Ba Harin
Trong thời buổi bọn trẻ say game, đắm đuối lướt iPad, thì chuyện thằng nhóc ba tuổi yêu sách truyện là một cái may. Nhưng đồng nghĩa với việc hàng đêm, hết chồng lại đến vợ phải chịu khó nằm bên cạnh nó, đọc hết truyện này tới truyện khác.
Đọc truyện cho con nghe là một cái thú, không sai. Bởi khi đọc, cũng là một dịp để người lớn có được tấm vé đi về với tuổi thơ của mình, nói theo cách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Những câu chuyện về các đồ vật, thế giới thần tiên và thế giới tươi đẹp hồn nhiên thuở bình minh của cuộc đời mình tìm về trên trang sách, làm xoa dịu những nhọc nhằn, căng thẳng sau một ngày bừa bộn, xoay vần trong toan tính mưu sinh.
Thế nên, đọc sách cho con cũng là đọc cho mình.
Nhưng rồi mọi chuyện không suôn sẻ khi đến một ngày kia, chồng giật mình bảo với vợ rằng, anh phát hiện ra quá nhiều lỗi sai trong sách, nếu cứ theo quán tính, mở sách đến đâu đọc đến đó cho thằng nhỏ nghe thì chắc là không ổn. Chồng nhắc vợ phải đọc trước để sửa văn, sửa từ sao cho thằng nhỏ dễ tiếp nhận.
Sách truyện cho thiếu nhi bây giờ đa số được viết bởi người lớn (dĩ nhiên), lại viết với văn phong của người lớn, đầy phương ngữ vùng miền, kể cả những biệt ngữ hành chính mà bọn trẻ con như thằng nhóc nhà anh nghe, cứ dỏng tai lên ngơ ngác rồi bắt phải giải thích. Nào là “Hoan nghênh cậu đã tới” (thằng nhóc sẽ hỏi “hoan nghênh” là gì vậy ba?), “Xe cứu thương lao thần tốc” (thằng nhóc sẽ hỏi “thần tốc” là gì hả ba?), “Gượm chút nào” (Thằng nhóc sẽ hỏi, “gượm” là gì vậy mẹ?), chưa hết, những câu văn cụt què, kém nhạc tính, sai chính tả, dùng từ khó hiểu… khiến cho việc đọc trở nên khó khăn. Thông thường thì người cha trong câu chuyện phải ngồi đọc lướt qua một lượt, sửa văn sửa từ rồi mới bắt đầu câu chuyện một cách thông suốt để thằng nhỏ không bị mất hứng.
Tất nhiên, đó là những hôm trong người thấy thảnh thơi, việc vừa đọc sách vừa sửa văn sửa từ xem ra đơn giản. Không may những tối về đến nhà vẫn còn nhiều việc cơ quan chưa giải quyết hết, chồng ôm một cái máy tính ngồi góc này, vợ ôm cái điện thoại ngồi trả lời e-mail góc kia, thằng nhỏ ngồi lật lật mấy cuốn truyện mặt buồn so. Ừ, thì thấy thương con, cũng đọc, nhưng chẳng tâm trạng nào để phải ngồi giải thích từng chữ, chẳng tâm trí đâu để sửa nhạc tính cho câu văn bay bổng, sửa chi tiết truyện nọ cho không bị hồ đồ, lược bớt những nội dung kia cho đỡ yếu tố gay gắt thù hận, bạo lực… Đọc ro ro cho con nghe một lúc rồi mới giật mình, tự hỏi, mình vừa đọc cái gì vậy, đó có phải là những điều mà mình muốn dạy con?
Bạn sẽ hỏi, vậy thì sao không chọn sách ngay từ đầu? Câu hỏi đó đúng. Nhưng chưa đủ. Vì người cha trong câu chuyện này cũng là một tay mê sách. Y tự tin nói với bạn rằng, y biết tự chọn sách đọc cho mình, nhưng cái việc đưa con đi nhà sách, chọn sách cho con đôi khi sao mà khó khăn quá. Sách truyện cho thiếu nhi bây giờ trăm hoa đua nở, tất cả đều được in dưới dạng sách ảnh, trình bày đẹp, giấy tốt, nhưng làm sao có thể đọc hết nội dung của cuốn sách trong những buổi đi dạo nhà sách. Trong một đống sách đôi khi cũng “sơ sểnh” vài cuốn đầy sạn. Trong những cuốn hay đôi khi cũng sót vài hạt sạn khó nhằn. Thôi thì bỏ công chuộc lỗi, chịu khó vừa đọc vừa giải nghĩa (thì hẳn rồi), vừa sửa sai hay tìm cách lái câu chuyện sao cho nhân văn, phù hợp với lối nghĩ của thằng nhóc.
Thế rồi một hôm vợ cáu kỉnh nói với chồng: “Anh mà cứ khó tính vậy, thì tự viết sách cho con đọc luôn đi”. Chồng im lặng rồi giật mình nghĩ: “Ủa, mình có khó tính quá không vậy ta? Chẳng phải có biết bao phụ huynh vẫn mua sách đọc cho con hàng đêm nhưng không gặp vấn đề gì trong chuyện đọc?” Rồi lại nghĩ: “Hẳn là viết sách cho trẻ con đọc là một việc khó khăn vô cùng, thế nên sách thiếu nhi thì tràn lan nhưng tìm ra những bộ sách hay, không bị sạn, có giá trị giáo dục theo đúng như mong muốn của những phụ huynh khó chịu như mình, cho đến bây giờ vẫn thuộc loại hiếm”.
Trước câu thách thức của vợ (là viết sách cho con đọc) chồng chỉ biết thở dài: “Anh mà viết được thì đã viết rồi”.
Cuối cùng thì thằng nhỏ đang thèm nghe truyện hàng đêm. Vẫn phải đọc. Và vẫn phải làm nhà biên tập kiêm phê bình, chỉnh sửa, giải thích cho thằng nhỏ nghe. Rồi đôi khi vẫn phải làu bàu, ước chi mình có thể tự viết sách cho chính con mình đọc được.