(SGTTO) – Làng chài Mỹ Quang Nam nằm hai bên bờ một con sông nhỏ đổ ra biển, với hàng dừa cong ngả bóng xuống dòng sông và những bụi tre thân quen gợi nhớ khung cảnh làng quê Việt Nam.
Làng chài này thường được gọi là làng biển Mỹ Quang Nam, thuộc thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An, Phú Yên, giữa hai địa danh nổi tiếng: bãi Xép trong bộ phim “Hoa vàng cỏ xanh” mới nổi và biển Long Thủy với hòn Chùa vang tiếng bấy lâu nay.
Cũng may, nhờ sự “ẩn mình” như vậy mà nơi này còn giữ nguyên những nét nguyên sơ vốn có của một làng chài ven biển. Những chiếc thuyền thúng nằm sẵn trên bờ để ngư dân “trung chuyển” ra những chiếc ghé đậu phía xa kia.
Ở đây, ngư dân thường đi câu gần, mỗi chuyến vào buổi sáng hoặc chiều chỉ khoảng 3 tiếng nên mỗi ngày trong làng có 2 buổi họp chợ, là giờ là các loại ghe đi biển về. Ghe về có loại cá tôm mực gì thì bày ra bán ngay. Không chỉ người trong làng mà còn có những người nơi khác đến mua vì luôn là những loại hải sản tươi ngon được bán với giá rẻ nhất.
Theo người làng, con sông chảy giữa làng sạch trong, vì chảy từ trên núi xuống. Dòng sông được người dân bảo vệ, không có tình trạng xả rác. Hai bên sông là những mái nhà ngói đỏ nằm nép dưới hàng dừa cong cong ngả xuống mé sông, có ai đó còn mắc chiếc võng điệu đà. Cảnh đẹp tự nhiên không có bàn tay sắp đặt vờ vĩnh nào.
Đường làng ven sông được người dân giữ gìn sạch sẽ, và trồng những luống hoa hai bên lối đi. Con đường dẫn ra đến gần biển thì đến ngôi miếu thờ Thành hoàng của làng, nằm dưới gốc cây bàng lớn. Đây là nơi mỗi khi chuẩn bị đi biển ngư dân vào thắp nén nhang cầu mong sự an lành.
Chiều xuống, trên bãi cát cuối làng, người lớn ngồi hóng mát trò chuyện, con nít nô đùa chạy nhảy tung cát đầy người, tiếng cười giòn tan.
Khung cảnh một làng chài yên bình hiện rõ trên gương mặt những người dân ở đây: bình thản với cuộc sống, dù cho những khó khăn vẫn còn ngoài kia, ngoài biển khơi. Có những buổi đi câu không được nhiều, hay tai nạn rình rập, nhưng muôn đời nay nghề đi biển đã nuôi sống ngôi làng này.
Tiếng đám trẻ con lại rộn rã khi 2 chiếc xe trâu lội qua ảng nước một cách khó nhọc. Một cuộc sống tự nhiên vốn có, như không bị bất kỳ tác động nào của cuộc sống hiện đại. Rồi mấy đứa trẻ lại ùa ra biển tắm, đùa giỡn với những đợt sóng ập vào bờ. Đó như là bản năng của những đứa trẻ ở làng chài: sinh ra ở biển, sống với biển, và yêu biển.
Đức Nam