Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Tâm sự người trồng hoa tết ở một làng quê Bình Định

(SGTT) - Chọn một nơi không xô bồ, cũng không phải làng hoa mà đây là mùa hoa thứ 7 mà anh Đỗ Tiến (sinh năm 1982) quyết định chuyển vị trí trồng hoa từ quê nhà Quảng Ngãi về quê vợ ở xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Hiện vựa hoa duy nhất của xã đã lên nụ, chuẩn bị rộ sắc xuân phục vụ bà con mỗi độ xuân về.
Chủ vườn hoa Đỗ Tiến (áo trắng) cùng các nhân viên trẩy bớt nụ cho cây cúc pha lê.

Bảy năm gieo hạt ở vùng đất mới

Để hoa nở đúng tết, chủ vườn hoa đã bắt tay vào việc nhập hạt giống cây trồng từ tháng 7 Âm lịch. Khi mới quyết định di chuyển chỗ trồng, anh Tiến gặp khá nhiều khó khăn do chưa quen điều kiện khí hậu. Nhưng với kinh nghiệm học hỏi từ bố cũng như việc trồng hoa ở làng hoa quê nhà từ rất lâu mà anh Tiến tự tin hơn trong việc trồng hoa.

Chọn một vị trí đắc địa gần đồi dốc, anh bắt đầu công tác vun đất và xuống cây con. Mỗi ngày, anh vẫn luôn có mặt để chăm sóc, để ý và phát hiện vấn đề bất thường của cây nhằm kịp xử lý. Anh cho biết: “Khí hậu ở đây có gió nhiều, nhiệt độ cũng thất thường hơn so với lúc trồng ở làng hoa quê nhà Quảng Ngãi. Tuy nhiên, tôi vẫn đang tích lũy kinh nghiệm khắc phục tốt nhất qua từng mùa hoa”.

Vị trí trồng hoa ở đồi dốc, bên cạnh cánh đồng nên nhiều người dân địa phương có thể ghé xem bất cứ lúc nào.

Giải thích lý do chuyển về đây, anh chia sẻ: “Vợ mình quê Bình Định và hiện cũng có công việc riêng. Nếu ở lại Quảng Ngãi, mình ít có thời gian gần vợ, gần con. Một phần được biết chỗ vợ mình ở cũng chưa có ai trồng hoa bán dịp tết, nên mình thử chuyển về quê vợ. Đến nay trồng hoa cũng được bảy năm”.

Theo anh Đỗ Tiến, vì năm nay dịch bệnh diễn biến phức tạp nên khoảng chừng 1/3 những người anh em trong hội trồng hoa của anh quyết định không gieo hạt giống, dừng sản xuất hoa. Lý do chính là họ sợ thị trường đầu ra không ổn định sẽ gây thất thu.

Bản thân cũng từng phân vân với quyết định trồng hoa tết cung cấp cho Tết Nhâm Dần 2022. Anh tâm sự: “Tôi cũng sợ, nhưng đây là nghề chính của tôi, bỏ tâm huyết bao năm vừa trồng vừa đúc kết kinh nghiệm nên vẫn phải xuống giống. Tuy nhiên, số lượng giảm hơn so với mọi năm”.

Anh Tiến thường xuyên có mặt ở vườn kiểm tra, chăm sóc từng chậu bông cúc.

Năm nay, vựa hoa của anh Tiến có gần 250 chậu bao gồm hai loại hoa cúc pha lê và vạn thọ là chính, giảm hơn một nửa so với những năm trước đó. Còn chưa đến một tháng là đến tết, công tác chăm sóc cho hoa ở các giai đoạn cuối tất bật hơn bao giờ hết.

Chị Võ Thị Thanh Hà - vợ chủ vườn hoa vừa trẩy bớt nụ cho cây vừa bộc bạch: “Tôi không tham gia trồng hoa mà chỉ là hậu phương ở phía sau động viên tinh thần của chồng. Đến lúc này, chỉ mong hoa nở đúng dịp tết và nhận được sự ủng hộ của bà con thật nhiều”.

Chị Hà (vợ) mong ước hoa nở đúng dẹp tết.

Người dân đợi… không khí tết

Đứng ở vườn hoa lấp ló nụ, tay cẩn thận trẩy từng nụ không cần thiết, nhân công Nguyễn Thị Niềm tươi cười và nói: “Mấy năm nay, tôi được trải nghiệm công việc trồng hoa tết, cũng vui lắm. Dịp này, nghề trồng lúa đang trong thời gian rảnh, nên giúp gia đình chị Hà. Nhớ nhất là giai đoạn treo đèn cho cúc, vì nhà gần, nên cứ hễ tới lúc bật đèn sưởi cho cúc là tranh thủ ra ngắm. Nhìn một màu vàng của đèn sáng rực giữa cánh đồng, trông rất thích”.

Theo chủ vườn, giai đoạn cây hoa cần đèn, anh phải theo bóng thường xuyên vì chúng ở ngoài trời nên dễ hư hao.

Theo chủ vườn hoa, số chậu bông cúc, vạn thọ trồng ra chủ yếu cung cấp bông tết cho người dân địa phương. Ngoài ra, anh còn di chuyển hoa tiêu thụ ở hai địa điểm khác là Tam Quan (Bình Định) và Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).

“Khoảng từ nửa tháng Chạp sẽ bắt đầu có khách ruột đến xem hoa và đặt trước những chậu hoa yêu thích. Còn năm nay, tôi không biết tình hình sẽ thế nào”, anh Đỗ Tiến vừa tưới nước, vừa lo lắng.

Năm nay, từ việc nhập giống đến làm đất, phân bón, thuốc men đều tăng giá. Nhưng chủ vườn quyết định không tăng giá bán và giá hoa cúc sẽ dao động từ 200.000 - 500.000 đồng tùy từng chậu lớn hay nhỏ, còn vạn thọ từ 50.000 - 150.000 đồng. Anh tâm sự: “Dịch bệnh ai cũng khó khăn, mình tâm huyết trồng bông ngoài thu lời cũng vì một phần để bà con mua bông chưng dịp tết cho có không khí xuân”.

Tùy theo chậu cúc lớn hay nhỏ mà giá bán dao động từ 200.000 - 500.000 đồng.

Kinh nghiệm tuy đã có nhưng theo anh vẫn phụ thuộc điều kiện thời tiết khá nhiều. Chủ vườn bộc bạch rằng phải có mặt vườn hoa thường xuyên, kỹ lưỡng kiểm tra từng chậu hoa để tránh trường hợp sâu bệnh gây hại. Anh cười, kể lại kỷ niệm nhớ đời: “Nhiều lúc về nhà đón con tan trường, quay lại vườn mới nhớ lúc tưới nước cho cây rồi quên cúp nước”.

Sẵn tiện đi ngang thăm ruộng lúa, anh Nguyễn Văn Tịnh ghé lại vườn hoa, chăm chậu vạn thọ đã đặt cọc từ trước.

Anh Nguyễn Văn Tịnh, nhân công trong khâu cộng tác di chuyển chậu hoa đến từng nhà theo yêu cầu khách hàng mấy mùa hoa vừa qua, cho biết đã sớm đặt cọc chậu vạn thọ trước đó.

“Cũng tự hào khi địa phương có người trồng hoa tết, vào những ngày giáp tết, hoa nở vàng rực giữa một không gian cánh đồng xanh ngắt. Độ ấy, lòng nôn nao, rộn ràng lắm cứ như không khí tết về rất gần tại ngôi làng nhỏ vậy”, anh Tịnh nói.

Bài và ảnh: Trần Đào

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối