Lê Anh -
Việc mở rộng phần sân đỗ của máy bay tại Tân Sơn Nhất sẽ được giải quyết trước Tết Nguyên đán 2018 khi Bộ Quốc phòng chính thức bàn giao cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thêm 21 ha để xây dựng bãi đỗ.
Tân Sơn Nhất có thêm 30-35 vị trí đỗ máy bay
Khi số lượng chỗ đỗ máy bay tăng lên, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ giảm tải đáng kể.
Ngày 21-2, Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng đã chính thức bàn giao 21 ha đất quân sự, phía Tây, hướng ra đường Cộng Hòa để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Tại buổi lễ bàn giao ở Tân Sơn Nhất, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, ngay sau khi bàn giao, Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV) sẽ tiến hành thi công ngay hạng mục sân đỗ máy bay. Dự kiến, trước Tết Nguyên đán 2018 sẽ đưa vào sử dụng thêm diện tích sân đỗ.
Khi có thêm 21 ha sẽ đáp ứng thêm từ 30-35 vị trí đỗ máy bay khi đó Tân Sơn Nhất sẽ có tổng cộng 80 vị trí đỗ và sẽ đáp ứng được 40-45 triệu lượt hành khách/năm.
Ông Thanh cũng cho biết thêm dự kiến năm nay sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón khoảng 37-38 triệu lượt khách/năm. “Để giải quyết quá tải ở khu bay nên trước mắt sẽ làm trước phần sân đỗ. Còn các hạng mục khác như nhà ga T3 và T4 hiện vẫn đang làm phương án thiết kế, những hạng mục này phải chờ Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thì mới xây dựng và sẽ đưa vào khai thác từng hạng mục theo dạng cuốn chiếu” ông Thanh nói.
Cục trưởng Cục hàng không cũng nhận đinh, mặc dù mở rộng Tân Sơn Nhất và sau này khi có sân bay Long Thành nhưng nhu cầu đi lại của hành khách qua Tân Sơn Nhất vẫn rất lớn. Vì vây, việc mở rộng Tân Sơn Nhất đáp ứng cho nhu cầu hiện tại và cả sau này.
[box] Ba phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Phương án 1: xây mới toàn bộ hệ thống đường cất hạ cánh (đường băng), đường lăn, sân đỗ, nhà ga... trên diện tích khu vực sân golf phía Bắc sân bay. Phương án này, có thể nâng công suất của sân bay từ 25 triệu khách/năm lên 60 triệu khách/năm. Phương án này cần 10-15 năm xây dựng, giải tỏa hơn 140.000 hộ dân, chi phí dự kiến khoảng 201.350 tỉ đồng.
Phương án 2: xây đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường băng hiện nay với sân đỗ. Xây đường lăn và sân đỗ máy bay phía Bắc, xây nhà ga lưỡng dụng (quân sự-dân dự) T3 công suất 10 triệu hành khách/năm, xây nhà ga hành khách T4 công suất 10 triệu khách. Phương án này cần khoảng 61.000 tỉ đồng, thời gian xây 8-10 năm và nâng công suất sân bay lên 43-45 triệu hành khách/năm.
Phương án 3: xây đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường băng và sân đỗ; cải tạo đường băng phía Bắc hiện nay; xây nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách/năm, xây nhà ga hành khách T4, công suất 10 triệu khách/năm ở khu vực phía Nam sân bay hiện nay. Phương án này sẽ sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội nên chi phí xây dựng khoảng 19.700 tỉ đồng, thời gian xây dựng không quá 3 năm mà vẫn đảm bảo được công suất 43-45 triệu hành khách/năm.
Hồi tháng 1-2017, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thống nhất đề nghị chọn phương án 3 để sớm hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-2.[/box]
Mở đường vào sân bay:vẫn phải chờ
Trước tình hình các đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng kẹt xe nghiêm trọng, nhất là khi TPHCM đang xây dựng hai cầu vượt tại nút giao Trường Sơn và nút giao Nguyễn Thái Sơn-Nguyễn Kiệm, mới đây, quận Gò Vấp đã có văn bản kiến nghị thành phố mở thêm cổng vào sân bay phía Gò Vấp để giảm ùn tắc trên đường Trường Sơn.
Phương án này trước đây đã có một số chuyên gia đề xuất nhằm phá thế “độc đạo” cho đường Trường Sơn. Trả lời câu hỏi của Sài Gòn Tiếp Thị tại buổi lễ bàn giao 21 ha tại Tân Sơn Nhất ngày 21-2, ông Lại Xuân Thanh cho biết, đề xuất này hiện đang nghiên cứu nên hiện Cục Hàng không chưa có ý kiến gì.
Còn ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, phương án mở cổng vào phía Gò Vấp cần phải dựa trên phương án điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất. Do mới nhận được đề xuất nên Sở GTVT vẫn đang tiến hành nghiên cứu.
Còn đối với hạng mục nhà ga và mở đường vào phía đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, ông Thanh thông tin thêm, phương án này cũng phải chờ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất của Chính phủ sau đó mới biết được có xây nhà ga và mở đường ở phía đường này hay không.
Trước đó, hồi tháng 1-2017, sau khi họp bàn với các bộ, ngành về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu nghiên cứu phương án xây đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường băng và sân đỗ; cải tạo đường băng phía Bắc hiện nay; xây nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách/năm, xây nhà ga hành khách T4, công suất 10 triệu khách/năm ở khu vực phía Nam sân bay hiện nay.
Phương án này sẽ sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội nên chi phí xây dựng khoảng 19.700 tỉ đồng, thời gian xây dựng không quá 3 năm mà vẫn đảm bảo được công suất 43-45 triệu hành khách/năm.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận của các bộ ngành, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thống nhất đề nghị chọn phương án nói trên để sớm hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-2.
Như vậy, đến đầu năm 2018, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được “giải cứu” vì một số hạng mục cấp bách sẽ hoàn thành. Ở bên trong sân bay sẽ có thêm sân đỗ cho máy bay; còn ở bên ngoài hai cầu vượt ở nút giao Trường Sơn và Nguyễn Thái Sơn-Nguyễn Kiệm cũng sẽ đưa vào sử dụng. Nếu như phương án mở thêm cổng vào ở phía Gò Vấp được thực hiện thì Tân Sơn Nhất sẽ giảm tải đáng kể, khi đó hành khách cũng sẽ đỡ vất vả hơn khi đến sân bay.