rõ ràng. Về thẩm mỹ thì chữ viết phải có sự thống nhất về phông (font) chữ, độ nghiêng (hay đứng), có sự đồng đều về kích cỡ chữ, khoảng cách giữa các chữ, các dòng, sự ngay ngắn thẳng hàng, sự linh hoạt trong cách viết tạo ra nét viết vừa có sự mềm mại vừa có sự cứng cáp nhờ lực điều khiển bút. Cao hơn nữa là thể hiện được nét thanh, nét đậm và cá tính, cảm xúc của người viết. Tóm lại, học viết chữ đẹp là học phương pháp viết mới đồng thời là quá trình sửa bỏ thói quen viết cũ”.
Trên Diễn đàn Công nghệ và Phong cách về chủ đề “Cách luyện viết chữ đẹp”, một người có nick name “Bán thân mua bút” chia sẻ: “Chữ viết cũng như một phụ kiện trên người, nó là cái để người khác đánh giá về mình nên tôi muốn nó phải đẹp. Ngoài ra, tôi không muốn công nghệ làm mất đi sự liên kết giữa tôi với đời sống thực và những người xung quanh. Viết một cái e-mail thì quá đơn giản. Thời nay nhìn e-mail chỉ thấy ngán chứ không còn gì thích thú nhưng nhận được một lá thư hay vài dòng cảm ơn viết tay thì ai cũng trân trọng. Nếu chữ viết đẹp thì còn gì đáng quý hơn”.
Anh Nguyễn Ngọc Minh Anh công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam có con đang theo học một lớp luyện chữ đẹp, cho biết: “Chữ viết của học sinh hiện nay đa phần đều rất xấu. Có lẽ giáo viên mầm non hoặc tiểu học chưa có phương pháp luyện chữ cho học sinh. Thậm chí, nhiều giáo viên chữ còn chưa đẹp nên thật khó để học sinh có ý thức luyện chữ đẹp, nhất là khi các em được tiếp cận, sử dụng công nghệ ngay từ lúc còn rất nhỏ. Đến khi lớn một chút, các em ỷ lại vào máy tính, vào công nghệ. Các trung tâm luyện chữ đẹp xuất hiện nhiều vì họ hiểu được tình hình chung đó và đánh vào tâm lý của phụ huynh nên tôi nghĩ sẽ thu hút được người học”.
[box] Địa chỉ tham khảo:
- Trung tâm luyện viết chữ đẹp Kimi Training, 89 Cù Lao, Phan Xích Long, quận Phú Nhuận.
- Công ty Thủy Nhiên, 127/23 Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình.
- CLB Ngôi Sao Xanh 77, đường số 1 Cư xá Đô Thành, quận 3.[/box]
Cầm bút đúng, viết bằng vai
Theo cô giáo Mỹ Hạnh (quận Phú Nhuận) viết chữ xấu có nhiều lý do: giấy xấu, bút xấu, mực bị cặn, bàn không chắc chắn dẫn đến tay bị rung, thiếu ánh sáng, vội vàng, cầm bút sai cách… “Do đó, muốn viết chữ đẹp nên chọn loại giấy tốt, có độ mịn cao, không nhòe, định lượng lớn hơn 70 g/m2. Nên chọn loại bút không quá dài, không quá ngắn, không quá to, không quá nhỏ, mực ra đều, ngòi không đọng mực. Chọn loại mực có độ mao dẫn vừa phải, không quá lỏng và không lắng cặn. Trước khi bơm mực lần đầu nên ngâm nước ấm khoảng 10 phút sau đó rửa sạch bút. Khi bơm mực xong cần lau sạch mực ở ngòi bút”, cô Hạnh nói.
Cũng theo cô Hạnh, bên cạnh sự kiên nhẫn trong quá trình luyện chữ thì cách cầm bút đúng đóng vai trò rất quan trọng. Cách cầm bút tuy là điều nhỏ nhất nhưng lại khó và mất nhiều thời gian để sửa nhất. Cầm bút thế nào mới đúng? Cách phổ thông nhất là cầm bút bằng ba ngón tay: ngón cái, trỏ, giữa, hai ngón còn lại hơi gập để tựa lên mặt giấy. “Với cách cầm bút này, nếu hai đốt ngón trỏ uốn lên là sai do cầm bút quá thấp hoặc quá chặt. Cầm bút phải đủ cao để ngòi bút và giấy tạo thành góc 45 độ”, cô Hạnh cho biết thêm.
Theo nick name “Bán thân mua bút”: “Phần lớn chúng ta đều dùng ngón tay và cổ tay để viết. Cách viết này đồng nghĩa với việc bàn tay bị dính chặt vào một chỗ trên mặt giấy, khoảng cách từ cổ tay đến mỗi chữ sẽ khác nhau nên không thể nào viết đều được. Hơn nữa, cử động ngón và cổ tay nhiều, cộng thêm việc dùng bàn tay làm điểm tựa sẽ nhanh mỏi tay hơn”. Thay vào đó, việc dùng vai để viết lại giải quyết được vấn đề trên. Bạn này lý giải: “Cơ vai khỏe hơn cơ cổ tay, ngón tay nên sẽ đỡ mỏi hơn. Theo nguyên lý đòn bẩy, vai xa bút hơn nên cần di chuyển ít hơn để điều khiển bút. Khi dùng vai thì toàn bộ ngón tay, cổ tay và nửa dưới cánh tay sẽ luôn cùng khoảng cách với chữ sẽ giúp chữ đều hơn nên chữ sẽ rõ ràng hơn”.
“Sau khi đã sửa được những thói quen viết cũ thì việc luyện nét, lựa chọn kiểu chữ và thực hành thường xuyên đóng vai trò quyết định sự thành công của việc luyện chữ đẹp”, cô Hạnh khẳng định.